Hôm thứ Năm (30/9), một quan chức hàng đầu của Hội Chữ thập đỏ cảnh báo, hệ thống y tế của Afghanistan đang trên bờ sụp đổ. Ông còn cho biết, hơn 2.000 cơ sở y tế trên khắp đất nước bị chiến tranh tàn phá này đã đóng cửa.

Embed from Getty Images

Liên đoàn Quốc tế của Hội Chữ thập đỏ và Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ (IFRC) cảnh báo rằng, tình trạng thiếu kinh phí nghiêm trọng đang đẩy hệ thống y tế của Afghanistan đến bờ vực sụp đổ.

Trong một cuộc họp tại Kabul, ông Alexander Matheou, giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của IFRC nhấn mạnh: “Mọi người có thể đồng ý làm việc không lương trong vài tuần nữa.”

“Tuy nhiên, một khi thuốc men hoàn toàn cạn kiệt, nếu họ không còn gì để cung cấp cho ai đó đến phòng khám của họ, thì họ sẽ đóng cửa.”

Bị tàn phá bởi hơn bốn thập kỷ chiến tranh, nền kinh tế Afghanistan gần như hoàn toàn ngừng hoạt động kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát nước này vào tháng trước, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đối với tổ chức này vẫn đang áp dụng và viện trợ nước ngoài bị cắt.

Điều này đã gây ra thiệt hại đặc biệt nặng nề đối với lĩnh vực y tế của Afghanistan, vốn chủ yếu do các tổ chức phi chính phủ với nguồn tài trợ nội bộ điều hành trước khi Taliban lên nắm quyền.

Ông Matheou nói với AFP khi kết thúc chuyến thăm Afghanistan kéo dài 4 ngày: “Hơn 2.000 cơ sở y tế đã đóng cửa.”

Ông tiết lộ, hơn 20.000 nhân viên y tế ở nước này không còn làm việc, hoặc làm việc mà không được trả lương. Hơn 7.000 người trong số đó là phụ nữ.

Vắc-xin sẽ hết hạn

Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, chưa đến 1/5 số cơ sở y tế của Afghanistan hoạt động đầy đủ và 2/3 trong số này đã cạn kiệt các loại thuốc thiết yếu.

Điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm cả việc ứng phó với đại dịch COVID-19.

Chỉ có khoảng 1% người dân Afghanistan được tiêm vắc-xin, trong khi hơn 1 triệu liều vắc-xin đang chờ được phân phối.

Ông Matheou cho biết, vắc-xin sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Trăng lưỡi liềm đỏ Afghanistan đã hoạt động tại Afghanistan trong nhiều thập kỷ bao gồm cả những khu vực do Taliban nắm quyền trong thời gian chiến tranh. Tổ chức này là một bộ phận của mạng lưới IFRC và đang điều hành 140 phòng khám sức khỏe ban đầu trên khắp quốc gia Trung Á này.

Giám đốc của IFRC cho biết, những phòng khám này đã phục vụ khoảng 1 triệu người kể từ đầu năm. Tất cả phòng khám vẫn đang hoạt đầy đủ chức năng và đang trải qua sự gia tăng hoạt động đột biến khi các cơ sở y tế khác bắt đầu đóng cửa.

Cuộc khủng hoảng y tế vượt trên một loạt các cuộc khủng hoảng lớn đang đe dọa Afghanistan, như nạn hạn hán gây ra trình trạng thiếu lương thực trầm trọng và tình trạng di tản quy mô lớn.

Liên Hợp Quốc cho biết, hơn 18 triệu người Afghanistan, chiếm hơn một nửa dân số nước này, đang rất cần viện trợ, trong khi 1/3 dân số có nguy cơ đói kém.

Cộng đồng quốc tế cam kết viện trợ nhân đạo 1,2 tỷ đô la Mỹ cho Afghanistan, nhưng cần phải có thời gian để các nguồn tiền viện trợ đến được quốc gia này.

Hôm thứ Năm (30/9), IFRC đặt trụ sở tại Geneva đã kêu gọi các nước cung cấp 36 triệu franc Thụy Sĩ (38,5 triệu đô la Mỹ) để cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho hơn nửa triệu người ở các tỉnh của Afghanistan bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nạn hạn hán nghiêm trọng và sự di tản.

Nhật Minh (Theo AFP)

Xem thêm: