Truyền thông Anh đưa tin, Ukraine công bố danh sách 620 điệp viên làm việc cho Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB).

p3122841a868071440
Tòa nhà của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) tại thành phố Ulyanovsk. (Ảnh: Vyacheslav Bukharov, CC BY-SA 4.0)

Ukraine: “Nguồn tin của chúng tôi ở khắp mọi nơi”

Ông Kyrylo Budanov, Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine, đã tweet vào hôm thứ Hai (28/3): “Chúng tôi có các nguồn tin ở Điện Kremlin, nhưng chúng tôi cần máy bay chiến đấu”. Bài đăng còn đính kèm một liên kết đến cuộc phỏng vấn với Tạp chí “Coffee or Die”.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Kyrylo Budanov cho biết, “các nguồn tin Ukraine ở khắp mọi nơi” và có những người làm việc cho Ukraine “trong quân đội, trong giới chính trị và cơ quan hành chính của tổng thống” của Nga. Ông nói với tạp chí này rằng Ukraine có thể tìm hiểu thêm về các kế hoạch tấn công của Nga và tình hình quân sự tổng thể của họ, thông qua việc tiếp cận các nguồn tin bí mật và tình báo mạng của mình.

Hai ví dụ về khả năng Ukraine dựa vào các nguồn tin tình báo của mình để thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu vào các mục tiêu của Nga là tiêu diệt các đoàn xe tăng Nga gần Kyiv gần đây, và tiêu diệt một tàu đổ bộ của Nga gần thành phố Mariupol.

Ông Budanov cũng nói với tạp chí này rằng Ukraine vẫn luôn để mắt đến các kế hoạch quân sự của Nga và nhận được sự giúp đỡ từ các đồng minh phương Tây như Mỹ và Anh.

“Chúng tôi đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực tình báo mạng, chúng tôi đã thấy những bức thư này và mọi thứ họ viết,” ông nói với tạp chí.

(Nội dung tweet: Chúng tôi có các nguồn tin trong Điện Kremlin, nhưng chúng tôi cần máy bay chiến đấu! Cuộc phỏng vấn của Kyrylo Budanov, Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine với một phóng viên của tạp chí “Coffee or Die”, chuyên về các vấn đề quân sự.)

Danh sách hơn 600 điệp viên Nga bị lộ

Theo Daily Telegraph của Anh ngày 29/3, những người đáng lẽ phải sống trong bóng tối này đã bị phanh phui. Danh sách do Ukraine có được bao gồm thông tin về ngày và nơi sinh, số hộ chiếu, “địa chỉ cư trú“, cũng như biển số xe ô tô và tài chính chi tiết, thậm chí cả địa chỉ nhà của một số điệp viên và sở thích của họ.

Theo danh sách này, một người bị cáo buộc là đặc vụ FSB có địa chỉ Skype gồm các từ “jamesbond007” “DB9”, ám chỉ chiếc xe thể thao hạng sang Aston Martin DB5 mang tính biểu tượng của James Bond, một nhân vật trong bộ phim “Điệp viên 007”.

Một đặc vụ khác được cho là đặc biệt yêu thích “xe hơi cao cấp”. Trong khi người thứ 3 là một kẻ nghiện rượu “vi phạm luật giao thông một cách có hệ thống.”

Vụ rò rỉ này nhiều khả năng sẽ khiến các cơ quan tình báo phương Tây cười thầm và so sánh điệp viên Nga với điệp viên bất tài Johnny English (Điệp viên không không thấy) trong bộ phim cùng tên. “Johnny English” là phim hành động hài năm 2003 của Vương quốc Anh, nhại theo nhân vật điệp viên James Bond.

Tuy nhiên, quan chức Ukraine cũng cáo buộc các điệp viên này có liên quan đến nhiều hoạt động “tội phạm” ở châu Âu, nhưng không cho biết chi tiết. Điều này khiến người ta nghĩ ra rằng một số người trong danh sách đang làm gián điệp ở Anh.

Tờ Daily Telegraph cho biết trong thời điểm hiện tại, họ chưa xác minh độc lập danh sách này, nhưng nếu được xác nhận, đây sẽ là một nỗi ô nhục lớn đối với Moscow.

Các quan chức Ukraine không tiết lộ cách họ có được danh sách này. Nhưng Aric Toler, một nhà nghiên cứu tại trang web điều tra Bellingcat, cho biết một số dữ liệu dường như dựa trên thông tin tình báo nhạy cảm của Nga đã bị rò rỉ trước đó.

Tuần trước, các cơ quan an ninh của Nga được cho là đã tiến hành một cuộc săn lùng “gián điệp phương Tây”, cho thấy Moscow lo ngại Cục an ninh của họ đã bị xâm nhập.

Đầu tháng Ba, một người tố giác của FSB tuyên bố rằng nhóm gián điệp của họ vẫn luôn ẩn nấp trong bóng tối, và không biết về kế hoạch xâm lược Ukraine, đồng thời tiếp tục mô tả cuộc chiến này sẽ “thất bại hoàn toàn” tương tự như sự sụp đổ của Đức Quốc xã.

Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin được cho là đã quản thúc một số quan chức cấp cao của FSB. Động thái này dường như nhằm trả đũa việc các cơ quan tình báo phương Tây có được và tiết lộ kế hoạch chi tiết về cuộc xâm lược của Nga.

FSB, tổ chức kế thừa “Ủy ban An ninh quốc gia” (KGB) thời Liên Xô, hoạt động chủ yếu như một cơ quan an ninh trong nước, nhưng cũng dính líu đến các vụ ám sát ở nước ngoài.

Hoạt động của các điệp viên Nga ở nước ngoài được biết đến rất ít

Trước đó, vào hôm thứ Hai (28/3), trang web điều tra Bellingcat tiết lộ rằng chính trị gia đảng đối lập của Nga, ông Boris Nemtsov, đã bị theo dõi bởi một điệp viên có liên quan đến Biệt đội sát thủ FSB trước khi bị sát hại vào năm 2015.

Cuộc điều tra với sự hợp tác của BBC và The Insider phát hiện ra rằng ông Nemtsov đã bị điệp viên theo dõi trong ít nhất 13 chuyến đi bằng tàu hỏa và máy bay trước khi chết.

Năm ngoái, một cựu lãnh đạo MI6, Cục Tình báo mật của Anh, cảnh báo rằng chỉ có “10%” hoạt động của Nga ở châu Âu bị phát hiện.

Ông John Sawers, lãnh đạo MI6 từ năm 2009 – 2014, cho biết: “Chúng tôi đã thấy mức độ hoạt động mang tính chiến lược của tình báo Nga trên khắp châu Âu. Chúng tôi có thể chỉ biết 10% những gì họ đang làm. Các cơ quan tình báo sẽ biết rất nhiều về những chuyện mà đơn giản là chúng ta không biết.”

Ông Putin được cho là ngày càng nghi ngờ các thành viên trong nội bộ của mình, cũng như việc các nhân viên tình báo Nga đang cố gắng phản bội ông.