Giữa làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn cầu, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã phản biện lại việc nhắm mục tiêu vào một tòa nhà văn phòng ở Dải Gaza, nơi có các cơ quan truyền thông quốc tế như AP, Al Jazeera. IDF cho rằng mục đích chính của tòa nhà này không phải là báo chí mà để phục vụ như một trụ sở cho phong trào Hamas và các phe phái Palestine khác.

Hôm thứ Bảy (15/5), IDF đã cảnh báo những người làm việc tại tòa Tháp Al-Jalaa ở Dải Gaza rằng một cuộc không kích sắp xảy ra. Thông báo của Israel đã khiến những người đang ở trong tòa nhà, bao gồm cả nhân viên từ các hãng tin lớn như Associated Press và Al Jazeera phải vội vàng sơ tán. 

Chưa đầy một giờ sau, tòa nhà 12 tầng đã biến thành đống đổ nát.

IDF tuyên bố tòa nhà “chứa chấp tài sản quân sự thuộc về tình báo quân sự của Hamas”, do đó tòa Al-Jalaa trở thành mục tiêu hợp pháp. 

Cuộc xung đột tiếp tục diễn ra căng thẳng từ hồi đầu tuần, khi Hamas đã bắn ước tính gần 3.000 quả rocket nhằm vào Israel trong khi IDF đáp trả lại bằng các màn công kích Dải Gaza từ trên không, trên bộ và trên biển.

Trong cuộc họp báo vào cuối ngày thứ Bảy, phát ngôn viên của IDF, Trung tá Jonathan Conricus đã bác bỏ quan điểm rằng địa điểm này được bảo vệ do sự hiện diện của các nhà báo.

Ông Conricus nói: “Đó không phải là một tòa tháp truyền thông và cũng không phải là một trung tâm truyền thông.”

Ông cho rằng tòa nhà là nơi diễn ra một hoạt động dân quân phức tạp của Hamas, đồng thời cũng có các văn phòng Thánh chiến Hồi giáo của người Palestine. Ông đưa ra ba mục đích chính mà tòa nhà phục vụ cho tổ chức Palestine.

Đầu tiên là “các sĩ quan của tình báo quân đội, về cơ bản là thu thập và phân tích thông tin tình báo quân sự, rõ ràng là được sử dụng cho mục đích quân sự, chống lại chúng tôi.”

Thứ hai là “nghiên cứu và phát triển, trong đó các chuyên gia giỏi nhất đang điều hành từ bên trong tòa nhà đó, sử dụng phần cứng, máy tính và các phương tiện khác bên trong tòa nhà để phát triển vũ khí, khí tài quân sự chống lại chúng tôi.”

Thứ ba liên quan đến “các công cụ công nghệ tiên tiến cao có trong hoặc trên tòa nhà.”

Ông Conricus từ chối đi vào chi tiết cụ thể, nhưng cho biết những công cụ như vậy đã được Hamas sử dụng “để chống lại chúng tôi nhằm cản trở hoặc hạn chế hoạt động của IDF bên trong Israel và hoạt động dân sự cùng với vùng Gaza.” 

Ông cũng nhắc lại mức độ mà IDF đã xác định được cách thức các nhóm như Hamas và Thánh chiến Hồi giáo Palestine cố ý đặt lẫn cơ sở hạ tầng quân sự “trong các cơ sở dân sự”.

“Tôi có thể đảm bảo với quý vị rằng thông tin tình báo của chúng tôi rất chính xác,” ông Conricus nói. “Đó là những gì Hamas và tổ chức Thánh chiến Hồi giáo đã sử dụng tòa nhà.”

Ông Conricus cũng nhấn mạnh điều mà ông gọi là cam kết của IDF trong việc đảm bảo an toàn và tác nghiệp tự do của các nhà báo, ngay cả khi điều này làm giảm hiệu quả của cuộc tấn công ở một mức độ nào đó.

“Vì sự an toàn của dân thường, tất nhiên, những người không tham chiến, các nhà báo, nên có đủ thời gian để những người này di tản khỏi tòa nhà; [mặc dù chúng tôi] biết rằng thời gian trì hoãn này cũng được sử dụng bởi Hamas và Thánh chiến Hồi giáo để chuyển đi rất nhiều thiết bị rất quan trọng, nhưng đó là tổn thất quân sự mà chúng tôi sẵn sàng chịu đựng để giảm thiểu và đảm bảo rằng không có thương vong dân sự trong cuộc tấn công vào tòa nhà,” ông nói thêm.

Ngay sau khi Tháp Al-Jalaa sụp đổ trong những hình ảnh ấn tượng được ghi lại trên camera và video, các kênh truyền thông vốn làm việc tại đây trong nhiều năm đã đưa ra các tuyên bố.

