Huawei lại phải đối mặt với những thách thức mới tại thị trường Châu Âu sau khi hãng Deutsche Telekom của Đức thông báo họ sẽ đánh giá lại các nhà cung cấp của mình, và hãng Orange của Pháp cho biết họ sẽ không thuê tập đoàn công nghệ Trung Quốc phát triển mạng 5G tại Pháp, theo Reuters.

huawei
Ảnh từ Shutterstock

Động thái của hai công ty Đức và Pháp đến sau khi Mỹ cùng một loạt các đồng minh khác như Úc, New Zealand và Nhật Bản đều rà soát lại công nghệ Huawei, đặc biệt liên quan đến triển khai mạng 5G.

Các quan chức Mỹ đã thông tin tới các đồng minh của họ rằng Huawei rốt cuộc đều tuân theo yêu cầu của nhà nước Trung Quốc, đồng thời cảnh báo các thiết bị mạng trực tuyến của hãng này có thể chứa “cửa hậu” (back door), từ đó có thể mở cửa cho gián điệp mạng.

Đánh giá của Deutsche Telekom đến sau khi các cơ quan quản lý của Mỹ tìm hiểu kỹ đề xuất việc T-Mobile (Deutsche Telekom là cổ đông chính) thâu tóm Sprint Corp do Softbank của Nhật Bản kiểm soát với trị giá 26 tỷ USD.

Hãng tin Nikkei (Nhật Bản) cho biết Softbank đang có kế hoạch thay thế các thiết bị mạng 4G của họ vốn trước đây do Huawei cung cấp.

Trong khi đó, CEO của Orange, ông Stephane Richard trao đổi với các phóng viên tại Paris rằng: “Chúng tôi không xem xét việc gọi thầu Huawei cho mạng 5G. Chúng tôi đang làm việc với các đối tác truyền thống của chúng tôi – họ là Ericsson và Nokia”.

Ông Richard nói rằng những quan ngại về an ninh là hợp lý: “Tôi hoàn toàn hiểu rằng tất cả các quốc gia của chúng tôi và chính quyền Pháp đều đang bận tâm. Chúng tôi cũng vậy”.

Bộ trưởng kinh tế Đức Peter Altmaier, trong cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 14/12 cho biết: “Mỗi sản phẩm, mỗi thiết bị phải được đảm bảo nếu nó sẽ được sử dụng tại Đức”.

Theo Reuters, phản ứng với các thông tin không tốt từ Đức và Pháp, Huawei nói rằng họ không phải là nhà cung cấp cho mạng 4G hiện tại của Orange tại Pháp và cũng sẽ không có kế hoạch cung cấp thiết bị cho mạng 5G của công ty này tại Pháp. Huawei đang cung cấp các thiết bị mạng cho Orange ở ngoài nước Pháp và dự kiến cũng tham gia vào xây dựng mạng 5G tại những nơi đó.

Huawei đã bị kiểm tra gắt gao khi các quốc gia bao gồm Úc, New Zealand và Nhật Bản theo sau động thái của Mỹ tiến hành hạn chế quyền tiếp cận của hãng công nghệ hàng đầu của Trung Quốc vào thị trường của họ, với lý do lo ngại an ninh rằng công nghệ của Huawei có thể bị Bắc Kinh sử dụng vào hoạt động gián điệp.

Trong một báo cáo phát hành vào tháng Tư, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung, một nhóm do Quốc hội Mỹ thành lập, đã chỉ ra mối quan hệ sâu rộng giữa Huawei và Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhà sáng lập Huawei ông Nhậm Chính Phi từng là giám đốc nghiên cứu viễn thông trong Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Trung Quốc. Con gái đầu của ông Nhậm, bà Mạnh Vãn Châu bị Canada bắt theo yêu cầu của Mỹ từ 1/12. Bà Mạnh bị giới chức Mỹ cáo buộc sử dụng một công ty bình phong tại Hồng Kông để né tránh lệnh trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt lên Iran.

Bà Tôn Á Phương là Chủ tịch Huawei từ năm 1999, cũng là một nhân vật nổi bật trong tập đoàn này và được coi là một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Theo báo cáo của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), bà Tôn xuất thân từ Bộ An ninh Nhà nước – cơ quan tình báo của chế độ Trung Quốc.

Xuân Thành

Xem thêm: