Theo các quan chức cấp cao tại Nhà Trắng, trong bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba tới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ nhấn mạnh về trọng tâm của Mỹ tập trung vào các vấn đề toàn cầu nhằm chống lại Trung Quốc sau khi Hoa Kỳ hoàn tất việc rút khỏi Afghanistan. 

Embed from Getty Images

Cách tiếp cận của Hoa Kỳ sẽ “dựa trên luật lệ” đối với thương mại, công nghệ, cơ sở hạ tầng và cạnh tranh với các “cường quốc”, theo các quan chức. 

Chính quyền Biden cũng để ngỏ khả năng gặp gỡ các đối tác Trung Quốc bên lề Đại Hội đồng LHQ tuần này tại New York. Tuy vậy, theo ông Erica Barks-Ruggles, quan chức cấp cao của Cục Các vấn đề Tổ chức Quốc tế của Bộ Ngoại giao, phía Trung Quốc dường như sẽ chỉ tham dự trực tuyến.

Các quan chức Mỹ cũng không đồng ý với cảnh báo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm thứ Hai (20/9) rằng Washington và Bắc Kinh có nguy cơ xảy ra “Chiến tranh Lạnh mới”.

“Tổng thống Biden sẽ thông báo vào ngày mai [rằng] ông ấy không tin vào khái niệm Chiến tranh Lạnh mới với việc thế giới phân chia thành nhiều khối”, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên. “Ông ấy tin vào sự cạnh tranh mạnh mẽ, chuyên sâu và có nguyên tắc mà không cần thiết phải dẫn đến xung đột. Và nếu quý vị nhìn vào bản ghi cuộc gọi của ông ấy với Chủ tịch Tập Cận Bình vài ngày trước, quý vị sẽ thấy chính xác thông điệp đó.”

Chính quyền Biden đã hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan, dù đó là cuộc rút quân hỗn loạn và để lại nhiều chỉ trích. Mới đây, chính quyền Biden đã đồng ý bán tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc trong khuôn khổ quan hệ đối tác an ninh ba bên với Anh. 

Bước đi này đã khiến Pháp, một đồng minh lâu năm, cảm thấy thương tổn sâu sắc, một phần bởi hợp đồng bán tàu ngầm chạy bằng diesel cho Úc trị giá 66 tỷ đôla đã bị hủy bỏ. 

Các nhà phân tích quốc phòng châu Á cho rằng động cơ diesel cho phép Trung Quốc theo dõi các tàu ngầm dưới biển dễ dàng hơn so với các tàu chạy bằng hạt nhân.

Những động thái gần đây khiến một số nhà phê bình cho rằng các bước chính sách đối ngoại của chính quyền Biden không khác nhiều so với các bước đi của cựu Tổng thống Donald Trump.

Tuy vậy, vị quan chức cấp cao nói rằng Mỹ vẫn coi trọng sự phối hợp đa phương quốc tế, ví dụ như Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, COVID-19; các cuộc họp Bộ trưởng Thương mại và Công nghệ; cũng như cuộc gặp với các quốc gia thuộc Bộ Tứ gồm Nhật Bản, Úc, Ấn Độ. 

“Tổng thống cảm thấy rất tốt về con đường phía trước và cách chính sách đối ngoại của Mỹ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tập hợp thế giới, và đặc biệt là trong việc tập hợp các nền dân chủ để giải quyết những thách thức lớn của thời đại chúng ta”, quan chức này nói.

Ông nói thêm: “Tôi tin rằng chúng ta có thể tìm ra một lộ trình hiệu quả với Pháp theo thời gian.” Tổng thống Biden đã đề nghị có cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau khi Pháp triệu hồi đại sứ tại Washington.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Tái thiết các liên minh không có nghĩa là các bên sẽ không có bất đồng”.

Chính quyền Biden đã coi việc xoay trục sang khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là ưu tiên trọng tâm nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Bắc Kinh ở Biển Đông và chống lại việc nước này sử dụng đòn bẩy kinh tế và quân sự đối với các quốc gia láng giềng.

TT Biden cũng dự kiến ​​sẽ công bố một sáng kiến ​​lớn trong tuần này nhằm cung cấp đáng kể các lô hàng vắc-xin đến các nước đang phát triển để chống lại chiến dịch “ngoại giao vắc-xin” tích cực của Trung Quốc.

Tiến Minh (theo SCMP)

Xem thêm: