Theo ghi nhận của hãng tin AP (Mỹ), trong 4 ngày kể từ hôm 23/2 khi xảy ra đụng độ giữa quân đội Venezuela và những người ủng hộ phe đối lập nỗ lực đưa viện trợ về nước, đã có hơn 450 binh lính quốc gia quyết định đào thoát, trốn chạy sang Colombia xin tị nạn.

Embed from Getty Images

Một người biểu tình đang nhận được sự hỗ trợ trên cầu Quốc tế Simon Bolivar tại Cucuta, Colombia sau khi anh này bị thương trong cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Venezuela dọc theo biên giới tại San Antonio del Tachira, Venezuela ngày 25/2/2019. (Ảnh: LUIS ROBAYO/AFP/Getty Images). 

Những binh lính Venezuela vừa đào thoát sang Colombia vài ngày qua đã nói với AP rằng chất xúc tác để họ đưa ra quyết định đảo ngũ là mệnh lệnh của cấp trên yêu cầu phải chặn hàng cứu trợ rất cần thiết cho đồng bào của họ.

Trung sĩ Jorge Torres nói với AP: “Tôi đã mệt mỏi với việc mọi người coi tôi chỉ là một trong số họ. Tôi không phải vậy.” Ông Torres muốn nói rằng ông không phải giống như những người của chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro.

Trước đó, vào hôm 23/2, binh lính thuộc lực lượng Cảnh vệ Quốc gia Venezuela đã bắn hơi cay và đạn cao su vào những người ủng hộ phe đối lập nỗ lực áp tải hàng viện trợ từ Colombia vào Venezuela. Theo ghi nhận của Reuters, đã có ít nhất 3 thường dân thiệt mạng và gần 300 người khác bị thương sau các vụ đụng độ với binh lính thân Maduro.

Những binh lính bản thân họ biết rõ mình đang tham gia vào các cuộc đối đầu bạo lực với chính đồng bào Venezuela. Nhiều người trong số đó đã bỏ chốt và chạy thục mạng vượt biên sang Colombia nơi họ sẽ trở thành những người tị nạn vô gia cư. Theo AP, phần đông những binh lính trốn chạy là các sĩ quan cấp thấp.

Các quan chức nhập cư Colombia hôm 26/2 nói với báo giới rằng tính từ cuối tuần cho tới nay đã có hơn 320 binh lính Venezuela đào thoát qua biên giới.

Trong quá khứ, quân đội Venezuela cũng đã từng đứng lên gây sức ép buộc nhà độc tài Marcos Perez Jimenez phải từ bỏ quyền lực vào năm 1958. Tuy nhiên, hiện nay những tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Venezuela vẫn ủng hộ mạnh mẽ ông Maduro và lãnh đạo đảng Xã hội chủ nghĩa này chưa cho thấy dấu hiệu sẽ tự nguyện thoái lui.

Mặc dù Tổng thống lâm thời Juan Guaido – được Mỹ và hơn 50 nước khác công nhận – đã đề xuất ân xá cho các binh lính từ bỏ Maduro, quay sang ủng hộ phe đối lập, nhưng những binh lính cấp thấp đã đào thoát nói rằng việc phá vỡ mối liên kết giữa Maduro và quân đội là khó khăn. Những người đào thoát hiện tại chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số hơn 200.000 binh lính trong biên chế quân đội quốc gia Venezuela.

Theo AP, hiện tại trong quân đội Venezuela, bất cứ quân nhân nào biểu hiện bất đồng chính kiến dù là nhỏ nhất, cũng chịu rủi ro bị bắt giam và nhà tù ở đây đã đồng nghĩa với tra tấn.

Trung sĩ Jose Gomez, người vừa đào thoát sang Colombia, nói với AP: “Thật không may mắn, điều mà tất cả người dân Venezuela đều biết, cách duy nhất để chính phủ này phải từ bỏ [quyền lực] là phải có sự can thiệp trực tiếp. Thế lực duy nhất có quyền lực đó là cộng đồng quốc tế.”

Một nữ quân nhân đào thoát giấu tên do lo ngại an toàn cho những đứa con cô vẫn để lại ở quê nhà nói với AP: “Bạn biết rằng trong chính ngôi nhà của mình bạn thậm chí không có lấy một kilo gạo. [Nhưng] lại phải ở đây chiến đấu, tại sao vậy?”

Những binh lính Venezuela cũng như người dân nước này đang phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng mà mức lạm phát năm nay được dự báo tăng lên tới 10 triệu phần trăm.

Tính đến nay, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, hơn 3 triệu người dân Venezuela (chiếm khoảng 10% dân số) đã buộc phải trốn chạy ra nước ngoài với hy vọng tìm được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tân Bình