Hải quân Indonesia hôm thứ Ba (27/4) cho biết vụ chìm tàu ​​ngầm khiến 53 người thiệt mạng hồi tuần trước có khả năng là do một hiện tượng dưới nước được gọi là “sóng ngầm đơn độc”.

Embed from Getty Images

Các sĩ quan cho biết, sự khác biệt về khối lượng riêng của nước biển giữa vùng biển ngoài khơi Bali và ở eo biển Lombok gần đó có thể đã kích hoạt một “chuyển động lớn” đủ mạnh để kéo tàu ngầm xuống chỉ trong vài giây.

Iwan Isnurwanto, chỉ huy Trường Tham mưu và Chỉ huy Hải quân, cho biết sự hiện diện của sóng ngầm xung quanh vị trí của tàu ngầm vào thời điểm gặp nạn hôm thứ Tư tuần trước đã được xác nhận từ các hình ảnh do vệ tinh thời tiết Himawari 8 của Nhật Bản cung cấp.

“Họ không thể làm gì, không có thời gian để làm bất cứ điều gì … nếu chiếc tàu bị kéo xuống bởi một cơn sóng như vậy, nó có thể nghiêng [xuống], khiến tất cả các thành viên thủy thủ đoàn lăn xuống [đáy tàu]”, ônh Isnurwanto nói trong một cuộc họp báo tại trụ sở hải quân ở Jakarta. “Chúng tôi phải điều tra thêm, nhưng đó rất có thể là những gì đã xảy ra.”

Với biên độ lớn gây ra dòng chảy mạnh, “sóng ngầm đơn độc” được coi là mối nguy hiểm lớn đối với các công trình hàng hải và việc điều hướng tàu ngầm. Chúng cũng có thể gây ra những áp lực lớn bất ngờ cho các giàn khoan dầu ngoài khơi.

Các quan chức hải quân cho biết sẽ cần khảo sát thêm để phát hiện các đợt sóng ngầm đơn độc tiềm ẩn trong vùng biển của Indonesia nhằm tránh những sự cố tương tự đối với tàu ngầm trong tương lai.

Các quan chức Indonesia cũng bác bỏ suy đoán về các nguyên nhân khác gây ra tai nạn, bao gồm cáo buộc về việc bảo dưỡng kém, tàu ngầm cũ kỹ, hay do lỗi của con người, hoặc tin đồn lan truyền trên mạng xã hội rằng nó đã bị một tàu nước ngoài bắn.

KRI Nanggala 402 là tàu ngầm do Đức chế tạo, được đưa vào phục vụ trong Hải quân Indonesia từ năm 1981. Nó được bảo dưỡng toàn bộ tại Hàn Quốc, hoàn thành vào năm 2012.

Muhammad Ali, trợ lý của tham mưu trưởng hải quân, cho biết tàu ngầm đã được kiểm tra thường xuyên, bao gồm cả lần “cập cảng” lần cuối vào năm ngoái, khi con tàu được coi là có thể đi biển đến tháng 9 năm 2022.

Ông nói thêm rằng tất cả các thành viên thủy thủ đoàn trên tàu đều được đào tạo bài bản, và việc tàu ngầm chở quá tải là không đúng. Con tàu trước đó được cho là chỉ có sức chứa 33 người, nhưng ông Ali nói rằng đó chỉ là con số đại diện cho số giường có sẵn và tàu ngầm do hải quân vận hành thường chở hơn 50 người.

Tàu ngầm Nanggala biến mất vào đầu giờ sáng ngày thứ Tư khi đang tiến hành một cuộc tập trận bắn ngư lôi ở Bali. Tín hiệu cuối cùng được phát hiện từ con tàu là từ độ sâu 850 mét, vượt quá giới hạn lặn của nó.

Lần liên lạc cuối cùng với tàu ngầm được ghi nhận vào khoảng 4 giờ sáng thứ Tư. Khi chỉ huy của lực lượng đặc nhiệm huấn luyện cố gắng liên hệ với con tàu 25 phút sau đó, đường dây đã không thể thiết lập được. Con tàu lẽ ra sẽ phải trồi lên mặt nước lúc 5h15 sáng thứ Tư.

Hôm Chủ nhật, hải quân Indonesia, với sự hỗ trợ của tàu MV Swift Rescue của Singapore, đã tìm thấy những mảnh vỡ lớn ở độ sâu 838 mét. Con tàu được cho là đã bị vỡ làm ba phần lớn, làm dập tắt mọi hy vọng rằng những người sống sót sẽ được tìm thấy.

Hải quân Indonesia cho biết nỗ lực trục vớt con tàu và hài cốt của các nạn nhân sẽ tiếp tục, mặc dù vẫn chưa quyết định họ sẽ trục vớt xác tàu như thế nào. MV Swift chỉ có thể nâng những phần nhỏ hơn.

Phó Tham mưu trưởng Hải quân Ahmadi Heri Purwono cho biết Indonesia hiện chỉ có 4 tàu ngầm để bảo vệ quần đảo rộng lớn. Một chiếc, tương tự như Nanggala, cũng do Đức chế tạo và đã hoạt động được 40 năm, và ba chiếc mới hơn được sản xuất tại Hàn Quốc.

Hải quân Indonesia cho biết họ đang có kế hoạch mua một tàu cứu hộ tàu ngầm sau vụ tai nạn.

Lê Xuân (theo Nikkei Asia)

Xem thêm: