Theo SCMP đưa tin hôm 5/5, công ty dược phẩm quốc doanh Indonesia là Kimia Farma đang đối mặt với vụ kiện sau khi hãng này bị phát hiện tái sử dụng tăm bông để xét nghiệm virus corona cho hàng nghìn người.

Embed from Getty Images

Tuần trước, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ 5 công nhân tại Kimia Farma, bao gồm cả giám đốc kinh doanh Medan, người bị buộc tội đã rửa và đóng gói lại tăm bông đã qua sử dụng tại văn phòng chính của công ty, sau đó đưa những gói tăm này đến Sân bay Quốc tế Kualanamu và dùng chúng để xét nghiệm cho du khách.

Theo quy định của Indonesia, hành khách bắt buộc phải xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi lên máy bay. Do vậy, nhiều hành khách đã chọn làm thủ tục tại sân bay thay vì bệnh viện hoặc phòng khám địa phương để tiết kiệm thời gian.

Sân bay Kualanamu đã phối hợp với hãng Kimia Farma, một nhà sản xuất và phân phối dược phẩm lớn của đất nước, để cung cấp dịch vụ xét nghiệm nhanh COVID-19. 

Cảnh sát địa phương cho biết, cáo buộc về gian dối được đưa ra ánh sáng khi một sĩ quan cảnh sát chìm thực hiện việc xét nghiệm tại Sân bay Quốc tế Kualanamu và sau đó nhận được kết quả dương tính giả. Viên chức này trước đó đã xét nghiệm âm tính với virus corona.

Hai hành khách thường xuyên đi qua lại sân bay Kualanamu là luật sư nhân quyền Ranto Sibarani và Kamal Pane, cho biết họ đã bay đến Jakarta từ Medan hầu như mỗi tuần từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 2 năm 2021 để tham dự các phiên điều trần tại Tòa án Tối cao Jakarta.

Sibarani nói rằng ông đã phải thực hiện hơn 10 lần xét nghiệm trong khoảng thời gian đó, và ngay từ đầu ông đã cảm thấy có gì đó không ổn. 

“Đó là một trải nghiệm tồi tệ vì họ đã chọc tăm bông vào mũi quá sâu và ngoáy mũi của tôi nhiều lần, đến mức tôi phàn nàn rằng quy trình này không được tiến hành một cách chuyên nghiệp,” ông nói.

“Bây giờ, tôi nghi ngờ lý do phải ngoáy mũi nhiều lần và chọc sâu như vậy là vì họ đã dùng tăm bông đã qua sử dụng đã được rửa lại khiến quy trình này trở nên khó khăn hơn,” ông nói. “Tôi cảm thấy rằng tôi là nạn nhân của một hành vi lừa đảo nghiêm trọng và tôi đã bị xâm phạm thông qua mũi của mình.”

Hai luật sư Sibarani và Pane đang lên kế hoạch yêu cầu hãng Kimia Farma phải bồi thường thiệt hại 1 tỷ rupiah (69.000 USD) cho mỗi hành khách bị ảnh hưởng và đang tổng hợp những tố cáo của các nạn nhân khác nhằm khởi động một vụ kiện dân sự tập thể.

Cảnh sát trưởng Medan, RZ Panca Putra Simanjuntak, nói với các phóng viên rằng hơn 9.000 hành khách có thể đã bị ảnh hưởng bởi bộ dụng cụ kiểm tra nhanh tái chế này. Khoảng 100 đến 200 hành khách đã được xét nghiệm mỗi ngày tại sân bay, một số với bộ dụng cụ mới và những người khác với bộ được tái sử dụng.

Theo Simanjuntak, động cơ của kế hoạch này là lợi ích tài chính, vì Kimia Farma đang tính phí 200.000 rupiah (14 đô la Mỹ) cho mỗi lần xét nghiệm.

Simanjuntak cho biết các nhân viên của Kimia Farma có thể đã bỏ túi tới 1,8 tỷ rupiah (tương đương 125.000 USD) kể từ giữa tháng 12, đồng thời cho biết thêm rằng nhà chức trách đã thu giữ hơn 149 triệu rupiah (10.000 USD) tiền mặt trong vụ bắt giữ. Ông nói thêm rằng cảnh sát đang theo dõi xem có hành khách nào bị nhiễm bệnh do tăm bông tái sử dụng hay không.

Một quan chức sân bay giấu tên nói rằng các nhân viên sân bay hoàn toàn không biết về việc lừa đảo này và mọi người đều sốc. 

“Chúng tôi không biết chuyện này lại xảy ra và không thể tin được là có người lại làm điều như vậy,” ông nói. “Các hãng hàng không đã tin tưởng sân bay Kualanamu để tạo điều kiện cho các cuộc xét nghiệm này, nhưng sự cố này nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi.”

Quan chức này cho biết thêm rằng các hoạt động của sân bay vẫn diễn ra bình thường sau khi có tin tức về vụ tai tiếng, và trung tâm xét nghiệm Kimia Farma tại sân bay đã bị cảnh sát đóng cửa và niêm phong.

“Chúng tôi hiện đang làm việc với đơn vị khác để cung cấp việc xét nghiệm nhanh,” ông nói. “Hy vọng rằng vụ án này sẽ nhanh chóng được giải quyết và cảnh sát sẽ tìm ra ai là thủ phạm chính đứng sau nó.”

Indonesia đã báo cáo gần 1,7 triệu ca nhiễm virus Vũ Hán kể từ khi đại dịch bắt đầu và hơn 45.000 trường hợp tử vong. Theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia, trong khi xét nghiệm tại các sân bay là bắt buộc, thì việc xét nghiệm công khai và truy tìm tiếp xúc còn rất hạn chế. Hiện chỉ khoảng dưới 10 triệu người đã được xét nghiệm trong tổng số 260 triệu dân.

Theo luật y tế của Indonesia, các nghi phạm có thể bị bỏ tù tới 10 năm nếu bị kết tội. Luật sư Sibarani cho biết theo luật doanh nghiệp Indonesia, Kimia Farma cũng phải chịu trách nhiệm cuối cùng về các hành động của công nhân.

“Thật sự là một cơn ác mộng khi biết rằng một công ty lớn như Kimia Farma có thể cho phép điều này xảy ra, nhưng các công ty dược phẩm trên toàn thế giới luôn chỉ chăm chăm nghĩ đến tiền và không có gì khác,” ông nhận xét.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: