Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn theo hình thức trực tuyến vào thứ Hai (11/5) về tình hình bất ổn ở Jerusalem, nhưng chưa đưa ra tuyên bố. Các nhà ngoại giao cho biết Hoa Kỳ tin rằng các bình luận của công chúng sẽ gây phản tác dụng.

Embed from Getty Images

Các nhà ngoại giao cho biết các cuộc đàm phán đang tiếp tục giữa 15 quốc gia trong Hội đồng Bảo an về một văn bản dự thảo ban đầu do Na Uy đề xuất.

Theo một nhà ngoại giao, Hoa Kỳ cho biết trong hội nghị truyền hình kín rằng họ đang “làm việc ở hậu trường” để làm dịu tình hình và “không chắc rằng một tuyên bố vào thời điểm này sẽ giúp ích gì”.

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an diễn ra sau khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan, điện thoại cho người đồng cấp Israel và bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về việc Israel trục xuất người Palestine tại thành phố linh thiêng có thể đã góp phần thổi bùng căng thẳng.

Theo AFP, dự thảo tuyên bố của Hội đồng Bảo an sẽ kêu gọi Israel “ngừng các hoạt động định cư, phá dỡ và di dời”, bao gồm cả ở đông Jerusalem, đối với người Palestine.

Dự thảo của Na Uy đã được đưa ra cùng với Tunisia, một thành viên không thường trực đã tổ chức cuộc họp hôm thứ Hai, cũng như Trung Quốc.

Trong dự thảo tuyên bố, văn bản được cho là có ý nghĩa thấp hơn so với nghị quyết, các thành viên Hội đồng Bảo an sẽ nói lên “mối quan ngại nghiêm trọng của họ về việc leo thang căng thẳng và bạo lực ở Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem”, nơi mà Israel sáp nhập và coi là một phần thủ đô của mình.

Dự thảo cũng kêu gọi “thực hiện kiềm chế, hạn chế các hành động và lời lẽ khiêu khích, đồng thời duy trì và tôn trọng hiện trạng lịch sử tại các thánh địa.”

Phái bộ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc không đưa ra bình luận ngay lập tức về cuộc họp của Hội đồng Bảo an.

Hoa Kỳ là đồng minh hàng đầu của Israel. Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, quốc gia này đã hỗ trợ rất nhiều cho Israel, nhiều vấn đề chưa có trong tiền lệ, như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển Đại sứ quán Mỹ khỏi Tel Aviv, cắt đứt quan hệ và cắt giảm hỗ trợ tài chính dành cho người Palestine.

Nhưng ngay sau khi ông Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1, chính quyền của ông tuyên bố rằng họ đang khôi phục quan hệ với người Palestine và gia hạn viện trợ đối với người tị nạn Palestine, đảo ngược chính sách cắt giảm trước đó của ông Trump và là yếu tố quan trọng trong việc ủng hộ giải pháp 2 nhà nước.

Ngày 25/3, chính quyền Biden cho biết họ đang trao 15 triệu USD cho các cộng đồng người Palestine dễ bị nhiễm bệnh ở Bờ Tây và Dải Gaza để giúp ứng phó với đại dịch COVID-19, một sự đảo ngược mạnh mẽ chính sách của chính quyền Tổng thống Trump, vốn đã cắt gần như tất cả khoản viện trợ dành cho người Palestine.

Hơn 300 người đã bị thương hôm thứ Hai khi các cuộc đụng độ bạo lực một lần nữa nổ ra giữa cảnh sát Israel và người Palestine tại khu nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, nơi linh thiêng của cả Hồi giáo và Do Thái giáo.

Tổ chức Hamas tại Dải Gaza đã bắn tên lửa vào Jerusalem, sau đó Israel đã công kích đáp trả. Ít nhất 20 người thiệt mạng, bao gồm 9 trẻ em và một chỉ huy cấp cao của Hamas, trong khi 65 người khác bị thương, chính quyền Gaza cho biết.

Không có cuộc đàm phán hòa bình thực chất nào diễn ra giữa Israel và Palestine kể từ năm 2014, và 2 bên đang bị chia rẽ gay gắt bởi các vấn đề cốt lõi của cuộc xung đột.

Lê Xuân 

Xem thêm: