Ngày 26/9/2019 vừa qua, tờ Independent của Anh đã đăng tải một bài bình luận có tựa đề “While China harvests human organs from its persecuted minorities, Britain is staying silent to protect free trade” (Tạm dịch: Trong khi Trung Quốc thu hoạch nội tạng người từ nhóm thiểu số bị đàn áp, thì Anh lại im lặng để bảo vệ lợi ích kinh tế). Bài bình luận dẫn thông tin về kết luận của tòa án nhân dân độc lập cho biết chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm trên quy mô lớn, và chất vấn sự im lặng của chính quyền Anh trước tội ác này. Dưới đây là bản dịch toàn văn bài bình luận, xem link gốc tại đây.

***

Các trại tập trung của Trung Quốc chứa hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương được nhìn nhận là một ‘ngân hàng nội tạng’ khổng lồ, nơi các nhân viên y tế xem xét tù nhân nào phải chết và lấy đi những phần cần thiết của người bị giết.

Trong khi Anh quốc hướng tới một kỷ nguyên tự do thương mại mới vượt qua tầm châu Âu, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nổi lên như một ứng viên sáng giá cho tương lai kinh tế. Việc trao đổi thương mại giữa Anh và quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ là một thị trường với tiềm năng 66 nghìn tỉ bảng Anh. Thương mại song phương với Trung Quốc đã tăng đến đỉnh điểm, và chính quyền Bảo thủ hiện tại tin rằng lượng hàng hóa và dịch vụ trao đổi giữa hai nước sẽ tăng gấp bội sau Brexit.

Bắc Kinh chắc chắn rất hồ hởi trước cơ hội này: năm ngoái, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố rằng Trung Quốc đồng ý “chủ động tìm kiếm cơ hội thảo luận về một thỏa thuận tuyệt vời về tự do thương mại giữa Trung Quốc và Anh sau Brexit”.

Về phần mình, các bộ trưởng đảng Bảo thủ đã bỏ qua những mối lo mang tính đạo đức trong một thỏa thuận như thế, tập trung vào một thị trường tự do với các chế độ tội ác. Bên cạnh việc xuất khẩu sang các đồng minh như A Rập Saudi, Israel, Ấn Độ vốn thường xuyên bị chỉ trích, Anh còn hướng tới các quốc gia đang đàn áp nhóm dân tộc thiểu số và nhóm tín ngưỡng.

Thỏa thuận với Trung Quốc đã nâng vấn đề lên tầm kệch cỡm lố bịch.

Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã nghe trình bày về việc Trung Quốc đang chủ động duy trì ngành công nghiệp bán nội tạng của người phục vụ cho cấy ghép tạng. Bằng chứng đến từ một Tòa án Nhân dân tại London, một tòa án độc lập điều tra và phơi bày ngành công nghiệp thu hoạch nội tạng siêu lợi nhuận.

Chúng ta hoàn toàn có thể so sánh [chế độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc] với chế độ Đức quốc xã khi nhìn vào lượng nội tạng đã và đang bị thu hoạch từ những người bị nhà nước Trung Quốc coi là kẻ thù. Họ bao gồm những người của nhóm Pháp Luân Công, một hình thức thực hành đạo Phật. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thề sẽ tiêu diệt nhóm này 20 năm về trước, và cuộc đàn áp vẫn không hề giảm sút kể từ đó tới nay. Người Tây Tạng và thành viên của một số nhóm Kitô giáo cũng chịu chung số phận.

Người Hồi giáo cũng bị Trung Quốc liệt vào danh sách kẻ thù nội bộ hàng đầu, với các “trung tâm giáo dục cải tạo” đang được sử dụng để tống giam họ. Hiện có hơn 20 triệu người Hồi giáo tại Trung Quốc – con số này dù lớn nhưng họ vẫn chỉ là nhóm thiểu số trong một quốc gia có 1,4 tỷ dân – và rất nhiều trong số đó là người Duy Ngô Nhĩ, một nhóm dân tộc thiểu số bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Các trại tập trung chứa những người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ mà không qua xét xử, họ bị lạm dụng một cách tồi tệ nhất. Liên Hợp Quốc đã được khuyến nghị rằng tội ác đối với người Duy Ngô Nhĩ “đã được chứng minh không chút nghi ngờ”, họ bị thu hoạch tạng khi vẫn còn sống, tai, thận, gan, phổi, giác mạc và da bị lấy đi.

Một cái chết tàn nhẫn, và theo sau đó, phần thi thể sử dụng được sẽ được xử lý và đem bán cho các hoạt động cấy ghép tạng hoặc cho việc thử nghiệm y học.

Điều khiến người ta ớn lạnh là các trại tập trung chứa hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã được sử dụng như một ‘ngân hàng’ nội tạng, nơi các nhân viên y tế xem xét tù nhân nào phải chết và lấy đi những phần cần thiết của người bị giết.

Bắc Kinh chối bỏ mọi việc, rao giảng rằng các chứng cứ điều tra đối lập với chế độ chỉ là những ‘tin đồn’. Họ công nhận rằng nội tạng đã bị lấy từ tử tù cho đến năm 2015, nhưng việc này đã dừng lại.

Tuy nhiên Luật sư Anh quốc, Ngài Geoffrey Nice, chủ tịch Tòa án Trung Quốc (tên gọi tắt của tòa án nhân dân độc lập điều tra về tội ác thu hoạch tạng tại Trung Quốc – LND), người từng giúp Yugoslavia truy tố cựu tổng thống Nam Tư Slobodan ​Milosevic tại tòa án hình sự quốc tế, đã được nghe các bằng chứng thuyết phục từ các chuyên gia trong lĩnh vực nhân quyền và y tế, cũng như các nhân chứng chứng kiến ngành công nghiệp cấy ghép tạng tại Trung Quốc. Và đúng như ngài nói, cộng đồng quốc tế “không thể tiếp tục lẩn tránh điều họ cảm thấy khó có thể thừa nhận [vì ảnh hưởng tới lợi ích của họ]”.

Trong khi Trung Quốc đang thu về khoảng 800 triệu bảng Anh mỗi năm từ ngành công nghiệp ghép tạng, thì các nước như Anh quốc lại muốn thiết lập mối quan hệ kinh tế có giá trị lớn hơn nhiều khoản lợi nhuận đó trong tương lai. Vì thế Anh quốc chắc chắn sẽ bỏ ngoài ta lời của ông Hamid Sabi, một luật sư kinh nghiệm thuộc Tòa án Trung Quốc, người đã trình bày tuyên án của tòa trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva tuần qua. Ông Hamid Sabi nói rằng điều đang diễn ra tại Trung Quốc là sánh với việc “diệt chủng” dân tộc thiểu số và nhóm tín ngưỡng bị nhà nước coi là kẻ thù. Ông Sabi cũng cho biết những “tội ác chống lại loài người” này là có thể so sánh với việc Đức quốc xã diệt chủng người Do Thái bằng khí ngạt, hay cuộc đồ sát người Tutsi tại Rwanda, hay cuộc thanh trừng người đối lập của Khmer Đỏ. Ông Sabi kêu gọi Ủy ban Nhân quyền hành động ngay lập tức.

Cũng như Trung Quốc, Anh là một thành viên của Liên Hợp Quốc. Đã đến lúc Anh phải đối diện với tội ác man rợ này một cách nghiêm túc, và đặt việc bảo vệ nhân mạng lên trên tất cả các quan hệ thương mại.

Tác giả: Nabila Ramdani
Minh Nhật biên dịch

Các đường dẫn liên quan đã được cập nhật trong bài viết

Xem thêm: