Hải quân Indonesia đang tích cực tìm kiếm một chiếc tàu ngầm bị mất tích với 53 thủy thủ trên tàu, ông Hadi Tjahjanto, người đứng đầu quân đội nước này cho biết hôm thứ Tư (21/4).

Embed from Getty Images

Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết một vết dầu loang đã được tìm thấy gần vị trí con tàu lặn lúc 7h sáng và hai tàu hải quân đã được triển khai để hỗ trợ tìm kiếm.

Phát ngôn viên Thứ nhất, Đô đốc Julius Widjojono cho biết, tàu ngầm KRI Nanggala 402 đang tham gia một cuộc diễn tập phóng ngư lôi ở vùng biển phía bắc Bali và sau đó mất liên lạc.

Ông Tjahjanto nói: “Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm ở vùng biển Bali, cách Bali 96km, cùng 53 người.”

Bộ cho biết tổng cộng 49 thành viên thủy thủ đoàn, một chỉ huy tàu và ba chuyên gia vũ khí đã có mặt trên tàu ngầm.

Trước đó, chiếc tàu ngầm đã xin phép lặn lúc 3 giờ sáng thứ Tư (21/4), sau đó liên lạc với tàu đã bị mất vào lúc 4h30 sáng.

“Sau khi được cấp phép lặn theo thủ tục, tàu bị mất liên lạc, không liên lạc được nữa”, Bộ Quốc phòng cho biết. “Một cuộc tìm kiếm đã được tiến hành bởi các tàu khác có liên quan đến Lực lượng Đặc nhiệm tập trận.”

Bốn giờ sau, một vết dầu loang được tìm thấy tại vị trí bắt đầu lặn thông qua giám sát trên không.

“Có thể trong quá trình lặn tĩnh, xảy ra mất điện nên mất quyền điều khiển và không thể tiến hành các thủ tục khẩn cấp và con tàu rơi xuống độ sâu 600-700m”, Hải quân Indonesia cho biết trong một thông cáo.

Một quan chức cho biết, tàu ngầm được chế tạo để duy trì áp suất ở độ sâu tối đa khoảng 250m.

Hải quân cho biết, vết dầu loang trên bề mặt cũng có thể có nghĩa là thùng nhiên liệu của nó bị hư hại hoặc cũng có thể là tín hiệu từ thủy thủ đoàn.

Người đứng đầu quân đội sẽ tổ chức một cuộc họp báo với giới truyền thông để chia sẻ thêm thông tin về cuộc tìm kiếm vào thứ Năm từ Bali, một phát ngôn viên cho biết.

Nhà phân tích quân sự Soleman Ponto cho biết còn quá sớm để xác định số phận của tàu ngầm.

“Chúng tôi vẫn chưa biết liệu thiết bị liên lạc đã bị hỏng hay tàu ngầm bị chìm. Chúng tôi phải đợi ít nhất ba ngày”, ông nói.

Một số quốc gia đã phản hồi và “sẵn sàng cung cấp hỗ trợ”, bao gồm Singapore, Úc và Ấn Độ.

Theo thông tin trên một trang web của TNI (lực lượng vũ trang quốc gia Indonesia), tàu ngầm này được đóng tại Đức vào năm 1981. Con tàu đã trải qua quá trình tái trang bị kéo dài hai năm tại Hàn Quốc và hoàn thành vào năm 2012.

Indonesia trong quá khứ đã vận hành một hạm đội 12 tàu ngầm mua từ Liên Xô để tuần tra vùng biển thuộc quần đảo rộng lớn của mình.

Tuy nhiên, hiện nay nước này chỉ có một hạm đội 5 chiếc, bao gồm 2 tàu ngầm Type 209 do Đức chế tạo và 3 tàu mới hơn của Hàn Quốc.

Indonesia đã và đang tìm cách nâng cấp khả năng quốc phòng nhưng một số thiết bị của nước này vẫn còn được sử dụng đã cũ và đã xảy ra những vụ tai nạn chết người liên quan đến các máy bay vận tải quân sự cũ kỹ trong những năm gần đây.

Xuân Lan (theo CNA)

Xem thêm: