Ngày 4/6/2023 đánh dấu 34 năm vụ Thảm sát Thiên An Môn (sự kiện Lục Tứ). Ở Hồng Kông, vì sự đàn áp của chính quyền mà việc tưởng niệm đã không còn là hoạt động lớn nhất hàng năm. Tuy nhiên, năm nay các hoạt động tưởng niệm Lục Tứ đã được tổ chức tại ít nhất 30 thành phố ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á, bao gồm London, New York, Toronto, Berlin và Đài Bắc.

p3336062a621043292
Trước lãnh sự quán Trung Quốc tại Toronto, Canada, đã diễn ra hoạt động biểu tình phản đối để kỷ niệm 34 năm sự kiện Lục Tứ. Hình ảnh cho thấy biểu ngữ chính tại địa điểm biểu tình. (Ảnh: Tiêu Nhiên / Vision Times)

Tiếp tục tưởng niệm Lục Tứ trên toàn cầu, người biểu tình không còn nhắc đến “bình phản Lục Tứ” 

Nhiều nước châu Âu, bao gồm Berlin (Đức), Amsterdam (Hà Lan) và Paris (Pháp), đã tổ chức các hoạt động tưởng niệm. Trong các hoạt động kỷ niệm Lục Tứ năm nay ở Châu Âu, những người tham gia đã không đề cập đến các khẩu hiệu “bình phản Lục Tứ” (bình phản: sửa lại kết luận sai) và “xây dựng một Trung Quốc dân chủ”. Ông Tưởng Bất (Jiang Bu), một nghệ sĩ đến từ Bắc Kinh đã tham gia loạt hoạt động tưởng niệm Lục Tứ ở Paris, cho biết: Thế hệ những người biểu tình mới không còn nhắc đến khẩu hiệu “bình phản Lục Tứ“, mà là muốn truy cứu trách nhiệm, bởi vì mọi người không còn tin vào chính quyền này.

Đã 34 năm kể từ sự kiện Lục Tứ. Đối với thế hệ mới sinh vào những năm sau 1990, Lục Tứ dường như đã trở thành một lịch sử xa vời. Ông Tưởng Bất nói rằng khi các quan chức Trung Quốc cố tình quên đi giai đoạn lịch sử này, thì người dân càng cần phải nhấn mạnh nó.

Ông nói: “Sự kiện này đã trôi qua 34 năm, và nó vẫn chưa kết thúc, giống như Cách mạng Văn hóa đến nay vẫn chưa kết thúc. Cả Lục Tứ và Cách mạng Văn hóa vẫn đang tiếp diễn trong xã hội dưới một hình thức nào đó, bao gồm việc xé sách, giám sát và đàn áp xã hội dân sự Trung Quốc. Tôi nghĩ loại chuyện này vẫn luôn tồn tại. Nó có vẻ tương đối nhẹ, nhưng nó vẫn tồn tại trong xã hội dưới một hình thức lớn hơn và rộng hơn. Xã hội dân sự Trung Quốc vẫn không có khả năng thành lập được. Trên thực tế, kỷ niệm Lục Tứ không phải là lịch sử, Lục Tứ chính là hiện tại, Lục Tứ chính là thời khắc này.”

“Ngay cả khi một ngày nào đó chính quyền này nói rằng họ muốn cải cách, thì họ cũng không còn uy tín và mọi người không còn tin nữa. Tôi nghĩ sự thay đổi lớn nhất là do nó đã gặp phải nhiều điều trong những năm qua, bao gồm cả dịch bệnh, bao gồm cả sự kiện 709 (sự kiện bắt bớ các luật sư bảo vệ nhân quyền). Chúng tôi đã không còn tin vào chính quyền này, chúng tôi không còn tin rằng chính quyền này có thể thay đổi từ trên xuống, hay cái gọi là cải cách, điều chúng tôi mong muốn hơn có thể là một loại thay đổi nào đó từ dưới lên.”

Hoàng Ý Thành (Huang Yicheng), một sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Đức, cho biết: “Tôi nghĩ rằng bình phản có nghĩa là chúng ta vẫn công nhận tính hợp pháp sự cai trị của ĐCSTQ. Chúng ta có thể nói rằng hãy để ĐCSTQ coi Lục Tứ là một sai lầm lịch sử, giống như đối đãi với Cách mang Văn hóa, nói rằng Mao Trạch Đông trong Cách mạng Văn hóa có 7 phần công 3 phần tội, và sau đó nói là ông ta đi một đường vòng trong lịch sử. Chúng tôi hiện nay không nói về bình phản Lục Tứ, thực tế Lục Tứ đã chứng minh ĐCSTQ không còn tính hợp pháp để cai trị. Lời kêu gọi của chúng tôi bây giờ là hãy chấm dứt chế độ độc tài độc đảng. Chúng tôi sát cánh với tất cả các nhóm người bị bức hại, đừng nói đến việc bình phản Lục Tứ, mà chúng ta cần phải yêu cầu xét xử ĐCSTQ.”

Hoàng Ý Thành tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, vào tối ngày 27/11/2022, anh bị cảnh sát bắt khi đang tham gia biểu tình ở đường Trung lộ Urumqi, Thượng Hải.

Ông Lâm Sinh Lượng (Lin Shengliang), một nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc sống ở Hà Lan, đã tham gia một buổi thắp nến tưởng niệm tại Quảng trường Dam ở Amsterdam. Ông nói đã đưa con gái của mình tham gia sự kiện này với hy vọng rằng tinh thần Lục Tứ có thể được truyền lại.

“Kỷ niệm 34 năm thảm sát Lục Tứ” trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Washington và New York

Hội liên hiệp độc lập Sinh viên và Học giả Trung Quốc trên toàn nước Mỹ (Independent Federation of Chinese Students and Scholars, IFCSS) đã tổ chức “Lễ kỷ niệm 34 năm Cuộc thảm sát Lục Tứ” trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, D.C. vào ngày 3/6. Hơn 100 thủ lĩnh sinh viên của Phong trào Dân chủ Thiên An Môn và các nhà dân chủ đã tham dự, tham gia hoạt động này còn có nhiều khuôn mặt trẻ tuổi.

p3339583a703741389
Vào lúc 2h chiều ngày 3/6, một số lãnh đạo sinh viên từ phong trào dân chủ Thiên An Môn và hơn 100 nhà dân chủ từ mọi tầng lớp xã hội đã tập trung trước Đại sứ quán ĐCSTQ tại Washington để kỷ niệm 34 năm sự kiện thảm sát Lục Tứ (Ảnh: RFA)

IFCSS kiên trì tổ chức các cuộc tập trung kháng nghị như thế này đã 34 năm. Lễ tưởng niệm năm nay đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của những người trẻ tuổi trong phong trào ủng hộ dân chủ.

Chu Hân Hải (Zhu Xinhai), một sinh viên Trung Quốc 18 tuổi đến từ Houston, tiểu bang Texas, nói rằng anh biết về sự kiện Lục Tứ từ Internet, và phong trào chống dẫn độ ở Hồng Kông đã khiến anh nhìn rõ hơn về ĐCSTQ. “Tôi biết về ngày 4/6/1989 thông qua Internet. Lần đầu tiên tôi bắt đầu dao động niềm tin đối với chính quyền Trung Quốc. Thời điểm tôi thay đổi căn bản là trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2019. Lần đầu tiên tôi thấy cảnh sát Hồng Kông đánh đập và bức hại người Hồng Kông, cũng như một số hành động cờ giả của Chính phủ Trung Quốc, cách họ đóng vai nạn nhân và vu khống hành động của người biểu tình, tôi nghĩ những điều này đã khiến tôi nhìn ra bản chất của chính quyền ĐCSTQ,” anh nói với VOA.

Trong bài phát biểu của mình, Chu Hân Hải nói rằng năm ngoái những người trẻ tuổi đã giơ một tờ giấy trắng để phản kháng, điều này đã mang lại cho anh hy vọng. “Tôi tin rằng những người trẻ Trung Quốc 34 năm sau, họ vẫn có dũng khí, tôi tin rằng họ vẫn là một nhóm người có hy vọng.” anh nói.

p3339584a537272880
Du học sinh Trung Quốc Chu Hân Hải, phát biểu tại cuộc biểu tình ở Washington (Ảnh: RFA)

Tại New York, vào ngày 2/6, Đảng Dân chủ Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tuần hành để kỷ niệm 34 năm sự kiện Lục Tứ tại Manhattan. Cuộc tuần hành bắt đầu từ Nhà tưởng niệm Lục Tứ mới khánh thành ở New York dưới trời mưa, và đi đến Lãnh sự quán Trung Quốc ở khu trung tâm sầm uất của New York, trong đó có rất nhiều gương mặt trẻ tham gia.

p3339582a9383097
Những người ủng hộ cuộc tuần hành tưởng niệm Lục Tứ ở New York hô vang khẩu hiệu bất kể mưa gió (Ảnh: RFA)

Cảnh sát Hồng Kông tăng cường an ninh, nhiều người bị bắt giữ

Dạ tiệc tưởng niệm Lục Tứ quy mô lớn được tổ chức hàng năm tại Hồng Kông trước đây, giờ đã là lịch sử. Những hạn chế do chính quyền Hồng Kông áp đặt đã bóp nghẹt những buổi tưởng niệm từng được coi là có quy mô lớn nhất.

Vào trước ngày kỷ niệm Lục Tứ năm nay, 8 người đã bị bắt giữ, bao gồm cả các nhà hoạt động và nghệ sĩ, động thái này của chính quyền Hồng Kông làm nổi bật thêm việc không gian tự do ngôn luận đang bị thu hẹp ở Hồng Kông. Hơn 16 người khác đã bị giam giữ gần Công viên Victoria vào Chủ nhật (ngày 4/6/2023).

Cảnh sát Hồng Kông hôm 4/6 cho biết, họ đã bắt giữ 8 người gần Công viên Victoria, 4 người trong số họ vì “có ý định kích động và hành vi gây mất trật tự”, khi chính quyền tăng cường an ninh để hưởng ứng lễ kỷ niệm 34 năm vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.

Đoạn video cho thấy khi nghệ sĩ Sanmu Chan (Trần Thức Sâm) bị cảnh sát bắt đi vào đêm 3/6, ông đã hét lên “Đừng quên Lục Tứ! Người dân Hồng Kông, đừng sợ họ”.

Cảnh sát cho biết, 8 người đã bị bắt vì trưng bày các vật phẩm biểu tình có lời lẽ kích động, la hét nơi công cộng và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Các phương tiện truyền thông đại chúng cho biết, năm nay tất cả các khu vực của Hồng Kông đã tăng cường phòng bị an ninh rất nhiều, đã triển khai 6.000 lực lượng cảnh sát, bao gồm cả cảnh sát trấn áp bạo loạn và chống khủng bố.

Tính đến khoảng 7:30 tối Chủ nhật, 10 người bao gồm các nhà hoạt động nhân quyền và một cựu chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông đã bị cảnh sát đưa đi tại khu mua sắm Causeway Bay, nơi có Công viên Victoria.

Theo Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA), các phóng viên của hãng tin AFP đã chứng kiến ​​​​việc cảnh sát Hồng Kông bắt giữ ít nhất 10 người, bao gồm cả bà Trần Bảo Doanh của đảng đối lập quan trọng “Liên kết Xã hội Dân”, người nổi tiếng chống dẫn độ “Vương bà bà” Vương Phượng Dao, phóng viên kỳ cựu Mạch Yến Đình, v.v.

Ngày 4/6, bà Trần Bảo Doanh đã đến vịnh Causeway Bay của Hồng Kông, nơi đã nhiều năm tổ chức lễ tưởng niệm Lục Tứ, tay cầm một chiếc đèn nến LED nhỏ và hai bông hoa. Ngay lập tức bà bị cảnh sát đưa lên xe cảnh sát.

Truy tìm thủ phạm

Vào ngày 4/6/1989, ĐCSTQ đã đàn áp đẫm máu những người dân và sinh viên đang biểu tình ôn hòa tại Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh. Kể từ đó, trong hơn 30 năm, hàng chục ngàn người tập trung tại công viên Victoria vào tối ngày 4/6 để thắp nến tưởng niệm hơn 1.000 người biểu tình ôn hòa đã bị bắn chết vào năm đó.

Vào trước dịp tưởng niệm 34 năm Lục Tứ, Đài Châu Á Tự do (RFA) đã phỏng vấn hai nhân chứng sự kiện Lục Tứ là Ngô Nhân Hoa (Wu Renhua) và Trịnh Húc Quang (Zheng Xuguang). Ông Ngô Nhân Hoa, cựu trợ lý nghiên cứu tại Đại học Khoa học Chính trị và Pháp luật Trung Quốc, cho biết rằng ông đã tiếp tục nghiên cứu trong hơn 30 năm qua và đã liên tiếp xuất bản 3 cuốn sách “Câu chuyện bên trong về dọn dẹp máu tanh trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6”, “Giải mật bí ẩn bên trong của cuộc thảm sát Lục Tứ” “Ghi chép thực tế toàn bộ quá trình của sự kiện Lục Tứ, phần thượng và phần hạ”, chính là bởi vì ông từng là trải qua cuộc thảm sát đó.

Ông Ngô Nhân Hoa cho rằng nếu sự thật là toàn vẹn, thì thủ phạm phải được truy tìm. Thông qua tìm kiếm trên Internet, hơn 3.000 thành viên của lực lượng thiết quân luật ở Bắc Kinh đã được xác minh từng người một. “Tôi đã bỏ ra vô số thời gian để giải mã các con số và tên mã của từng đơn vị, đồng thời thu thập hồ sơ trò chuyện của các sĩ quan và binh lính có liên quan. Tôi phát hiện ra rằng số lượng quân thiết quân luật là 250.000 người, và có 19 nhánh quân, bao gồm 14 tập đoàn quân. Quy mô rất đáng kinh ngạc.” Cuối cùng cũng tìm thấy “Ngô Nghiêm Huy” (Wu Yanhui), pháo thủ thứ hai của Xe tăng số 106 thuộc Trung đoàn 1 của Sư đoàn 1 Xe tăng thuộc Khu phòng thủ Thiên Tân, người đang đuổi theo các học sinh với tốc độ cao từ phía sau. Thời điểm xác minh chuẩn xác danh tính, ông Ngô Nhân Hoa khóc thảm thiết trước máy tính.

Tuy nhiên, đã 34 năm trôi qua kể từ sự kiện Lục Tứ năm 1989, người dân Trung Quốc “không còn ký ức” hoặc “không dám có ký ức” về sự kiện quân đội nghiền nát sinh viên trên Quảng trường Thiên An Môn.

Trí Đạt (t/h)