Những nỗ lực chống khủng bố tại Indonesia

Trong khi nhiều người nói về vấn đề các tay súng cực đoan hồi hương và các vụ tấn công “sói đơn độc” tại Tây Âu, cũng như Trung Đông, thì hiện trạng này ở Đông Nam Á là có sự khác biệt.

Các biện pháp chống khủng bố được cải thiện trong toàn khu vực đã hỗ trợ rất nhiều cho việc ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công khủng bố lớn nào. Sự chia rẽ và ganh đua gia tăng giữa các nhóm chiến binh cũng khiến cuộc tấn công liên  kết và phối hợp ở quy mô lớn khó xảy ra, đồng thời năng lực thực thi pháp luật của các nước khu vực cũng đã được tăng cường hơn.

Biệt đội 88 (còn gọi là Đội Cảnh sát chống khủng bố Quốc gia) và Cơ quan chống khủng bố Quốc gia Indonesia vừa bắt giữ hàng loạt các tay súng có mối liên hệ với IS trên quy mô toàn quốc. Cuối năm ngoái, Cảnh sát trưởng Indonesia,  Tito Karnavian tuyên bố rằng 170 tên khủng bố đã bị cảnh sát điều tra vào năm 2016, trong đó 33 tên đã bị tiêu diệt. Trong số những tên khủng bố bị giết có  bốn tên đứng đằng sau vụ đánh bom Sarinah hồi đầu năm ngoái. Trong khi những kẻ khủng bố luôn bị các cơ quan thực thi pháp luật để mắt, thường dân ngày càng phải chịu đựng nhiều hơn các cuộc tấn công từ các vụ đánh bom mang cảm hứng từ vụ IS tấn công Paris.

Với chính sách nhập cư lỏng lẻo và luật hình sự mơ hồ liên quan tới các tay súng cực đoan hồi hương, Indonesia đã và đang phải nỗ lực để bắt đầu một loạt các biện pháp mới phù hợp hơn.

Về mặt pháp lý, đã có động thái để mở rộng quyền lực cho các lực lượng an ninh, cho phép họ giam giữ các nghi can mà không cần qua xét xử, bắt giữ những cá nhân tham gia các trại huấn luyện quân sự ở nước ngoài, và có thể thu hồi quốc tịch của những người này (một phản ứng trực tiếp đối với mối đe dọa từ FTF – những tên khủng bố nước ngoài hồi hương và bước đi này mới chỉ được thực hiện tại Úc). Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có một chương trình chính thức giúp các tay súng hồi hương tái hoà nhập và phục hồi trở lại cuộc sống bình thường.

Hiện đã có những nỗ lực để định nghĩa lại khái niệm chủ nghĩa khủng bố rõ ràng hơn, theo đó có thể mở rộng ra ngoài hành vi tấn công vật lý, bao gồm cả các phát ngôn và cử chỉ mang tính thù địch. Indonesia đã có những nỗ lực nhằm thúc đẩy giáo dục công dân lấy khoan dung và tôn trọng lẫn nhau để đẩy lùi hệ tư tưởng bạo lực của phiến quân. Nahdlatul Ulama (NU) và Muhammadiyah, hai phong trào quần chúng Hồi giáo lớn nhất, đều đặt trụ sở tại Indonesia, đã đưa ra các chương trình mời các học giả Hồi giáo quốc tế có uy tín để phán kích lại những tuyên truyền của IS và chỉ ra những điều sai trái trong những bài giao giảng về chủ nghĩa hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, cũng cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa thúc đẩy sự phối hợp toàn khu vực chặt chẽ hơn.

Mặc dù khó có thể tìm thấy  sự ủng hộ của công chúng đối với những gì liên quan đến IS và Indonesia cũng đã thu hút được nguồn tài trợ đáng kể cho các nỗ lực tái hòa nhập và cải tạo các tay súng cực đoan. Bên cạnh đó, cải cách trại giam vẫn là việc rất quan trọng và cấp bách. Các nhóm cực đoan IS và Jemaah Islamiya đã yêu cầu người của họ tuyển dụng công khai trong nhà tù số các thành viên băng đảng, tội phạm nhỏ và thanh thiếu niên bất mãn đang tìm kiếm cơ hội làm việc, sự bảo đảm cũng như trải nghiệm mạo hiểu… Như Liow nhận xét: “tham nhũng, thiếu năng lực, giám sát kém và kiểm soát người tới thăm tù nhân không tốt đã góp phần tạo ra sự dễ dàng cho các tư tưởng cực đoan phổ biến rộng rãi tới phòng giam”. Quản lý nhà tù kém, thiếu thận trọng, quá đông đúc tù nhân không chỉ cho phép tuyển dụng tay súng cực đoan tới tận các phòng giam, mà còn tạo điều kiện cho việc phối hợp các hoạt động khủng bố được thực hiện thông qua các mạng xã hội do các tù nhân có thể dễ dàng sử dụng các điện thoại thông minh kết nối internet ngay trong trại giam.

Chương trình chống cực đoan của Indonesia cũng đạt những thành công rất hạn chế. Giáo sĩ và các cựu chiến binh đều tham gia chống lại những tuyên truyền và giáo huấn thần học cực đoan nhưng không có nhiều thành công.

Sidney Jones, Giám đốc của Viện Nghiên cứu Chính sách và Xung đột, lưu ý rằng việc theo dõi hàng chục kẻ khủng bố bị kết án được thả ra mỗi năm là nhu cầu cấp bách của các cơ quan nhà nước, họ cần ngăn chặn các mạng lưới ISIS tuyển dụng những người này vào đội ngũ chiến binh. Những người theo chủ nghĩa thánh chiến được thả ra mỗi năm, với rất ít cơ hội kinh tế và kỹ năng hạn chế thường sẽ trở lại với cộng đồng tôn giáo của họ, nơi họ có thể tiếp xúc với những tư tưởng đấu tranh cực đoan.

Hợp tác song phương, khu vực, quốc tế và chia sẻ thông tin tình báo là điều tối quan trọng để duy trì an ninh chung. Không phải tất cả các vụ khủng bố đều có thể được ngăn chặn nhưng cách tiếp cận của Indonesia với sự kết hợp các phương pháp và các biện pháp đã được kiểm nghiệm là hợp lý. Sử dụng cơ sở dữ liệu và mạng truyền thông an toàn của INTERPOL cũng có thể giúp nâng cao năng lực quốc gia và khu vực.

Mặc dù đã có nhiều văn bản và cuộc thảo luận ủng hộ phải chống lại các lời lẽ tuyên truyền và tin nhắn của ISIS ở Indonesia, nhưng cần chú ý rằng không nên quá đặt tâm và quá nhấn mạnh đến phương pháp này. Cho dù việc giải quyết những mối quan tâm này là quan trọng và hợp pháp, nhưng do phần lớn các cuộc tuyển dụng chiến binh mà ISIS thực hiện được tiến hành trong không gian truyền thông xã hội, nên điều này ở Indonesia là cực kỳ phức tạp. Không giống như ở Malaysia, nơi mà lý thánh chiến  cực đoan của IS là điểm thu hút lớn nhất đối với người trẻ, người Indonesia bị chi phối bởi nhiều những điều khác như cảm giác bị loại trừ, mạng lưới quan hệ họ hàng, các nhóm đối địch, các mối quan tâm về tài chính và thực tiễn khác, điều đó làm cho môi trường tuyển dụng chiến binh cực đoan tại Indonesia  trở nên phức tạp hơn và nó phá vỡ bất kỳ một cách tiếp cận có tính dự kiến trước nào. Bất kỳ việc tập trung vào chống lại tuyên truyền cực đoan phải nhắm đến mục đích lớn hơn là chỉ chú trọng vào sự thu hút ý thức hệ của  IS.

Theo tạp chí The Diplomat

Minh Tâm dịch