Hôm 10/4, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đã lên án chính quyền quân sự Myanmar vì đã kết án tử hình 19 người. Đây là lần đầu tiên án tử hình được tuyên kể từ khi quân đội nắm chính quyền. 

Embed from Getty Images

Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi bị lật đổ vào ngày 1 tháng 2. Đến nay, lực lượng an ninh đã giết chết hơn 600 người khi những người biểu tình từ chối phục tùng sự cai trị của quân đội.

Truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Sáu (8/4) rằng 19 người đã bị tòa án quân sự kết án tử hình về tội cướp tài sản và giết người, 17 người trong số họ bị xét xử vắng mặt.

Những người này bị bắt tại thị trấn Bắc Okkalapa thuộc Yangon – một trong sáu khu vực hiện đang bị thiết quân luật, có nghĩa là bất kỳ ai bị bắt ở đó đều bị tòa án quân sự xét xử.

Sáu thị trấn là nơi sinh sống của khoảng hai triệu người, chiếm hơn một phần tư dân số đông đúc của Yangon.

Phil Robertson, Phó giám đốc bộ phận Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết Myanmar từ lâu đã có án tử hình trong bộ luật hình sự của mình, nhưng nước này đã không thực hiện việc hành quyết nào trong hơn 30 năm qua.

Ông nói: “Điều này chỉ ra rằng quân đội đã chuẩn bị để quay trở lại thời kỳ Myanmar hành quyết người dân.”

Ông nói thêm, việc xét xử các vụ án tại một tòa án quân sự có nghĩa là không thể có kháng cáo, và “không có gì đảm bảo về một phiên tòa tự do và công bằng”.

Ông nói, những bản án nêu trên có thể là một chiến thuật để buộc những người biểu tình dừng bước và quay trở lại làm việc, vì các cuộc đình công lớn trên toàn quốc đã khiến phần lớn nền kinh tế Myanmar rơi vào trì trệ.

“Nhiệm vụ cốt lõi của họ [quân đội] là sử dụng vũ lực và bạo lực để khiến mọi người dừng biểu tình và phá vỡ phong trào bất tuân dân sự,” ông Robertson nói.

Cùng ngày 10/4, Na Uy cũng lên tiếng phản đối các bản án tử hình hôm thứ Bảy, gọi chúng là “không thể chấp nhận được và là một diễn biến đáng lo ngại sâu sắc”.

Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soreide cho biết trong một tweet: “Na Uy mạnh mẽ kêu gọi Myanmar không thực hiện các vụ hành quyết, chấm dứt bạo lực và cho phép Đặc phái viên Liên Hợp Quốc đến thăm”.

Các quan chức Liên Hợp Quốc cho biết đặc phái viên Christine Schraner Burgener đang ở nước láng giềng Thái Lan với hy vọng đến Myanmar để gặp trực tiếp các tướng lĩnh nhằm đàm phán tìm ra con đường thoát khỏi khủng hoảng.

Cho đến nay, chính quyền quân sự đã từ chối đề nghị này.

Lê Xuân (theo CNA)

Xem thêm: