Cơ quan tư pháp Iran đã kết án tử hình thêm ba người biểu tình chống chính phủ với tội danh “gây chiến với Chúa”, hãng thông tấn Mizan của nước này đưa tin hôm 9/1, bất chấp sự chỉ trích ngày càng tăng của quốc tế về cuộc đàn áp khốc liệt nhằm vào người biểu tình tại nước này.

 

Trước đó, Iran đã treo cổ hai người đàn ông khác hôm 7/1 trong nỗ lực dập tắt các cuộc biểu tình. Một trong số họ là nhà vô địch karate giành được nhiều danh hiệu quốc gia.

Hãng thông tấn Mizan cho hay, Saleh Mirhashemi, Majid Kazemi và Saeid Yaghoubi, những nạn nhân bị kết tội giết các thành viên của lực lượng dân quân Basij tình nguyện trong các cuộc biểu tình chống chính phủ ở thành phố miền Trung Isfahan, có thể kháng cáo bản án của họ.

Lực lượng Basij, liên kết với Lực lượng Vệ binh Cách mạng ưu tú, đã đi đầu trong cuộc đàn áp của nhà nước nhằm vào các cuộc biểu tình sau cái chết của cô Mahsa Amini 22 tuổi khi đang bị cảnh sát đạo đức Iran giam giữ vào ngày 16/9 năm ngoái.

Đức Giáo hoàng Phanxicô hôm 8/1 đã lên án Iran vì sử dụng án tử hình đối với những người biểu tình yêu cầu sự tôn trọng hơn đối với phụ nữ.

“Quyền sống cũng bị đe dọa ở những nơi mà án tử hình vẫn tiếp tục được áp dụng, như trường hợp diễn ra những ngày gần đây tại Iran, sau các cuộc biểu tình yêu cầu sự tôn trọng hơn đối với phẩm giá của phụ nữ,” Đức Phanxicô bày tỏ.

Cùng ngày 9/1, Lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei đã báo hiệu, chính quyền không có ý định thay đổi lập trường của mình, đồng thời nhấn mạnh trong một bài phát biểu trên truyền hình rằng những người biểu tình đã “phạm tội phản quốc”. Theo luật Hồi giáo của Iran, tội phản quốc sẽ bị trừng phạt bằng cái chết. 

Các nhà hoạt động nhân quyền coi việc hành quyết, bắt giữ và kết án khắc nghiệt những người biểu tình của Iran là một nỗ lực nhằm đe dọa những người biểu tình và gây ra nỗi sợ hãi trong dân chúng để chấm dứt tình trạng bất ổn.

Bất chấp việc chính quyền tăng cường đàn áp, các cuộc biểu tình quy mô nhỏ vẫn diễn ra ở Tehran, Isfahan và một số thành phố khác.

Theo cơ quan tư pháp, ít nhất bốn người đã bị treo cổ kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu, trong đó có hai người hôm 7/1 vì cáo buộc giết một thành viên của Basij.

Tháng trước, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, chính quyền Iran đang dự tính kết án tử hình cho ít nhất 26 người khác.

Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đã mạnh mẽ lên án việc Iran sử dụng án tử hình đối với người biểu tình.

Về hành quyết người biểu tình mới nhất của Iran, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm 9/1 nhận định, “một chế độ sát hại thanh niên của chính mình để đe dọa người dân sẽ không có tương lai”.

Trong khi đó, nước Cộng hòa Hồi giáo, vốn đổ lỗi tình trạng bất ổn cho các kẻ thù nước ngoài bao gồm cả Hoa Kỳ, lại cho rằng việc đàn áp các cuộc biểu tình là bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Minh Ngọc (Theo Reuters)