Theo hãng tin Reuters hôm 27/3, các Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Iran đã ký một thỏa thuận hợp tác 25 năm mang tính bước ngoặt vào hôm thứ Bảy.

Embed from Getty Images

“Quan hệ giữa hai nước hiện đã đạt đến cấp độ đối tác chiến lược và Trung Quốc đang tìm cách cải thiện toàn diện quan hệ với Iran”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị được truyền thông nhà nước Iran dẫn lời nói với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif.

“Quan hệ của chúng tôi với Iran sẽ không bị ảnh hưởng bởi tình hình hiện tại, mà sẽ lâu dài và mang tính chiến lược”, ông Vương nói trước buổi lễ ký kết trên truyền hình.

Ông nói: “Iran [có quyền] độc lập quyết định về quan hệ của mình với các quốc gia khác, không giống như một số quốc gia thay đổi quan điểm của họ chỉ bằng một cuộc điện thoại.”

Ngoại trưởng Trung Quốc đã gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước khi ký kết thỏa thuận ở Tehran. Thỏa thuận này dự kiến ​​bao gồm các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực chính như năng lượng và cơ sở hạ tầng ở Iran.

Ông Rouhani đánh giá cao sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Tehran với các cường quốc thế giới và kêu gọi Bắc Kinh xuất khẩu nhiều vắc-xin ngừa virus corona hơn sang Iran, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch ở Trung Đông.

“Chúng ta cần tăng cường hợp tác giữa hai nước về vắc-xin virus corona, và chúng tôi muốn được cung cấp thêm vắc-xin từ Trung Quốc,” ông Rouhani nói.

Hiện tại, chính quyền Biden đang tìm cách nối lại các cuộc đàm phán với Iran liên quan đến thỏa thuận hạt nhân đã bị cựu Tổng thống Donald Trump từ bỏ vào năm 2018. Tuy vậy, Tehan nói rằng họ sẽ không ngồi vào bàn đàm phán nếu các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt chưa được dỡ bỏ. 

“Dưới thời chính quyền mới, người Mỹ muốn xem xét lại chính sách của họ và quay trở lại Thỏa thuận hạt nhân, và Trung Quốc hoan nghênh động thái của họ”, ông Vương Nghị nói. “Chúng tôi sẽ cung cấp nhiều vắc-xin corona hơn cho Iran và Iran là ưu tiên của chúng tôi đối với vắc-xin này.”

Đến nay, vắc-xin ngừa COVID-19 do Trung Quốc sản xuất được báo cáo có hiệu quả thấp và đã gây ra hàng chục ca tử vong, chủ yếu cho những người tiêm ở Đại lục và Hồng Kông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết thỏa thuận hợp tác giữa Iran và Trung Quốc là một “lộ trình” cho hợp tác thương mại, kinh tế và vận tải, với “sự tập trung đặc biệt vào các lĩnh vực tư nhân của hai bên”.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là đồng minh lâu đời của Iran. Vào năm 2016, Bắc Kinh đã đồng ý thúc đẩy thương mại song phương tăng hơn 10 lần lên 600 tỷ USD trong một thập kỷ.

Hôm thứ Năm, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ cố gắng bảo vệ Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và bảo vệ lợi ích hợp pháp của quan hệ Trung Quốc – Iran.

Từ hôm thứ Tư, ông Vương Nghị đã bắt đầu chuyến công du kéo dài một tuần tới Trung Đông, nơi ông được cho là sẽ tìm cách mở rộng liên minh trước các lệnh trừng phạt liên quan đến nhân quyền ở Tân Cương từ các nước phương Tây.

Các quốc gia trên hành trình của ông Vương gồm Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain và Oman.

Theo Hua Liming, cựu đại sứ Trung Quốc tại Iran, Bộ trưởng Ngoại giao sẽ hướng tới mục tiêu “mở rộng vòng tròn bạn bè của Trung Quốc và nâng cấp quan hệ với các nước này”.

“Trung Quốc muốn gửi một thông điệp rõ ràng tới Mỹ rằng họ vẫn là bên đóng vai trò quan trọng trong vấn đề hạt nhân Iran và [thế giới] sẽ không thể tìm ra giải pháp … nếu không có sự tham gia của Trung Quốc”, ông Hua nói.

Chuyến đi diễn ra ngay sau khi Vương Nghị và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì có cuộc trao đổi áp đảo trước Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan ở Alaska.

Ông Vương là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc tới Iran kể từ chuyến công du năm 2016 của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa các đồng minh phương Tây và Bắc Kinh leo thang sau khi Mỹ, Liên minh châu Âu, Canada và Anh áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc vì lạm dụng người dân tộc thiểu số ở Tân Cương. Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách áp đặt lại các lệnh trừng phạt với các quan chức EU.

“Trung Quốc có thể tìm kiếm một mặt trận thống nhất chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây với các quốc gia có mức độ bất mãn giống nhau,” Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, nhận định. Hôm thứ Ba, ông Vương đã đồng ý với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov rằng hai bên sẽ hợp tác “cùng nhau chống lại các lệnh trừng phạt”.

Ông Vương cũng có thể sử dụng chuyến đi để “thưởng” cho các nước trong khu vực [Trung Đông] đã ủng hộ các chính sách Tân Cương của Bắc Kinh, theo cựu đại sứ Hua. Ông cho biết Trung Quốc “đánh giá cao” sự hậu thuẫn của họ khi bị các nước phương Tây tấn công và coi chuyến đi của Vương là một “cơ hội tốt để thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn”.

Xuân Lan (tổng hợp)

Xem thêm: