James Gorrie: Vì sao ĐCSTQ sợ Kitô giáo và Pháp Luân Công?
Tác giả James Gorrie. (Ảnh: The Banana Republican)

Tại sao chế độ chuyên chế nhất trên Trái đất này lại tiến hành cuộc chiến chống lại những tôn giáo và phong trào tâm linh hòa bình nhất?

Tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại ra tay đàn áp và tiêu diệt các tín đồ Kitô giáo và những người tập Pháp Luân Công?

Các nhà lãnh đạo “dũng cảm”, “toàn năng” “tài giỏi” của ĐCSTQ sợ điều gì?

Ai lại sợ những kẻ hiền lành?

Khi nói đến việc đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc, điều gì đang diễn ra trong trái tim và khối óc của ĐCSTQ?

Tập Cận Bình sợ hãi điều gì trên Trái đất xanh của Chúa?

Chắc chắn là các nhà lãnh đạo Đảng không sợ những tín đồ hiền lành của Chúa Jesus, người đã dạy rằng “hãy yêu kẻ thù của mình”“khi bị vả má bên phải thì hãy đưa má kia ra”.

Và chắc chắn Đảng không thể có lý do nào để sợ hãi những người tập Pháp Luân Công ôn hòa hiền lành. Làm sao mà việc thực hiện các bài tập chậm rãi và thiền định trong công viên lại có thể đe dọa ĐCSTQ?

Về mặt logic, ĐCSTQ, với tất cả sức mạnh trong tay và với quyền kiểm soát hầu như mọi khía cạnh trong cuộc sống của tất cả các công dân, không thể bị đe dọa bởi những người không có vũ khí và từ chối bạo lực.

Ấy vậy mà hai nhóm người đó chính là những người mà Tập Cận Bình và Đảng sợ hãi nhất.

Tại sao lại như vậy?

Nỗi sợ hãi của Đảng

Đầu tiên nhất, chúng ta cần phải hiểu rằng ĐCSTQ nắm độc quyền phổ biến nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi này thể hiện trong các hành vi mang tính then chốt, trong các quyết định khiến lãi suất tiết kiệm tiêu dùng tăng (lên 34%) trong bối cảnh dân số lao dốc. Người dân sẽ không tiêu tiền hoặc không muốn có con khi họ lo sợ về tương lai.

Hơn nữa, ĐCSTQ là hiện thân của chính nỗi sợ hãi và nó cũng lại chạy theo nỗi sợ hãi. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực sự khá chính xác. Mọi Đảng viên đều hết sức lo sợ mình nói sai, hay thậm chí lo sợ bản thân bị buộc tội vì suy nghĩ sai. Toàn Đảng là những người đàn ông và phụ nữ khiếp sợ trước cơn phẫn nộ của lãnh đạo.

Và cuối cùng, bản thân lãnh đạo ĐCSTQ cũng đắm mình trong nỗi sợ. Sự căng thẳng lo lắng đặc biệt này nên được gọi là chứng hoang tưởng, và nó là căn bệnh luôn luôn xảy ra với tất cả các chế độ bất chính.

Các nhà lãnh đạo chính thống cảm thấy thoải mái với phe đối lập và không sử dụng cảnh sát chìm hay khủng bố nhà nước để duy trì quyền lực. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ cầm quyền của ĐCSTQ, các nhà độc tài và các lãnh đạo của Đảng chưa bao giờ có thể dung thứ cho cái nhìn đối lập, và cũng chưa bao giờ có thể tồn tại mà không có cảnh sát chìm hay khủng bố nhà nước. Cơn sợ hãi của kẻ bạo chúa có thể ước tính được một cách đơn giản như sau: Quyền lãnh đạo càng bất chính, thì bạo chúa càng sợ bị hạ bệ bởi đối thủ chính trị hoặc thậm chí bởi chính người dân.

Các cuộc thanh trừng chính trị và hệ thống tín dụng xã hội

Hơn nữa, giống như Mao Trạch Đông (hay Stalin) trước đây, Tập Cận Bình đã sử dụng các cuộc thanh trừng chính trị để loại bỏ những kẻ thù thực sự và kẻ thù tiềm năng của cách mạng, của nhà nước, hoặc của chính ông.

Tất nhiên, những hành động chính thức này được tiến hành dưới chiêu bài “diệt trừ tận gốc tham nhũng”, một cách nói uyển chuyển tiện lợi. Thực tế là toàn bộ cấu trúc kinh tế chính trị hiện tại của Trung Quốc đều dựa trên chủ nghĩa thân hữu, trộm cắp và lừa dối. Mục đích thực sự của các cuộc thanh trừng không phải là loại bỏ tham nhũng mà là loại bỏ các đối thủ chính trị. Thêm vào đó, các cuộc thanh trừng cũng gây ra nỗi sợ hãi trong trái tim của tất cả mọi người.

Hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc phục vụ một mục đích tương tự, được áp dụng trên toàn xã hội nói chung. Hệ thống này xác định những người có thể nói, viết, đọc hoặc nghĩ “sai cách”. Hậu quả của cái gọi là “sai cách” đó là mất việc làm, mất quyền đi lại, hay thậm chí bị đẩy ra ngoài lề của xã hội. Có thể khẳng định một cách hợp lý rằng cả đất nước Trung Quốc đều sống trong sợ hãi.

Nửa còn lại của phương trình sợ hãi

Nhưng nỗi sợ hãi nói trên, dẫu hết sức toàn diện, chắc chắn chỉ là một nửa của phương trình. ĐCSTQ còn sợ hãi việc thực hành tôn giáo và thực hành tâm linh. Việc chế độ đối xử tàn bạo và ghê tởm đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, bao gồm lao động cưỡng bức, cải tạo tư tưởng và lạm dụng tình dục phụ nữ, là bằng chứng rõ ràng cho thấy cái nhìn ác cảm của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Điều này cũng đưa chúng ta trở lại với vấn đề Kitô giáo và Pháp Luân Công.

Nỗi ghê tởm và mong muốn bức hại tín ngưỡng tôn giáo của Bắc Kinh rất thâm sâu. Đảng sợ hãi Kitô giáo và các tín đồ, sợ hãi Pháp Luân Công và những người theo tập, sợ hãi hơn cả những “đồng chí Đảng viên” trong Đảng. Nguyên nhân rất đơn giản: Hệ tư tưởng duy vật mà chủ nghĩa cộng sản theo đuổi không thể cảm động tới con tim, khối óc và linh hồn của người ta theo cách mà niềm tinh tâm linh có thể làm được.

Sợ hãi Chúa mà bản thân cho là “không tồn tại”

ĐCSTQ vô cùng sợ người dân cầu nguyện với Chúa, điều mà Đảng khẳng định là không tồn tại. Tuy nhiên, Kitô giáo lại đang lan rộng khắp Trung Quốc “như cháy rừng”. Hơn nữa, sự ngược đãi về thể xác và thiếu thốn vật chất không dập tắt đức tin Kitô, mà lại củng cố đức tin đó. Điều kiện càng trở nên tồi tệ, số lượng tín đồ càng tăng lên. Bắc Kinh đáng lẽ đã hành xử tốt hơn nếu biết xem lại lịch sử của Kitô giáo dưới sự bức hại của Đế chế La Mã.

Trên thực tế, Bắc Kinh cố gắng hạ thấp số lượng tín đồ Kitô giáo ở Trung Quốc, với con số chính thức là khoảng 44 triệu. Nhưng thực tế là vào năm 2020, có khoảng 116 triệu Kitô hữu theo đạo Tin Lành ở Trung Quốc đại lục, hầu hết đều tham gia vào các nhà thờ không chính thức.

Đáng lo ngại hơn đối với ĐCSTQ là dự kiến vào năm 2030, Trung Quốc có thể sẽ dẫn đầu thế giới về số lượng người theo đạo Tin lành. Ông Tập lo sợ sự trỗi dậy của Kitô giáo ở Trung Quốc đến nỗi đã thay thế “Mười điều răn của Chúa” bằng mười điều răn của bản thân.

Chủ nghĩa Mác không là gì so với trí tuệ cổ xưa

Đối với hàng triệu người tập Pháp Luân Công mà nói, họ cũng đạt được một sự thỏa mãn siêu hình và một thân thể khỏe mạnh mà ý thức hệ cộng sản không thể cung cấp được. Với quan điểm siêu hình vốn hàm chứa trong Phật giáo và Đạo giáo, các giá trị, trí tuệ và lời dạy của Pháp Luân Công – Chân, Nhẫn, và Thiện – đã vượt trên sự tàn bạo của ĐCSTQ hàng nghìn năm.

Bắc Kinh đáp lại bằng cách bức hại những người tập Pháp Luân Công dưới nhiều hình thức, bao gồm cả việc giam giữ trong các trại lao động và buộc họ trở thành những “người hiến tạng sống”. Tuy nhiên, cũng giống như Kitô giáo, những biện pháp khắc nghiệt này đã không thể ngăn chặn sự truyền bá và tập luyện Pháp Luân Công ở Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

Cuối cùng – và rồi ĐCSTQ cùng sự cai trị độc tài của nó sẽ kết thúc – những kẻ bức hại và nô dịch người khác sẽ bị nhân loại và Thiên Chúa phán xét. Nếu ĐCSTQ có thể hiểu biết một chút, nó sẽ sợ sự phán xét của nhân loại và Thiên Chúa, đặc biệt là sự phán xét của Thiên Chúa, và nếu biết sợ thì nó đã ngừng bức hại đồng loại. Và nếu hiểu biết, nó cũng sẽ nhận ra rằng đối với tất cả nhân loại mà nói, thời gian của chúng ta trên Trái đất này là ngắn ngủi còn những gì tiếp theo mới là vĩnh cửu.

Theo “Fear and Loathing in Beijing” – The Epoch Times tiếng Anh
Tác giả: James Gorrie
Tác giả cuốn “The China Crisis” (2013) (Tạm dịch: Cuộc khủng hoảng mang tên Trung Quốc).
Minh Nhật biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: