Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã nói với các quan chức của G20 rằng Chủ tịch Tập Cận Bình không có kế hoạch đích thân tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Ý vào tháng 10, theo bốn người quen thuộc với vấn đề này nói với tờ SCMP hôm 6/10.

Embed from Getty Images

Thông điệp này được truyền đạt tại một cuộc họp của các phái viên G20 ở Florence vào tháng trước. Các phái viên Trung Quốc đã đưa ra lý do về quy định kiểm dịch của Trung Quốc, rằng những ai trở về đất nước phải cách ly bắt buộc, nên ông Tập sẽ không đến Rome.

Kể từ đó, chưa có thêm thông tin nào đề cập đến vấn đề này và Ý – quốc gia đăng cai G20 năm nay – vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ Trung Quốc.

Bắc Kinh thường thông báo kế hoạch công du của Chủ tịch Tập vào phút chót và quyết định cuối cùng nào có thể sẽ không được gửi đến chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi cho đến khi gần Hội nghị thượng đỉnh, bắt đầu vào ngày 30/10.

Ông Tập đã không rời khỏi đất nước kể từ giữa tháng 1 năm 2020, thời gian dài nhất của bất kỳ nhà lãnh đạo G20 nào, mặc dù ông đã tham gia các cuộc họp trực tuyến, bao gồm cả cuộc họp của các quốc gia BRICS vào tháng trước và tổ chức hàng chục cuộc điện đàm riêng lẻ với những người đồng cấp.

Cuộc họp G20 diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với quan hệ quốc tế với các chủ đề từ biến đổi khí hậu đến nguồn cung vắc-xin COVID-19, cho đến việc nền kinh tế toàn cầu hiện đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Vai trò của Trung Quốc được coi là trung tâm của nhiều vấn đề và sự vắng mặt của ông Tập sẽ khiến việc đạt được thỏa thuận thực chất trở nên khó khăn hơn, theo thông điệp được các nhà ngoại giao truyền tải.

Các Hội nghị thượng đỉnh cũng tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề và các cuộc trò chuyện song phương đó thường có hiệu quả hơn trong việc giải quyết những bất đồng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Tập đã nói chuyện qua điện thoại vào tháng trước trong một cuộc trò chuyện không mang lại nhiều kết quả và chủ tịch Trung Quốc không đưa ra lời đề nghị cho một cuộc gặp trực tiếp nào. Tuy nhiên, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan sẽ gặp nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Thụy Sĩ trong tuần này.

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào trước thềm hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, COP26, nơi các nhà lãnh đạo sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận để giữ nhiệt độ toàn cầu ở mức kiểm soát và đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050, cũng như huy động hàng chục tỷ đô la để Hỗ trợ quá trình “chuyển đổi xanh” ở các nước đang phát triển. Là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, vai trò của Trung Quốc trong việc đạt được thỏa thuận toàn cầu được coi là rất quan trọng.

Thời gian diễn ra G20 cũng khá nhạy cảm đối với ông Tập tại quê nhà khi tháng 11 tới đây, ĐCSTQ sẽ triệu tập Đại hội lần đầu tiên sau hơn một năm, tạo tiền đề cho Đại hội đảng vào năm 2022, có thể kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo của ông Tập.

Tiến Minh (theo SCMP)

Xem thêm: