Bạo lực bùng phát tại Jerusalem là một cuộc khủng hoảng, một “bài thử lớn” cho chính sách đối ngoại của chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đồng thời, xung đột này có thể lại được nhiều cường quốc khu vực Trung Đông chào đón, Washington Examiner dẫn nhận định của các nhà phân tích và quan ngại của các nhà quan sát thuộc chính phủ Mỹ.

Embed from Getty Images

Chúng ta đang ở trong một nơi mới mà cuộc leo thang đã đang diễn ra, một nơi mà chúng ta chưa từng thấy trong nhiều năm qua”, một trợ lý giấu tên của một Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ nói trong bối cảnh có nhiều báo cáo về hàng loạt các cuộc tấn công rocket của các nhóm khủng bố người Palestine và các vụ không kích đáp trả từ Israel. “Đó rõ ràng là một bài thử lớn cho chính quyền [Biden]”.

Các cuộc đụng độ chết chóc bắt đầu khi Israel xua đuổi nhiều gia đình Palestine, sau đó phá hủy nhà của họ tại Đông Jerusalem, nơi nhà nước Do Thái tuyên bố chủ quyền; sau khi căng thẳng tăng lên, lực lượng an ninh Israel đã hành động quyết liệt bên trong một thánh đường thiêng liêng của người Hồi giáo, dẫn tới bạo lực từ phía bên kia. Hỗn loạn sau đó đã xảy ra với thương vong cho cả hai bên và chưa có dấu hiệu của tiến trình hòa bình.

Cuộc khủng hoảng này nổ ra khi Thủ tướng Israrel Benjamin Netanyahu và các lãnh đạo Palestine đều đang phải đối mặt với những cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ cam go. Những cuộc cạnh tranh quyền lực đó có thể thúc đẩy giá trị chính trị của cuộc xung đột Israel – Palestine cho cả hai bên.

Những đối thủ nội địa của ông Netanyahu đang chạy đua để thành lập chính phủ, với sự giúp đỡ của các nhà lập pháp người Israel gốc Ả Rập. Nỗ lực này sẽ dẫn tới lật đổ vị thủ tướng cầm quyền lâu năm nhất tại Israel. Trong khi, vài ngày trước đó, Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas đã ra lệnh hủy các cuộc bầu cử quốc hội. Động thái này của ông Mahmoud Abbas được nhìn nhận rộng rãi là nỗ lực để làm đứt mạch sự thành công được dự báo của các đối thủ chính trị của ông Abbas, những nhà lãnh đạo của nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas.

Rõ ràng có một kịch bản của ông Netanyahu ở đây, rõ ràng ông Netanyahu muốn là người mạnh mẽ, muốn là một lãnh đạo mạnh mẽ, và tôi lo lắng rằng điều đó có thể khiến mọi thứ sẽ xáo động hơn, chứ không giảm đi, bởi vì tình huống chính trị của chính ông ta”, vị trợ lý của Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ nói. “Nhưng, hãy nhìn xem, tôi nghĩ người Palestine cũng trong tình thế tương tự. Ông Abbas đã hủy các cuộc bầu cử. Vậy nên, có nhiều căng thẳng, nhiều căng thẳng chính trị”.

Hamas đã báo trước cuộc đụng độ này khi ông Abbas đổ lỗi cho Israel về các cuộc bầu cử bị hủy. Hamas thề rằng Israel sẽ “phải trả giá”. Những động lực chính trị này đã bị làm trầm trọng thêm bởi các vụ va chạm tại Núi Đền, vào thời điểm mà tháng ăn chay Ramadan thường niên của người Hồi giáo sắp kết thúc – một hoạt động tôn giáo làm nổi bật các khía cạnh tranh chấp lâu đời tại Đông Jerusalem.

Có một cảm giác rằng cuộc xung đột này là hữu ích cho những lợi ích chính trị của ông Netanyahu. Các nhà lãnh đạo của hai đảng đối lập chính tại Israel vào hôm Chủ Nhật (9/5) đã nhóm họp với lãnh đạo Đảng Ra’am Hồi giáo Mansour Abbas trong một nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực, từ đó đảm bảo cho các đảng này thành lập được chính phủ đa số và loại bỏ ông Netanyahu khỏi nhiệm sở. Nhưng ông Mansour Abbas đã hủy một cuộc gặp tiếp theo mà họ đã lên lịch diễn ra vào thứ Hai (10/5).

Cho đến khi bạo lực chấm dứt, các cuộc đàm phán sẽ không được nối lại, ngay cả khi nó sẽ kéo dài nhiều tuần, các quan chức của ông Ra’am nói”, theo Jerusalem Post.

