Ngày 1/7 tới đây sẽ đánh dấu 20 năm Vương quốc Anh trả lại Hong Kong cho Trung Quốc. Thành phố cảng này vừa có Trưởng đặc khu mới, bà Carrie Lam. Đó vẫn là “một cuộc lựa chọn, không phải là bầu cử” như 4 lần trước kể từ năm 1997. Chính quyền Hong Kong cũng vừa ra quyết định từ chối yêu cầu tổ chức tuần hành ôn hòa vào 1/7 của Mặt trận Nhân quyền (CHRF). Hong Kong vẫn là một sự khác biệt lớn  hay đã hoàn toàn thống nhất với Trung Quốc?

Nhắc đến Hong Kong, nhiều người sẽ nhận diện đây là một trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm kinh doanh, thiên đường mua sắm, và điểm đến du lịch nhưng vẫn chưa thực sự hiểu danh tính thực sự của thành phố cảng này.

Hong Kong là một quốc gia độc lập hay chỉ là một phần của Trung Quốc? Cũng như nhiều thứ khác ở đây, vấn đề chủ quyền của Hong Kong vẫn gây bối rối cho nhiều người. Hong Kong duy trì hộ chiếu, tiền tệ, lực lượng cảnh sát và hệ thống lập pháp và tư pháp của riêng mình. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đại lục lại quản lý về quân đội và hoạt động ngoại giao của vùng lãnh thổ này. Hoạt động chính trị của Hong Kong cũng thường bị chính quyền đại lục chi phối từ hậu trường.

Cuộc bầu cử Trưởng đặc khu vừa qua là một điển hình cho việc can thiệp của Trung Quốc trong các vấn đề chính trị của Hong Kong.

Chỉ có 1200 đại biểu, phần lớn là tầng lớp thượng lưu thân Bắc Kinh, được  quyền đại diện cho 7,3 triệu người dân Hong Kong bầu ra người lãnh đạo mình và bà Carrie Lam – nhân vật trung thành với chính quyền Trung Quốc đã dễ dàng thắng cử.

Ông Ason Chan, một người từng làm việc trong chính quyền dân sự cấp cao Hong Kong, đã nói rằng: “Chúng tôi chỉ có số ít cử tri đại diện cho hàng triệu người, nên tôi không được bầu, phần lớn những người khác cũng không có phiếu bầu”.

Joshua Wong, một cựu lãnh đạo sinh viên dẫn dắt cuộc biểu tình vì dân chủ năm 2014, nói rằng: “Đây là cuộc lựa chọn, không phải là bầu cử. Bà Carrie Lam sẽ là ác mộng cho chúng tôi”.

Trước khi lấy lại Hong Kong từ Anh Quốc, chính quyền Bắc Kinh thỏa hiệp xây dựng thể chế “Một quốc gia, hai chế độ” ở thành phố cảng này và Hong Kong cũng được hứa hẹn “một mức độ tự chủ cao”, bao gồm cả quyền bầu lãnh đạo quốc gia theo phổ thông đầu phiếu vào năm 2017, nhưng rồi mọi chuyện vẫn chưa thể diễn ra và cuộc bầu cử năm nay vẫn không khác gì các cuộc bầu cử khác trong 20 năm  qua.

Vậy thực tế Hong Kong là như thế nào? Lãnh thổ này có gì khác biệt so với nước cộng sản Trung Quốc? Dưới đây là một số thông tin tổng quan:

Thuộc địa của Anh Quốc

Để hiểu gốc rẽ việc Hong Kong chia tách khỏi Trung Quốc đại lục, chúng ta cần nhìn lại cuộc ‘Chiến tranh Thuốc phiện’ giữa Anh Quốc và Trung Quốc (1839-1860). Trong cuộc khủng hoảng quân sự và thương mại này, Trung Quốc đã buộc phải nhượng lại đảo Hong Kong và một phần đảo Cửu Long (đối diện với đảo Hong Kong) cho Anh Quốc.

Năm 1898, nước Anh đã đàm phán mở rộng diện tích đất đai của thuộc địa Hong Kong và ký một hợp đồng thuê  99 năm với Trung Quốc. Hợp đồng này kết thúc vào năm 1997 và khi đó Anh đã trao trả Hong Kong cho Trung Quốc và lãnh thổ này trở hành Khu Hành chính Đặc biệt Hong Kong thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (HKSAR), gọi tắt là Đặc khu Hong Kong.

Dưới chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, Trung Quốc cho phép duy trì thể chế cũ và hệ thống độc lập tại Hong Kong trong thời gian 50 năm. Hiến Pháp Hong Kong (Basic Law) quy định quyền tự trị hạn chế của Hong Kong.

Khác biệt giữa Hong Kong và Trung Quốc

Khác biệt lớn nhất giữa Trung Quốc đại lục và Hong Kong có lẽ là Trung Quốc do lãnh đạo cộng sản cầm quyền, trong khi Hong Kong được hưởng nền dân chủ trong giới hạn. Chủ tịch nước Trung Quốc cũng là người đứng đầu lãnh thổ Hong Kong. Tuy nhiên, mỗi bên đều có chính phủ điều hành riêng: Thủ tướng là người điều hành chính phủ Trung Quốc, còn ở Đặc khu Hong Kong do Trưởng Đặc khu lãnh đạo.

Mặc dù có sự tách biệt về hệ thống quản lý và được đảm bảo quyền bằng Basic Law, nhưng chính trị Hong Kong vẫn bị chính quyền Trung Quốc thao túng bằng nhiều cách. Can thiệp vào bầu cử Hong Kong là biểu hiện rõ nhất. Không chỉ hậu thuẫn cho bà Carrie Lam trong cuộc bầu cử vừa rồi, Trung Quốc cũng can thiệp vào 4 cuộc bầu cử trước đây của Hong Kong từ năm 1997.

Trung Quốc cũng can thiệp sâu vào các quyết định hành pháp tại Hong Kong, đặc biệt là các quyết định liên quan đến các vấn đề mà họ cho là  ‘nhạy cảm’.

BBC hôm 10/5 đưa tin, các nhà tổ chức cuộc tuần hành dân chủ hàng năm lớn nhất của Hong Kong dự kiến vào 1/7 đã thông báo đơn xin tổ chức biểu tình của họ đã bị chính quyền từ chối.

Mặt trận Nhân quyền (CHRF), đơn vị đứng ra xin phép, cho biết rằng giới chức giải thích việc từ chối này là do họ đã cho bên khác sử dụng công viên nơi dự kiến tổ chức tuần hành vào cùng ngày. CHRF nhận định bên thuê địa điểm là một nhóm thân Bắc Kinh và có liên quan đến việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến tới thăm Hong Kong vào 1/7, đánh dấu sự kiện 20 năm Hong Kong trở về Trung Quốc.

Hong Kong cũng có hệ thống lập pháp và tư pháp riêng biệt dựa trên mô hình luật Anh. Tuy nhiên, về vấn đề quản lý đất đai và hộ gia đình, Hong Kong lại áp dụng mô hình luật đặc thù của Trung Quốc. Lực lượng cảnh sát ở Hong Kong là độc lập với Trung Quốc đại lục.

Chính sách ‘một Trung Quốc’

Hong Kong phụ thuộc vào Trung Quốc trong hai lĩnh vực chính: quốc phòng quân sự và quan hệ ngoại giao. Lãnh thổ này không được duy trì quân đội riêng; Trung Quốc sẽ quản lý toàn bộ lực lượng quốc phòng quân sự của Hong Kong.

Trong ngoại giao quốc tế, Hong Kong không có danh tính tách biệt khỏi Trung Quốc. Ví dụ, Hong Kong không có đại diện độc lập tại Liên Hợp Quốc (LHQ), Hội đồng Bảo an, Diễn đàn LHQ về Thương mại và Phát triển, nhóm G77 của LHQ, hoặc nhóm G22. Tuy nhiên, Hong Kong có thể tham dự các tổ chức, sự kiện của các tổ chức quốc tế nhất định như Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ tiền tệ Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới, và Tổ chức Du lịch Thế giới của LHQ (là thành viên liên kết, không phải quốc gia thành viên). Đặc khu này cũng có thể tham gia vào các sự kiện và các thỏa thuận liên quan đến thương mại dưới tên ‘Hong Kong, Trung Quốc’.

Đặc khu Hong Kong không được duy trì bất kỳ quan hệ ngoại giao chính thức nào với nước ngoài, quyền này thuộc về Văn phòng Ủy ban đối ngoại của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đặt tại Hong Kong. Các nước có thể đặt văn phòng lãnh sự quán tại Hong Kong, nhưng đó chỉ là chi nhánh của đại sứ quán chính tại Trung Quốc đại lục. Công dân Hong Kong và đại lục có hộ chiếu khác nhau và họ phải xin phép chính quyền mỗi bên nếu muốn thăm viếng qua lại. Du khách nước ngoài đã có visa Hong Kong nếu muốn sang Trung Quốc phải xin tiếp  visa Trung Quốc.

Kinh tế có thống nhất?

Hong Kong và Trung Quốc đại lục thúc đẩy kinh tế của nhau phát triển và cả hai có mối quan hệ kinh tế khá tốt. Nền kinh tế Hong Kong có các đặc trưng như mức thuế thấp, thương mại tự do và ít bị chính phủ can thiệp. Trung Quốc đại lục là đối tác thương mại lớn nhất và nguồn cung FDI (đầu tư nước ngoài) lớn nhất của Hong Kong.

Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào sản xuất. Trong những năm gần đây, khu vực dịch vụ của đại lục đã bắt đầu khởi sắc. Tuy nhiên, đóng góp vào GDP của lĩnh vực này tại Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản và cũng thấp hơn cả các nước đang phát triển như Brazil và Ấn Độ. Kinh tế nông nghiệp đóng góp 10% GDP Trung Quốc, trong khi nó chiếm tỉ lệ không đáng kể trong tổng thu nhập quốc nội của Hong Kong.

Hong Kong trong nhiều khía cạnh được xem như là cửa ngõ vào Trung Quốc cho các doanh nghiệp, cá nhân quan tâm làm ăn kinh doanh với đại lục hoặc tiếp cận thị trường chứng khoán hoặc đầu tư Trung Quốc. Theo Ủy ban Phát triển Thương mại Hong Kong (HKTDC), trong tất cả các dự án đầu tư nước ngoài đã được  phê duyệt ở Trung Quốc đại lục, 44,3% có liên quan với lợi ích của Hong Kong (tính đến năm 2013).  Hong Kong cũng là điểm đến ưa thích để các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu vì thị trường chứng khoán tại đại lục có tính bảo thủ hơn. Cho tới năm 2013, có tới 797 công ty của Trung Quốc đại lục niêm yết tại thị trường chứng khoán Hong Kong.

Nhìn chung, Hong Kong và Trung Quốc đại lục có thể bổ sung cho nhau khá tốt về kinh tế. Tuy nhiên, giữa hai bên có sự khác biệt lớn về chính trị. Việc phải chia tách hàng thế kỷ khiến giữa Hong Kong và Trung Quốc có một khoảng cách lớn không dễ kết nối, ngay cả khi cả hai đã chính thức là một quốc gia.

Tân Bình

Xem thêm: