Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tham dự cuộc họp các ngoại trưởng G20 tại New Delhi, thủ đô Ấn Độ, hôm nay (2/3). Những người Tây Tạng đã tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở New Delhi hôm 1/3, để phản đối chuyến thăm của ông Tần Cương, và đã bị cảnh sát Ấn Độ bắt giữ.

Tay Tang
Người Tây Tạng biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở New Delhi hôm 1/3. (Ảnh chụp màn hình Twitter)

Được biết, ông Tần Cương được mời tham dự cuộc họp các ngoại trưởng G20 theo lời mời của người đồng cấp Ấn Độ – Bộ trưởng Ngoại giao S. Jaishankar. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết trong một cuộc họp báo rằng: “Điều quan trọng là G20 tập trung vào những thách thức nổi bật trong nền kinh tế toàn cầu, đồng thời đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới và phát triển toàn cầu.”

“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên nhằm đảm bảo Hội nghị Ngoại trưởng G20 phát đi tín hiệu tích cực về chủ nghĩa đa phương, an ninh lương thực và năng lượng cũng như hợp tác phát triển,” bà nói thêm.

Đây là lần đầu tiên một Ngoại trưởng Trung Quốc tới thăm Ấn Độ trong 3 năm qua. Lần cuối cùng ông Vương Nghị đến thăm Ấn Độ là vào năm 2019 khi tham dự cuộc đối thoại của các Đại diện Đặc biệt về cơ chế biên giới. Các ngoại trưởng G20 được cho là đã thảo luận về cuộc xâm lược Ukraine của quân đội Nga, cũng như mối quan hệ Mỹ – Trung đang cực kỳ căng thẳng.

Sau hội nghị, Ngoại trưởng Ấn Độ cho biết không thể ra tuyên bố chung do sự chia rẽ giữa các bên về cuộc chiến ở Ukraine.

“Đã có bất đồng và chia rẽ liên quan xung đột Ukraine. Chúng tôi không thể  hòa giải giữa các bên”, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cho biết.

Trước tuyên bố của ông S. Jaishankar, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với phóng viên sau hội nghị ở New Delhi: “Tuyên bố chung đã bị chặn và kết quả thảo luận sẽ được mô tả trong bản tổng kết do Ấn Độ công bố”.

Ông Lavrov nói rằng Nga kiên quyết yêu cầu điều tra vụ phá hoại đường ống Nord Stream vào năm ngoái, điều này góp phần khiến cuộc thảo luận về tuyên bố chung bị đình trệ. “Chúng tôi nói về cách hành xử, mà các đối tác phương Tây thì hành xử rất tệ. Họ không còn nghĩ đến ngoại giao nữa, giờ họ chỉ lo tống tiền và đe dọa người khác,” Ngoại trưởng Nga cho biết.

Ông cũng cáo cuộc các nước phương Tây chỉ biết tập trung đổ lỗi cho Nga, khiến hội nghị không thể đạt được thỏa thuận về các vấn đề khác và cho rằng “một số phái đoàn phương Tây đã biến chương trình nghị sự của G20 thành trò hề”.

Ông Lavrov đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương bên lề hội nghị G20 ở New Delhi, cùng thảo luận về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, trong đó có kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh để chấm dứt xung đột.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Ngoại trưởng Nga cũng có cuộc gặp chưa đầy 10 phút với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bên lề hội nghị, hai người vừa đi vừa nói chuyện, không phải tổ chức đàm phán hay gặp gỡ. Tuy nhiên, lần nói chuyện này đánh dấu cuộc tiếp xúc trực tiếp cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết ông Blinken đã nói với ông Lavrov về cam kết hỗ trợ Ukraine của Mỹ, thúc giục Nga đảo ngược quyết định đình chỉ hiệp ước hạt nhân New START và thả tù nhân Paul Whelan, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ bị giam ở Nga từ cuối năm 2018.

“Hiệp ước hạt nhân phục vụ lợi ích của cả hai nước chúng ta cũng như an ninh quốc tế, vì thế giới mong đợi chúng ta hành xử có trách nhiệm khi nói đến an ninh hạt nhân“, ông Blinken nói với ông Lavrov.

Trước đó hôm 25/2, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng các nước G20 tại thành phố Bengaluru của Ấn Độ cũng khép lại mà không thể ra tuyên bố chung do bất đồng về xung đột Ukraine. Ấn Độ đã công bố “tài liệu tổng kết kết quả của nước chủ tịch” sau đó, cho biết “hầu hết thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine, nhấn mạnh rằng nó đang gây ra đau khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu”.

Tuyết Mai (t/h)