Truyền thông nhà nước Iran tuyên bố nước này hôm thứ Năm (25/5) đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm xa 2000 km.

Iran hiện là một trong những nước có chương trình tên lửa lớn nhất tại Trung Đông. Họ cho biết tên lửa vừa thử nghiệm có khả năng vươn tới Israel và các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực.

Bất chấp sự phản đối của Mỹ và các quốc gia châu Âu, Iran nói rằng họ sẽ phát triển hơn nữa chương trình tên lửa “phòng thủ”.

Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mohammadreza Ashtiani cho hay: “Thông điệp của chúng tôi gửi tới các kẻ thù của Iran là rằng chúng tôi sẽ bảo vệ đất nước và những thành tựu của mình. Thông điệp của chúng tôi gửi tới các bạn hữu là rằng chúng tôi muốn giúp ổn định khu vực”.

Truyền hình nhà nước Iran cho biết tên lửa vừa thử thành công là phiên bản nâng cấp của tên lửa đạn đạo Khoramshahr 4 có tầm xa 2000 km và có thể mang theo đầu đạn nặng 1.500 kg.

Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA nói rằng tên lửa vừa được thử thành công được gọi là Kheibar, đặt theo tên một tòa lâu đài Do Thái bị các chiến binh Hồi giáo tàn phá trong những ngày đầu của Hồi giáo.

Israel coi Iran là kẻ thù hiện hữu. Trong khi Iran cũng không công nhận nhà nước Do Thái. Iran nói tên lửa đạn đạo của họ là lực lượng răn đe và đáp trả quan trọng chống lại Mỹ, Israel và những kẻ thù tiềm tàng khác trong khu vực.

Hôm thứ Ba (23/5), một vị tướng hàng đầu Israel đã dấy lên viễn cảnh về “hành động” chống lại Iran khi nỗ lực của 6 cường quốc thế giới nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Tehran 2015 đã bị đình trệ từ tháng Chín năm ngoái trong bối cảnh phương Tây ngày càng lo ngại Iran tăng tốc các tiến bộ hạt nhân.

Thỏa thuận hạt nhân Tehran 2015 đặt ra các giới hạn về các hoạt động hạt nhân của Iran, từ đó làm gia tăng thời gian Tehran sẽ cần có để sản xuất vật liệu phân hạch được dùng cho bom hạt nhân. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận Tehran 2015 và tăng cường áp chế tài lên Iran vì cho rằng thỏa thuận đó quá ưu ái Cộng hòa Hồi giáo.

Iran trước nay luôn công khai khẳng định rằng họ không theo đuổi sở hữu vũ khí hạt nhân.