Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto, trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm thứ Bảy (4/6) đã trình bày một sáng kiến hòa bình mới giải quyết chiến tranh Nga-Ukraine. Ông Subianto thúc giục các quan chức quân đội khắp thế giới hãy phát đi tuyên bố kêu gọi đình chiến.

Theo hãng tin RT, kế hoạch hòa bình nhiều điểm của ông Subianto bao gồm ngừng bắn và thiết lập một vùng phi quân sự với việc cả Nga và Ukraine phải rút lui 15 km từ các vị trí tiền tuyến tương ứng.

Bộ trưởng Subianto nhấn mạnh rằng vùng phi quân sự sẽ do lực lượng hòa bình của Liên Hiệp Quốc giám sát.

Ngoài ra, ông Subianto còn đề nghị thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý do Liên Hiệp Quốc hỗ trợ tại lãnh thổ tranh chấp để xác định một cách khách quan nguyện vọng của đa số cư dân bản địa. Ông không nói rõ ông đề nghị tiến hành trưng cầu dân ý tại khu vực nào.

Tôi đề nghị rằng Đối thoại Shangri-La tìm một mô hình của… tuyên bố tình nguyện kêu gọi Ukraine và Nga hãy lập tức khởi động các cuộc đàm phán hòa bình”, ông Subianto nói.

Cũng trong phiên thảo luận tại Đối thoại Shangri-La mà bộ trưởng quốc phòng Indonesia đề xuất kế hoạch hòa bình, ông Josep Borrell – đại diện cấp cao và phó chủ tịch Ủy ban châu Âu đã thừa nhận rằng việc kết thúc ủng hộ quân sự cho Ukraine sẽ dẫn tới kết thúc nhanh chóng chiến tranh Ukraine. Tuy nhiên, ông Josep Borrell đã cảnh báo về một động thái như vậy, bởi vì nó có thể dẫn tới chủ quyền của Ukraine sẽ bị xâm phạm bởi thế lực bên ngoài.

Chúng ta cần mang hòa bình tới Ukraine”, nhưng đó phải là “hòa bình chính đáng, không phải là hòa bình có được do đầu hàng”, ông Borrell nói khi bình luận về đề xuất hòa bình của Indonesia.

Sáng kiến hòa bình nêu trên của Indonesia được công bố sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm cả Moscow và Kyiv vào năm ngoái. Trong chuyến công du đó, ông Joko Widodo đã đề xuất làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa các lãnh đạo hai nước Nga và Ukraine. Ông Joko Widodo khi đó là chủ tịch luân phiên của nhóm G-20 đã bày tỏ sẵn sàng trở thành một nhà trung gian hòa bình.

Mặc dù bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, nhưng Indonesia đã đang kiềm chế áp đặt chế tài kinh tế lên Moscow.

Vào tháng Hai năm ngoái, Trung Quốc cũng đã nêu ra kế hoạch hòa bình 12 điểm cho Ukraine. Tài liệu này phần nhiều tuyên bố lại những lập trường đã công khai của Bắc Kinh về cuộc chiến tranh tại Ukraine, nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của tất cả các nước, và chấm dứt các chế tài kinh tế.

Kế hoạch hòa bình của Trung Quốc đã thúc giục tất cả các bên liên quan đến chiến tranh Nga-Ukraine hãy tránh mọi leo thang dính líu đến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, đáng chú ý kế hoạch hòa bình của Trung Quốc đã không đề xuất hoặc đề nghị quân đội Nga phải rút quân khỏi Ukraine.

Hải Đăng