Núi lửa tại đảo Java phun trào hôm Chủ Nhật (4/12) tạo ra đám mây khói 15km trên bầu trời và khiến gần 2000 người dân phải sơ tán. Giới chức Indonesia cho biết họ đã phát đi cảnh báo thiên tai cao nhất ở khu vực phía đông đảo Java.

Embed from Getty Images

Theo Reuters, chưa có báo cáo về thương vong do núi lửa Semeru phun trào. Bộ giao thông Indonesia nói rằng giao thông đường không không bị ảnh hưởng nhưng hai sân bay địa phương đã được gửi cảnh báo cần cảnh giác.

Tình nguyện viên cộng đồng Bayu Deny Alfianto nói với Reuters qua điện thoại từ một địa điểm gần núi lửa phun trào cho hay: “Hầu hết các tuyến đường bộ đã bị phong tỏa từ sáng nay và bây giờ đang có mưa tro núi lửa và tro bụi đã che phủ ngọn núi”.

Năm ngoái, núi Semeru đã phun trào khiến hơn 50 người thiệt mạng và buộc hàng nghìn người phải di dời.

Cơ quan Giảm thiểu Thiên tai của Indonesia (BNPB) cho biết 1.979 người đã được sơ tán đến các điểm trú ẩn và giới chức đã phân phát khẩu trang cho người dân. Núi lửa Semeru bắt đầu phun trào vào 2:46 ngày thứ Bảy (4/12, giờ địa phương) và các nỗ lực giải cứu, tìm kiếm và sơ tán đang được triển khai.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản nói rằng luồng tro bụi của núi lửa Semeru đã đạt tới độ cao 15km. Cơ quan này ban đầu đã phát đi cảnh báo rằng núi Semeru phun trào có thể kích hoạt sóng thần, nhưng sau đó cảnh báo này đã được rút lại.

Núi lửa Semeru cách thủ đô Jakarta khoảng 640km về phía đông. Vụ phun trào lần này xảy ra sau hàng loạt các trận động đất tại phía tây đảo Java, trong đó có trận động đất vào tháng trước khiến hơn 300 người thiệt mạng.

Trung tâm Giảm thiểu Mối nguy hiểm Núi lửa và Địa chất của Indonesia (PVMBG) đã tăng cảnh báo hoạt động núi lửa lên mức cao nhất và khuyến cáo người dân không nên tiếp cận gần núi Semeru trong phạm vi 8km.

PVMBG cũng cho biết các đám mây tro nóng đã trôi xa gần 19km từ trung tâm núi lửa phun trào.

Lãnh đạo PVMBG Hendra Gunawan nói rằng vụ phun trào này có thể tạo ra khối lượng nham thạch lớn hơn các vụ phun trào năm 2020 và năm 2021 và có thể gây ra nguy hiểm nhiều hơn cho một vùng rộng hơn.

Các đám mây nóng từ núi Semeru có thể trôi đi xa hơn và tới những nơi có nhiều dân cư”, ông Hendra Gunawan nói.

Indonesia có tổng cộng 142 núi lửa và là quốc gia có số người dân sống gần núi lửa nhiều nhất, khoảng 8,6 triệu người sống trong phạm vi 10km của một ngọn núi lửa.

Hải Đăng (Theo Reuters)