Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã cáo buộc quân đội Nga phạm tội ác chiến tranh chống lại thường dân Ukraine trong cuộc xâm lược nước này.

id13658641 275446889 269916671988085 2718427808552900450 n 600x400 1
Ngày 19/3, quân đội Ukraine công bố hình ảnh các khu dân cư bị quân đội Nga ném bom. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Ukraine)

Theo một tuyên bố đưa ra hôm Chủ nhật (ngày 3/4), “Tổ chức Theo dõi Nhân quyền” (HRW), một tổ chức phi chính phủ, cho biết họ đã ghi nhận một số vụ việc binh lính Nga đã phạm tội ác chiến tranh đối với người dân Ukraine tại các khu vực bị chiếm đóng thuộc vùng Kyiv, thành phố Chernihiv và thành phố Kharkiv của nước này.

Ông Hugh Williamson, giám đốc Châu Âu và Trung Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết: “Những vụ án mà chúng tôi ghi nhận đã cấu thành hành vi tàn ác và bạo lực có chủ ý không thể tưởng tượng nhắm vào thường dân Ukraine.”

Tuyên bố cho biết, sau khi phỏng vấn 10 người, gồm nạn nhân, người dân tại địa phương và nhân chứng của tội ác, HRW phát hiện ra rằng binh lính Nga đã phạm phải những tội ác bạo lực này trong khoảng thời gian từ ngày 27/2 – 14/3.

Một số vụ án tội ác chiến tranh của quân đội Nga

Một nhân chứng nói với HRW rằng vào ngày 4/3, tại Bucha, một thị trấn ngoại ô thủ đô Kyiv của Ukraine, quân đội Nga đã bắt 5 người đàn ông quỳ bên lề đường và ngay lập tức hành quyết một người trong số họ. Lính Nga kéo áo phông của họ qua đầu và bắn vào đầu một trong những người đàn ông đó. “Anh ấy (ngã xuống),” nhân chứng nói. “Những người phụ nữ [tại hiện trường] la hét.”

Ngày 27/2, một vụ việc khác liên quan đến 6 người đàn ông Ukraine bị bắt tại làng Staryi Bykiv, vùng Chernihiv, tất cả đều bị hành quyết. Mẹ của một nạn nhân chứng nhận rằng bà ở gần đó khi con trai bà và một người đàn ông khác bị bắt. Hơn nữa, bà còn nhìn thấy thi thể của cả 6 người.

Ngày 6/3, binh sĩ Nga ném một quả bom khói xuống tầng hầm ở làng Vorzel, cách thủ đô Kyiv khoảng 50 km về phía Tây Bắc. Sau đó một phụ nữ và một đứa trẻ 14 tuổi trốn trong hầm đã chạy ra ngoài và bị bắn. 2 ngày sau đó, người phụ nữ chết vì vết thương của mình. Một người đàn ông ở cùng hầm trú ẩn với cô khi đó đã cung cấp thông tin cho HRW. “Đứa trẻ chết ngay lập tức“, ông nói.

Một phụ nữ Ukraine nói với HRW rằng một binh sĩ Nga đã liên tục cưỡng hiếp cô vào ngày 13/3 tại một trường học ở vùng Kharkiv, nơi cô và gia đình đang lánh nạn.

Cô nói rằng anh ta đã đánh đập, dùng dao cắt vào mặt, cổ và tóc của cô. Ngày hôm sau, người phụ nữ này đã tìm cách chạy trốn đến Kharkiv, nơi cô nhận được dịch vụ y tế và các dịch vụ khác. HRW đã xem lại 2 bức ảnh mà người phụ nữ này chia sẻ về những vết thương trên mặt của cô.

Ngoài những thương tích đối với dân thường Ukraine, HRW lưu ý rằng nhiều người dân Ukraine được khảo sát đã mô tả lực lượng Nga cướp thực phẩm, củi, quần áo và các vật dụng khác như cưa máy, rìu và xăng.

Embed from Getty Images

Cô Helena, một giáo viên người Ukraine 53 tuổi với đôi mắt đờ đẫn, đã may mắn sống sót sau thảm họa bắn phá bừa bãi của quân đội Nga tại thị trấn Chuguiv, miền đông Ukraine ngày 24/2/2022. Cùng ngày, Tổng thống Nga Putin bất ngờ phát động cuộc chiến toàn diện nhằm vào Ukraine. (Ảnh: Aris Messinis / AFP qua Getty Images)

Chiến tranh cũng phải tuân theo luật lệ và quy ước

“Tất cả các bên tham gia xung đột vũ trang ở Ukraine có nghĩa vụ tuân thủ luật nhân đạo quốc tế hoặc luật chiến tranh, gồm Công ước Geneva năm 1949, Nghị định thư I bổ sung cho Công ước Geneva và luật lệ quốc tế thông thường.” “Các lực lượng vũ trang tham chiến đã kiểm soát hiệu quả một khu vực bị ràng buộc bởi luật chiếm đóng quốc tế”, HRW nói. “Luật nhân quyền quốc tế thường dùng cũng được áp dụng.”

“Luật chiến tranh cấm cố ý giết người, hãm hiếp và các hành vi bạo lực tình dục khác, cũng như tra tấn và đối xử vô nhân đạo với những chiến binh bị bắt và thường dân bị giam giữ.” “Tước đoạt và cướp bóc cũng bị cấm.”

“Bất kỳ ai ra lệnh hoặc cố ý thực hiện những hành vi như vậy, hoặc hỗ trợ và tiếp tay cho họ, đều phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh.”

“Các chỉ huy quân sự đã biết hoặc có lý do để biết về những tội ác đó, nhưng không cố gắng ngăn chặn hoặc trừng phạt những người có trách nhiệm, cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ác chiến tranh với trách nhiệm của một chỉ huy.”

Ông Williamson nói về vụ bạo lực này như sau: “Nga có nghĩa vụ pháp lý quốc tế là điều tra vô tư các tội ác chiến tranh của binh lính.” “Các chỉ huy nên nhận ra rằng việc không hành động trước hành vi giết người và hãm hiếp có thể khiến họ phải chịu trách nhiệm cá nhân về tội ác chiến tranh, đó là trách nhiệm của chỉ huy.”

Tuyên bố của HRW được đưa ra một ngày sau khi thị trấn Bucha, nơi từng bị quân đội Nga chiếm đóng, bị phát hiện đã giết hại gần 300 thường dân Ukraine. Thị trưởng Bucha, ông Anatoly Fedoruk tiết lộ rằng thi thể của những người quá cố nằm rải rác trên đường phố và có ở khắp mọi nơi.

Một phóng viên AFP đã vào hiện trường xác nhận những tuyên bố của ông Fedoruk.

Ngày 23/3 Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Antony Blinken cho biết cụ thể là Hoa Kỳ “căn cứ trên việc xem xét tỉ mỉ các thông tin từ các nguồn công khai và tin tức tình báo”, cho thấy quân đội Nga đã tiến hành “nhiều cuộc tấn công có chủ đích nhắm vào thường dân”, “phá hủy nhiều khu nhà ở, trường học, bệnh viện, các công trình hạ tầng thiết yếu, phương tiện đi lại dân sự, trung tâm thương mại, trung tâm cấp cứu.” Các cuộc tấn công của quân đội Nga khiến “hàng ngàn người chết và bị thương.”

Trước đó, ngày 15/3, toàn bộ thành viên Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua một nghị quyết không mang tính cưỡng chế, lên án Tổng thống Nga Putin là “tội phạm chiến tranh”, và kêu gọi các tòa án quốc tế và quốc gia điều tra.

Bình Minh (t/h)