Sau 2 ngày đàm phán căng thẳng, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP27) suýt đổ vỡ giữa chừng, nhưng rạng sáng Chủ nhật (ngày 20/11), các nước tham gia đã đạt được thỏa thuận lịch sử và phòng hội nghị lập tức vang lên tiếng reo hò.

shutterstock 2167436749
Sau hai ngày đàm phán căng thẳng tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP27), rạng sáng Chủ nhật ( ngày 20/11), các nước tham gia đã đạt được thỏa thuận lịch sử. (Nguồn: Rafapress/ Shutterstock)

Thỏa thuận, được gọi là “Kế hoạch thực hiện Sharm el-Sheikh”, bao gồm các điều khoản “thiệt hại và tổn thất”. Tức là thành lập quỹ liên quan và “các nước giàu” như Mỹ và các nước châu Âu phải trả tiền cho biến đổi khí hậu – tức là trả chi phí cho các nước nghèo để bù đắp những tổn thất trực tiếp do các “vấn đề khí hậu” như bão, lũ, v.v, gây ra.

Có quốc gia thích điều này, nhưng cũng có quốc gia không hài lòng.

Đây là một thắng lợi to lớn đối với các nước nghèo, nơi có lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt, nạn đói và bão tố. Họ quy kết những thảm họa này là do biến đổi khí hậu và từ lâu đã yêu cầu đền bù (hoặc bồi thường) bằng tiền mặt.

Hôm Chủ nhật, ông Molwyn Joseph, chủ tịch Liên minh các quốc đảo nhỏ và cũng là Bộ trưởng Môi trường của Antigua và Barbuda, cho biết thỏa thuận này là “một chiến thắng của toàn thế giới”.

Bộ trưởng Biến đổi Khí hậu của Pakistan, bà Sherry Rehman, cho biết bà rất vui mừng về việc đạt được thỏa thuận này: “Nỗ lực 30 năm của chúng ta, cuối cùng hôm nay đã có được thành quả to lớn”. Mùa hè năm nay, Pakistan hứng chịu trận lũ lụt kinh hoàng khiến khoảng 1.700 người thiệt mạng và thiệt hại ước tính 40 tỷ USD. Quốc gia này cho rằng thảm họa này là do biến đổi khí hậu gây ra.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres cho biết: “Tôi hoan nghênh việc thành lập quỹ ‘mất mát và thiệt hại’.” Ông nhấn mạnh: “Hiển nhiên điều này là không đủ, bởi vì để hạn chế [mức tăng nhiệt độ của Trái đất] ở 1,5 độ C, thì chúng ta cần phải đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, đồng thời cắt đứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.”

Tuy nhiên, thỏa thuận không bao gồm việc loại bỏ hoặc giảm dần nhiên liệu hóa thạch (bao gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá) mà một số người cho là góp phần vào sự nóng lên toàn cầu. Một số người ủng hộ năng lượng xanh ở Mỹ, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu không hài lòng về điều này.

Liên minh châu Âu và Mỹ cho rằng Trung Quốc và các quốc gia gây ô nhiễm lớn khác cũng phải chịu trách nhiệm và đóng góp chi phí. 

Theo Tiếng nói nước Đức (Deutsche Welle) đưa tin, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm đại diện đàm phán chính về khí hậu của EU, ông Timo Mans cho biết quỹ chỉ nên bồi thường cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chứ không phải tất cả các nước đang phát triển. Ông cũng cho biết số tiền này nên đến từ một “cơ sở quỹ rộng lớn hơn” – những lời này được hiểu là các quốc gia như Trung Quốc hoặc Ả Rập Saudi cũng nên đóng góp.

Các nước phương Tây có xu hướng cho rằng Trung Quốc hiện là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, tương đương với các nước công nghiệp hóa sớm. Chính phủ Trung Quốc thường phản bác rằng Trung Quốc vẫn thải ra ít khí thải bình quân đầu người hơn so với các nước phương Tây và cho đến gần đây, nước này trong lịch sử có ảnh hưởng tương đối ít đến biến đổi khí hậu.

Trước đó, Bộ trưởng môi trường của Canada, ông Steven Guilbeault, nói với các phóng viên rằng các quốc gia “gần” đạt được thỏa thuận về quỹ “thiệt hại và tổn thất”, nhưng “các nhà tài trợ [cho quỹ này] nên bao gồm tất cả các nước phát thải lớn, có nghĩa là các quốc gia như Trung Quốc, Ả Rập Saudi và Qatar.”

Văn phòng Môi trường Liên bang Thụy Sĩ nói rằng: “Thụy Sĩ vô cùng lấy làm tiếc về quyết định này, và sẽ nỗ lực để đảm bảo rằng các quốc gia này cũng có đóng góp”.

Ngoài ra, một số nội dung của thỏa thuận vẫn chờ thực hiện. Ví dụ, quỹ bù đắp cho các nước nghèo sẽ hoạt động như thế nào? Thông tin chi tiết vẫn chưa rõ ràng. Quyết định về kế hoạch tài chính đã bị trì hoãn cho đến năm sau, khi ủy ban chuyển đổi sẽ đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia và tìm kiếm sự chấp thuận tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào tháng 11/2023.

Theo thỏa thuận, Trung Quốc và các nền kinh tế lớn mới nổi khác hiện không cần đóng góp quỹ để bồi thường cho các nước nghèo, nhưng lựa chọn này vẫn còn trên bàn và sẽ được đàm phán trong vài năm tới. 

Trí Đạt (t/h)