Hãng truyền thông Al Jazeera cho biết họ “lên án mạnh mẽ nhất việc quân đội Israel đánh bom và phá hủy các văn phòng của họ ở Gaza và coi đây là một hành động rõ ràng nhằm ngăn chặn các nhà báo thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của họ là thông báo cho thế giới và đưa tin các sự kiện trên mặt đất.” 

Cơ quan có trụ sở tại Qatar “hứa ​​hẹn sẽ theo đuổi mọi lộ trình có sẵn để buộc chính phủ Israel phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình”, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của hãng tin Associated Press Gary Pruitt cho biết tổ chức của ông “bị sốc và kinh hoàng khi quân đội Israel nhắm mục tiêu và phá hủy tòa nhà có trụ sở của AP và các tổ chức tin tức khác ở Gaza.” Ông cho biết IDF đã biết rõ về văn phòng của hãng tin ở đó và gọi vụ tấn công là “một diễn biến vô cùng đáng lo ngại”, trong đó các nhân viên “đã tránh được một thiệt hại khủng khiếp về nhân mạng.”

“Thế giới sẽ biết ít hơn về những gì đang xảy ra ở Gaza vì những gì đã xảy ra ngày hôm nay”, ông Pruitt nói.

Tại Washington, nơi Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết chính quyền Biden “đã thông báo trực tiếp với người Israel rằng việc đảm bảo an toàn và an ninh cho các nhà báo và các phương tiện truyền thông độc lập là trách nhiệm tối quan trọng.”

Nhà Trắng sau đó đã công bố cuộc gọi giữa nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Ông Biden tái khẳng định quyền tự vệ của Israel, lên án các cuộc tấn công bằng tên lửa Hamas tiếp tục xảy ra, và chia buồn về thiệt hại nhân mạng của cả người Israel và người Palestine. Ông cũng “nêu quan ngại về sự an toàn và an ninh của các nhà báo và củng cố sự cần thiết phải đảm bảo sự an toàn của họ.”

Sau đó, ông Biden tiếp tục điện đàm với Chủ tịch Chính quyền Quốc gia Palestine Mahmoud Abbas, trong đó ông bày tỏ tình cảm tương tự. 

Trong cả hai cuộc trò chuyện, ông Biden nhắc lại sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với giải pháp “hai nhà nước” nhằm mang lại một kết thúc hòa bình cho cuộc xung đột Israel – Palestine kéo dài nhiều thập kỷ.

Tuy vậy, cuộc xung đột ở Gaza chưa cho thấy dấu hiệu sẽ sớm kết thúc. 

Người phát ngôn của Hamas là Abu Obeida cho biết hôm thứ Sáu rằng nhóm đã “chuẩn bị sẵn sàng đánh bom Tel Aviv trong sáu tháng liên tục, với sự giúp đỡ của Chúa,” theo thông tin tờ Newsweek ghi lại được. 

Phản hồi lại việc IDF “tấn công một tòa tháp dân sự ở Gaza”, ông Obeida cho biết nhóm này “đã hướng một loạt tên lửa về phía Tel Aviv” và cư dân của thành phố “phải đứng trên một chân và chờ phản ứng long trời lở đất của chúng tôi.”

IDF đã phá hủy một số tòa nhà cao tầng bị nghi là hoạt động nhân danh lực lượng Palestine. Tuy nhiên, vụ tấn công vào Tháp Al-Jalaa đã đánh dấu vụ thứ hai làm gia tăng căng thẳng giữa IDF và một số hãng tin quốc tế.

Hôm thứ Năm, IDF đã lần đầu tiên công bố sự xâm nhập của lực lượng mặt đất vào cuộc xung đột, một diễn biến dường như đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc xâm lược vào Dải Gaza. 

Tuy vậy, vài giờ sau, IDF phủ nhận về cuộc xâm nhập, đính chính rằng “hiện tại không có binh lính mặt đất nào của IDF bên trong Dải Gaza,” mà quân đội chỉ tiến sát khu vực này và vẫn hoàn toàn ở trên đất của Israel.

Ông Conricus sau đó đã nhận trách nhiệm cá nhân vào đầu ngày thứ Sáu, gọi đó là “một thông tin sai lệch nội bộ,” trong đó ông đã truyền đạt “thông tin sai”.

Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông của Israel suy luận rằng đây là kế hoạch cố ý tung tin giả của IDF, để khiến các thành viên Hamas chạy vào trú ẩn trong hệ thống các đường hầm ngầm rộng lớn, và sau đó IDF sẽ tấn công toàn diện phá hủy khu phức hợp dưới lòng đất này.

Được tờ Newsweek hỏi hôm thứ Bảy rằng liệu hoạt động này có phải là một cái bẫy đối với Palestine hay không, ông Conricus nói rằng mục tiêu chỉ đơn giản là vô hiệu hóa kẻ thù của Israel.

“Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt các chiến binh của đối phương. Đó là mục đích,” ông Conricus nói.

Lê Xuân (t/h)

Xem thêm: