Cựu chủ tịch đảng đối lập Campuchia đang lưu vong Sam Rainsy nói rằng Thủ tướng Hun Sen sẽ bị tước bỏ quyền lực giống như Tổng thống Mugabe tại Zimbabwe. Ông này nói thêm rằng các nước phương Tây nên đưa thêm lệnh trừng phạt chính phủ Campuchia sau khi đảng đối lập của ông bị ép giải tán ngay trước khi cuộc bầu cử 2018 diễn ra.

Embed from Getty Images

Lãnh đạo Đảng Cứu Quốc Campuchia Sam Rainsy, hiện đang sống lưu vong ở Pháp

Hồi tuần trước, Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP) bị cấm theo lệnh của ông Hun Sen. Việc này khiến các nước trợ cấp phương Tây chỉ trích vị Thủ tướng cầm quyền 32 năm của Campuchia là đang phá hoại nền dân chủ.

Ông Hun Sen đáp lại rằng ông thách thức Mỹ cắt hết viện trợ cho nước này.

Hồi tháng 2/2017, ông Rainsy đã từ chức chủ tịch CNRP, nói rằng lý do là vì ông e ngại đảng của ông sẽ bị cấm nếu ông còn tại vị. Năm 2015, ông chạy lưu vong sang Pháp sau khi bị cáo buộc tội phỉ báng phó thủ tướng Hor Namhong.

“Campuchia đang sôi sùng sục. Người dân chán nản với ông Hun Sen và những gì đang xảy ra ở Zimbabwe sẽ là nguồn cảm hứng”, ông Rainsy nói với Reuters trong một bài phỏng vấn hôm 23/11.

“Mugabe đã rớt đài và sẽ sớm đến lượt của Hun Sen, người đã trở nên lỗi thời không thể chấp nhận được”.

Thứ Ba tuần trước, Robert Mugabe đã từ chức sau khi lãnh đạo Zimbabwe gần 40 năm do cuộc đảo chính từ quân đội.

Hôm 3/9, lãnh đạo của CNRP hiện tại là Kem Sokha bị bắt với cáo buộc tội phản quốc, âm mưu lật đổ chính phủ và câu kết với Mỹ. Tuần trước ông Hun Sen yêu cầu toàn bộ đảng CNRP, đối thủ chính của đảng cầm quyền, giải tán.

Các đối thủ của Hun Sen cho rằng việc kết tội lãnh đạo CNRP là nhằm loại bỏ ông này ra khỏi cuộc bầu cử năm tới để đảm bảo ông Hun Sen sẽ tiếp tục nắm quyền sau ba thập kỷ.

Ông Rainsy cho rằng lệnh cấm đảng CNRP chỉ có giá trị trên giấy. Ông nói nói phe đối lập cần phải thể hiện được họ sẵn sàng tiếp tục thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng sau khi giành được 3 triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử 2013 và thúc đẩy các nước phương Tây ngừng trợ cấp cho chính quyền Cam Bốt.

Điều quan trọng là cho ông Hun Sen thấy điều ông ta đã làm là không thể chấp nhận được. Thế giới sẽ không làm ăn như bình thường với chính quyền này … và cần phải nói với ông ta, thế giới sẽ không bao giờ công nhận một chính quyền bước ra từ cuộc bầu cử như thế này”, ông Rainsy nói.

Nhiều nước phương Tây đã lên án cuộc đàn áp phe đối lập, các nhóm nhân quyền và truyền thông độc lập của ông Hun Sen, đồng thời kêu gọi thả ông Kem Sokha để đảm bảo sự công bằng của cuộc bầu cử sắp tới.

Mỹ nói rằng họ đã cắt viện trợ tổ chức bầu cử cho Campuchia và đe dọa các biện pháp trừng phạt khác. Pháp kêu gọi chính quyền Hun Sen tuân thủ tiến trình dân chủ.

Thủ tướng Hun Sen, một cựu chỉ huy của lực lượng Khmer Đỏ do Pol Pot lãnh đạo, đã phủ nhận mọi lời chỉ trích của phương Tây và nói rằng cấm vận thương mại sẽ làm tổn hại tới người dân Campuchia trước tiên.

Ông Rainsy nói rằng Mỹ và Liên minh Châu Âu trước tiên nên cắt toàn bộ viện trợ bầu cử, sau đó áp đặt trừng phạt từ cấm visa cho tới đóng băng tài sản.

“Chúng ta cần chế tài cá nhân nhắm tới từng người cụ thể để không làm tổn hại người dân mà tới giới lãnh đạo, những kẻ đã che giấu khối tài sản khổng lồ ở nước ngoài. Họ sẽ phản ứng khi lợi ích cá nhân bị tổn hại”.

Khi được hỏi về nhận định của ông thế nào khi ông Hun Sen ngày càng ngả về phía Trung Quốc, cựu lãnh đạo đảng đối lập nói rằng mối quan hệ này sớm muộn cũng sẽ chấm dứt:

“Trung Quốc nhìn xa hơn Hun Sen. Không chính phủ nào ngu ngốc đến nỗi tiếp tục đánh cược vào ông ta. Những gì đang xảy ra ở Cam Bối làm nhớ lại thời kỳ Khmer Đỏ. Pol Pot đã bị thế giới cô lập và lệ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng khi Trung Quốc không cần thì họ đã vứt bỏ ông ta”.

Trọng Đức

Xem thêm: