Ngày 22/7/2020 vừa qua, Ủy ban Nhân quyền Hội luật sư (Bar Human Rights Committee), cơ quan nhân quyền quốc tế của Hội luật sư Vương quốc Anh và xứ Wales (Bar of England and Wales), đã xuất bản một bài báo với tựa đề “Trách nhiệm của các quốc gia theo Luật quốc tế đối với người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo dân tộc Turk khác ở Tân Cương, Trung Quốc”. Bài báo đưa ra các khả năng pháp lý để đưa những cá nhân phải chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương ra công lý, đồng thời kêu gọi các quốc gia hành động trước tội ác chống lại loài người của chính quyền Trung Quốc.

Hội luật sư Anh kêu gọi quốc tế hành động trước tội ác tại Tân Cương
(Ảnh: Alexandros Michailidis, Shutterstock)

Báo cáo chỉ ra, cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ cùng các dân tộc thiểu số khác tại Tân Cương là vô cùng nghiêm trọng. Họ bị “theo dõi trên diện rộng và hơn 1 triệu người bị giam giữ tùy tiện, bị tra tấn và bị đối xử vô nhân đạo trong tù, bị buộc phải chia cách với con cái, bị cấm không được thực hành đức tin của mình hay nói ngôn ngữ của mình, bị buộc phải triệt sản, bị buộc lao động cưỡng bức, bị thu hoạch nội tạng, bị mất tích hoặc bị giết trong trại giam” và những tin tức mới và nghiêm trọng hơn xoay quan các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Tân Cương vẫn tiếp tục được phơi bày.

Rất nhiều nhân chứng thoát khỏi Tân Cương đã miêu tả về tội ác tàn bạo mà người Duy Ngô Nhĩ tại đây đang phải chịu đựng. Hôm 20/7, sau khi một báo cáo về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ triệt sản được công bố, nhật báo Libération của Pháp đã có một cuộc phỏng vấn với một nhân chứng đang tị nạn tại châu Âu là bà Qelbinur Sidik Beg. Người phụ nữ này đã đưa ra nhiều lời chứng thực tế về hoàn cảnh của người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trại tập trung.

Đặc biệt là việc bà từng chứng kiến cảnh 10.000 phụ nữ trí thức là sinh viên du học ở Hàn Quốc, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, châu Âu hoặc Hoa Kỳ, bị bắt giam khi về nước thăm gia đình. Những người phụ nữ này bị giam giữ trong hoàn cảnh tệ hại, hôi thối, không có cả nhà vệ sinh. Họ bị lấy máu hàng tuần, bị buộc phải uống thuốc không rõ nguồn gốc, bị tra tấn đến nỗi phải cưa tay hoặc chân, và một số khác trở nên điên loạn. Mỗi ngày đều có bốn, năm người bị gọi lên để các cán bộ hiếp dâm tập thể, đôi khi dùng dùi cui điện cho vào chỗ kín và hậu môn, và bị buộc phải uống thuốc tránh thai.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân quyền Hội luật sư, “trách nhiệm của tất cả các quốc gia là phải thực hiện mọi biện pháp có thể để ngăn chặn mọi hành vi vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra, tìm cách chấm dứt mọi hành vi vi phạm đang diễn ra và kêu gọi Trung Quốc ngay lập tức chấm dứt bất kỳ và tất cả các hành vi và chính sách bị cáo buộc là vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của quốc gia này đối với người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi giáo dân tộc Turk khác”.

Ewelina U. Ochab, một nhà hoạt động nhân quyền chuyên nghiên cứu về nạn diệt chủng tại nhiều nơi, từng đệ trình hơn 30 báo cáo cho Liên Hợp Quốc, và là tác giả của chuỗi bài viết trên Forbes về tội ác thu hoạch tạng của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, bình luận: “Mặc dù có quan tâm đến các báo cáo về tội ác tàn bạo được xếp vào hàng tội ác chống lại loài người hoặc thậm chí là diệt chủng, các quốc gia trên thế giới vì lợi ích kinh tế vẫn tiếp tục né tránh việc thực thi trách nhiệm của mình.”

Báo cáo của Hội Luật sư Anh đưa ra một số khuyến nghị cho các quốc gia tham gia đối thoại với Trung Quốc như kêu gọi chính quyền nước này “chấm dứt và hủy bỏ tất cả và mọi vi phạm đến nghĩa vụ và trách nhiệm của quốc gia này theo các hiệp ước có liên quan”; khuyến nghị các quốc gia “thực thi luật nội địa, các quy định của các hiệp ước có liên quan nhằm tôn trọng nghĩa vụ, bảo vệ và thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của họ”, “điều tra -và cho phép, hỗ trợ và tăng cường điều tra độc lập từ những người khác- về tất cả các cáo buộc về tội diệt chủng, giết người, tiêu diệt, tra tấn và các hình thức ngược đãi khác”, “mang lại cho những người sống sót/nạn nhân dưới hình thức cá nhân và/hoặc các biện pháp chung như: hành động khắc phục, đền bù và cam kết không lặp lại”.

Xem bài báo của tờ Libération tại đây
Xem bài báo của Ewelina U. Ochab trên Forbes tại đây

Minh Nhật biên tập