Những vấn đề chính trị cấp bách này có thể trở nên trầm trọng hơn thông qua ảnh hưởng từ các nhân tố bên ngoài, chẳng hạn như Iran – nước từ lâu đã ủng hộ các nhóm khủng bố người Palestine, ngoài ra còn có một trong những đồng minh bướng bỉnh của Mỹ nhưng có ảnh hưởng nhất trong khu vực này: Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù những Hiệp định Abraham được ký kết gần đây dưới thời Tổng thống Donald Trump đã đang phản ánh các mối quan hệ ngày càng cải thiện giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập Vùng Vịnh quan trọng, nhưng tranh chấp Israel – Palestine vẫn chưa được giải quyết và cả Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều đã viện dẫn tranh chấp này khi họ lên án các Hiệp định Abraham năm ngoái.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm thứ Bảy (8/5) đã chỉ trích Israel là “nhà nước khủng bố tàn ác”, và năm ngoái ông này đã nói rằng “Jerusalem là thành phố của chúng tôi”, nhằm nỗ lực gắn mối liên hệ của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay với Đế chế Ottoman cũ.

Nhà phân tích Aykan Erdemir của Quỹ Bảo vệ Các nền Dân chủ và cũng là cựu nhà lập pháp đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ nói với Washington Examiner rằng: “Vào thời điểm khi mà uy tín của ông ta đã đang bị va đập mạnh do Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng rơi vào chủ nghĩa chuyên chế toàn trị và khủng hoảng kinh tế, thì ông Erdogan cảm thấy nhu cầu ngày càng tăng của việc phải tham gia vào những tranh cãi với những người đồng cấp Israel. Những tranh cãi ngoại giao như vậy không chỉ chuyển sự chú ý của công chúng Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi các cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và sức khỏe cộng đồng trong nước mà nó cũng cải thiện uy tín đang suy yếu của ông Erdogan tại các quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo”.

Iran có thể có vai trò trực tiếp hơn trong cuộc khủng hoảng tại Trung Đông hiện nay.

Ông Seth Frantzman, Giám đốc điều hành tại Trung Tâm Báo cáo và Phân tích Trung Đông hôm thứ Ba (11/5) viết bài trên Jerusalem Post cho biết: “Nhà lãnh đạo Hossein Salami của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tuần trước đã cảnh báo rằng Israel là quốc gia dễ bị tổn thương trước một chiến dịch tấn công chiến thuật quy mô lớn bởi vì đất nước này quá nhỏ. Hamas đang tập trung vào tốc độ tấn công và động thái này có thể là điều đang được Iran quan sát hoặc thậm chí là định hướng. Điều này có thể là vì thực tế rằng nhóm Hezbollah [tại Li Băng do Iran hậu thuẫn] muốn biết Israel sẽ ra sao khi nước này phải đối mặt với số lượng lớn hỏa lực rocket”.

Vị trí trung tâm của Hamas trong cuộc xung đột hiện nay có thể làm nổi bật Qatar. Qatar là nơi Mỹ đặt một căn cứ quân sự lớn, nhưng họ vẫn có quan hệ nồng ấm với cả Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, đến mức mà khiến các đạo hữu Ả Rập khác của họ phải khó chịu.

Các quan chức Qatar từ lâu đã tạo dựng được ảnh hưởng đối với các lãnh đạo Hamas, một trong những vị này đang sống tại Qatar và được cho là đã nói chuyện với Tổng thổng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vào tuần trước.

Lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh được cho là đã tuyên bố rằng: “Quyết định của chúng tôi và quyết định của người dân Palestine là nhằm bảo vệ Thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa và Jerusalem. Đây không phải chỉ là trận chiến riêng của cư dân Jerusalem, mà là trận chiến của tất cả người dân Palestine và tất cả người Hồi giáo”.

Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã đang kêu gọi cả Israel và Hamas kiềm chế và chấm dứt leo thang xung đột. Chiến dịch vận động hành lang của Mỹ thậm chí có thể mở rộng tới Qatar.

Vị trợ lý Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ nói: “Người Qatar đã có vai trò lâu đời tại Gaza, vậy nên đó là nơi chúng ta luôn luôn nhìn thấy đòn bẩy truyền thống, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ là một bên có lợi ích thực sự ở đây. [Xung đột này] không chỉ đơn thuần là giữa Israel và Palestine… Có nhiều động lực [chính trị] ở đây”.

Như Ngọc (Theo Washington Examiner)

Xem thêm: