Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm thứ Tư (18/10) đã nói rằng Tehran sẽ gắn kết với Thỏa thuận hạt nhân 2015 cùng các siêu cường thế giới chừng nào các bên cùng ký kết khác tôn trọng văn bản này, nhưng nếu Hoa Kỳ rút lui, Iran cũng sẽ “xé luôn” thỏa thuận.

Embed from Getty Images

Ông Ayatollah Ali Khamenei mới là người có quyền lực tối cao tại Iran chứ không phải Tổng thống Hassan Rouhani

Reuters cho hay phát biểu nêu trên của ông Khamenei được truyền hình nhà nước Iran đưa tin hôm thứ Tư (18/10), năm ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từ chối phê duyệt nhà nước Cộng hòa Hồi giáo tuân thủ Thỏa thuận hạt nhân 2015 và tuyên bố có thể đơn phương chấm dứt thỏa thuận.

>>Ông Trump dọa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran

Tôi không muốn phí thời gian của mình để trả lời những ngôn luận rỗng tuếch của vị tổng thống Mỹ tàn ác”, Truyền hình nhà nước Iran trích dẫn phát biểu của ông Khamenei trước các sinh viên tại thủ đô Tehran.

Ông Khamenei nhấn mạnh thêm rằng: “Chúng ta không nên bị đánh lạc hướng về sự lừa dối của Mỹ bởi sự xuẩn ngốc của ông Trump…Nếu Hoa Kỳ vứt bỏ thỏa thuận này, chúng ta cũng sẽ xé nát nó…Mọi người nên biết rằng khi đó Mỹ một lần nữa sẽ nhận một cái tát vào mặt và sẽ bị người Iran đánh bại”.

Động thái cứng rắn của ông Trump với Iran cũng đưa nước Mỹ đi ngược lại quan điểm của các đối tác khác về thỏa thuận hạt nhân Iran. Cả Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu đều nói rằng Washington không thể đơn phương hủy bỏ một hiệp định quốc tế đa phương đã được Liên Hiệp Quốc bảo trợ.

Lãnh đạo tối cao Khamenei, là người có tiếng nói cuối cùng về các vấn đề của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran chứ không phải Tổng thống Hassan Rouhani, đã hoan nghênh sự ủng hộ của Châu Âu, nhưng nói thêm rằng chừng đó là chưa đủ.

Các nước Châu Âu nhấn mạnh sự ủng hộ của họ với thỏa thuận này và lên án ông Trump…Chúng tôi hoan nghênh điều đó, nhưng như vậy là chưa đủ để yêu cầu ông Trump không được phá hỏng  thỏa thuận. Châu Âu cần chống lại các biện pháp thực tế do Mỹ thực hiện”. Reuters dẫn lời ông Khamenei.

Theo thỏa thuận hạt nhân, Iran đã đồng ý kiềm chế chương trình làm giàu uranium gây tranh cãi của mình để đổi lại được dỡ bỏ các chế tài quốc tế khiến kinh tế nước này tê liệt. Kể từ sau đó, các giám sát viên hạt nhân của Liên Hiệp Quốc đều xác nhận Tehran tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận 2015.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump cáo buộc Iran đang hỗ trợ khủng bố và cho rằng thoả thuận 2015 đầy sơ hở, không đủ để ngăn chặn tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Tehran. Iran nói rằng họ không mưu cầu vũ khí hạt nhân và quay lại cáo buộc các chính sách của Hoa Kỳ và đồng minh đã làm cho các nhóm chiến binh thánh chiến như IS phát triển mạnh tại Trung Đông.

Sau khi ông Trump từ chối phê duyệt Iran tuân thủ thỏa thuận, “quả bóng” hạt nhân Tehran đã được đá sang Quốc hội Mỹ và cơ quan lập pháp Hoa Kỳ sẽ có 60 ngày để đưa ra quyết định liệu có tái áp đặt các chế tài kinh tế đối với Iran hay không.

Những người ủng hộ thỏa thuận này lo ngại rằng quyết định vừa qua của ông Trump cuối cùng sẽ dẫn tới thỏa thuận bị phá vỡ, từ đó gây căng thẳng hơn trong cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, nơi mà Iran – theo Hồi giáo Shia trước nay vẫn đang tham gia vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm kéo dài hàng thập kỷ chống lại đồng minh của Mỹ là Ả-rập Saudi – theo Hồi giáo Sunni.

Các nhà phân tích quốc tế cũng nhận định nếu Thỏa thuận hạt nhân 2015 thất bại, những lãnh đạo Iran có xu hướng chống đối phương Tây mạnh mẽ sẽ giành quyền lực trong cuộc phản đối kịch liệt chống lại Tổng thống Hassan Rouhani –  người cùng với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama được coi là những kiến trúc sư chính của thỏa thuận hạt nhân nhằm giúp chấm dứt sự cô lập về chính trị và kinh tế của Iran.

Yên Sơn

Xem thêm: