Ngày 23/3, hơn một triệu người trên khắp nước Pháp đã biểu tình phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Tổng thống Emmanuel Macron. Các cuộc đình công đã ảnh hưởng đến các bến cảng, tàu hỏa và trường học, một số cửa hàng, nhà chờ xe bus đã bị phá hủy, và Tòa thị chính Bordeaux bị đốt cháy.

Ngày 16/3, Chính phủ Pháp đã sử dụng hiến pháp để thông qua dự luật cải cách hệ thống hưu trí mà không cần thông qua nghị viện biểu quyết, nâng tuổi nghỉ hưu theo luật định từ 62 lên 64, đồng thời yêu cầu mọi người phải làm việc 43 năm mới được nhận lương hưu đầy đủ, điều này đã làm dấy lên sự phản đối của người lao động.

Bạo lực xảy ra một ngày sau khi ông Macron lần đầu tiên có bài phát biểu công khai để biện hộ cho việc cải cách và việc sử dụng các biện pháp hiến pháp. Trong cuộc phỏng vấn, ông Macron nhấn mạnh rằng luật sẽ có hiệu lực trước cuối năm nay. Ông cũng so sánh bạo lực lẻ tẻ trong các cuộc biểu tình với bạo loạn ở Điện Capitol của Mỹ vào ngày 6/1/2021.

Những ngôn luận này của ông đã gây ra sự phẫn nộ trong những người biểu tình. Theo Financial Times đưa tin, ông Laurent Berger, Tổng thư ký “Liên đoàn Công đoàn Dân chủ Pháp” (CFDT), công đoàn lớn nhất của Pháp, nói rằng cuộc phỏng vấn trên truyền hình của Macron là “một kiểu khiêu khích”.

Kể từ tháng 1/2023 đến nay, các công đoàn đã dẫn đầu các cuộc biểu tình thường xuyên trên khắp nước Pháp, nhưng phần lớn các hoạt động này diễn ra trong hòa bình. Tình hình đã thay đổi kể từ khi Chính phủ của ông Macron sử dụng Điều 49.3 của hiến pháp Pháp vào tuần trước, để thông qua cải cách lương hưu mà không cần bỏ phiếu, gây ra sự phẫn nộ của công chúng.

Nhiều thành phố bùng nổ hoạt động biểu tình vào ban đêm. Do Hậu quả của cuộc đình công là Paris đã tích tụ một lượng lớn rác thải không được thu gom, một số người biểu tình đã chất đống rác và đốt cháy. Cảnh sát đã bắt giữ hơn 800 người kể từ khi Chính phủ Pháp sử dụng Điều 49.3 của hiến pháp.

bieu tinh o Phap 2
Ngày 23/3/2023, tại Paris, Pháp, người biểu tình đốt rác để phản đối cải cách lương hưu của chính phủ. Theo cơ quan chức năng ước tính, có 119.000 người tham gia biểu tình chỉ riêng ở Paris. (Ảnh chụp màn hình video Reuters)

Hiện tại, đây là đợt biểu tình thứ 9 trên toàn quốc. Theo số liệu của Bộ Nội vụ Pháp, tổng cộng khoảng 1,09 triệu người đã xuống đường trên khắp nước Pháp trong ngày thứ Năm, trong đó có 119.000 người ở Paris.

Theo Reuters đưa tin, các cuộc biểu tình ở trung tâm Paris nhìn chung diễn ra ôn hòa, nhưng một nhóm những người theo chủ nghĩa vô chính phủ thuộc “Black Bloc” đã đập vỡ cửa sổ các cửa hàng và phá dỡ đồ đạc trên đường phố như nhà chờ xe buýt, đồng thời cướp sạch một nhà hàng McDonald’s. Đã có đụng độ với cảnh sát chống bạo động, cuối cùng, cảnh sát Pháp đã xua đuổi những người theo chủ nghĩa vô chính phủ bằng hơi cay và bom choáng.

Sau một ngày biểu tình và xung đột, vào tối thứ Năm, lửa nhấn chìm cửa trước của Tòa thị chính ở phía tây nam thành phố Bordeaux. Hiện chưa rõ ai chịu trách nhiệm về vụ hỏa hoạn này, may mắn là lửa đã nhanh chóng được lực lượng cứu hỏa dập tắt. Tại thị trấn Lorient, những người che mặt đã phóng hỏa và đập vỡ cửa sổ tại một đồn cảnh sát và các tòa nhà chính quyền gần đó.

Embed from Getty Images

Ngày 23/3/2023, cổng Tòa thị chính ở Bordeaux, bị người biểu tình phóng hỏa. (Ảnh: Getty Images)

Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin cho biết, toàn quốc có 149 cảnh sát bị thương, 172 người bị bắt. Hàng chục người biểu tình cũng bị thương, trong đó có một phụ nữ bị mất ngón tay cái.

Ông Gérald Darmanin viết trên Twitter rằng các công chức đã bị thương trong “vụ tấn công không thể chấp nhận được” và thủ phạm “sẽ không ung dung ngoài vòng pháp luật”.

Ông cũng cho biết khoảng 1.500 người, bao gồm cả những người theo chủ nghĩa vô chính phủ “Black Bloc”, đã thâm nhập vào các cuộc biểu tình, phải chịu trách nhiệm về phần lớn bạo lực. “Hôm nay, các công trình công cộng và cửa hàng đã bị thiệt hại nhiều hơn so với các cuộc biểu tình trước đây,” ông Darmanin nói.

Cuộc đình công cũng diễn ra lớn hơn vào thứ Năm (ngày 23/3). Lối vào sân bay Charles de Gaulle của Paris đã bị chặn trong một thời gian ngắn, công nhân bến tàu tại Le Havre đã đóng cảng và chỉ một nửa số tàu cao tốc của đất nước hoạt động. Theo Bộ Giáo dục, khoảng 24% giáo viên tiểu học và trung học cơ sở và 15% giáo viên trung học phổ thông đã tham gia cuộc đình công.

Các địa danh bao gồm Tháp Eiffel và Cung điện Versailles đã bị đóng cửa.

Embed from Getty Images

Ngày 23/3/2023, trên đường phố Paris, Pháp, cảnh sát đối đầu với người biểu tình. (Ảnh: Getty Images)

Mặc dù các cuộc thăm dò cho thấy đa số cử tri phản đối cải cách lương hưu. Ông Macron đã loại trừ khả năng bãi bỏ chương trình cải cách, điều mà ông cho là cần thiết để đảm bảo khả năng tồn tại của hệ thống hưu trí khi dân số già đi, vì hệ thống này dựa vào những người lao động đang làm việc để tài trợ phúc lợi cho những người về hưu hiện tại.

Các công đoàn đã kêu gọi một cuộc biểu tình khác trên toàn quốc vào ngày 28/3. Vào ngày này, Vua Charles của Anh sẽ di chuyển bằng tàu hỏa từ Paris đến Bordeaux.

Đây là thách thức nghiêm trọng nhất đối với Chính phủ của ông Macron, kể từ các cuộc biểu tình “áo vàng” của nhóm thu nhập thấp bất mãn cách đây 4 năm.

Do lạm phát cao và không có xu hướng giảm, người lao động không thể để mất những ngày lương khi họ đình công, điều này khiến Chính phủ hy vọng rằng cuộc đình công cuối cùng sẽ mất động lực.

Nhưng các công đoàn lo ngại, các cuộc biểu tình có thể trở nên bạo lực hơn nếu Chính phủ phớt lờ sự tức giận ngày càng tăng của công chúng.

Bà Marylise Leon, Phó tổng thư ký của Công đoàn CFDT cho biết: “Đây là hồi đáp về những lời dối trá của tổng thống và sự cố chấp khó hiểu của ông ấy.”

“Trách nhiệm cho tình trạng bùng nổ này không phải ở các công đoàn, mà là ở Chính phủ,” bà nói.