Ông John Kerry, “chúa tể khí hậu” của chính quyền Biden, nhận định rằng hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc cũng như “sự khác biệt” trong vấn đề nhân quyền giữa hai quốc gia không thể cản trở chế độ cộng sản trở thành “đối tác về khí hậu” của Mỹ.

Embed from Getty Images

Ông Kerry – đặc sứ của Tổng thống về khí hậu, nói với Foreign Policy rằng, “bản thân vấn đề khí hậu đã đủ cấp bách đối với tất cả các quốc gia của chúng ta”. Ông cũng nhấn mạnh, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều không được lợi ích gì nếu không trở thành đối tác để cùng giải quyết vấn đề khí hậu.

Chính quyền Biden đã cam kết cắt giảm khí thải. Bản thân ông Joe Biden ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức đã tham gia lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu mà cựu Tổng thống Trump trước đó đã quyết định rút khỏi. Tuần trước, Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẽ giảm khí nhà kính đến 50% trong vòng 8 năm tới.

Ông Kerry thừa nhận những khác biệt giữa Hoa Kỳ Bắc Kinh về các lợi ích kinh tế, mạng, nhân quyền và địa chiến lược; nhưng ông vẫn tin rằng “những khác biệt đó không cản trở hợp tác quan trọng như việc đối phó với [biến đổi] khí hậu”.

Ông Kerry không hề đề cập đến việc Trung Quốc đàn áp quyền công dân của người dân, phạm tội diệt chủng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, siết chặt kiểm soát đối với Hồng Kông trước các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, khuếch trương xây dựng quân đội, gây hấn ngày càng trắng trợn với lãnh thổ Đài Loan, cung cấp thông tin sai lệch dẫn đến sự bùng phát của COVID-19, cũng như việc Trung Quốc tìm nhiều cách ngăn trở quá trình điều tra thực sự về nguồn gốc của đại dịch virus corona ở Vũ Hán.

“Lần gần đây khi tôi ở Trung Quốc, chúng tôi đã thương lượng với nhau đầy thiện chí,” ông Kerry nói với Foreign Policy. “Chúng tôi không xúc phạm hay to tiếng với nhau. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện nghiêm túc và khó khăn, nhưng chúng tôi cố gắng tìm ra một phương thức để đi đến đồng thuận và tiến về phía trước. Và tôi nghĩ rằng điều đó sẽ mở ra cánh cửa hoặc cơ hội cho những khả năng [hợp tác] trong những lĩnh vực khác. Cảm quan của tôi là người Trung Quốc hiểu rằng cả hai [quốc gia] chúng ta đều có lợi khi cùng giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, bởi công dân của chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu như chúng ta không làm như vậy.”

Đặc sứ về khí hậu cũng bình luận rằng, trong lịch sử, các quốc gia hùng mạnh có sự khác biệt vẫn có thể hợp tác khi đôi bên cùng có lợi. Ông nêu ví dụ như cựu Tổng thống Ronald Reagan, người đã gọi Liên Xô là đế chế tà ác và chỉ trích họ gay gắt, nhưng ông ấy vẫn gặp nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó là Mikhail Gorbachev tại Reykjavik.

Cuộc phỏng vấn của Foreign Policy được tiến hành trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi điều tra ông Kerry và yêu cầu ông từ chức trước cáo buộc ông tiết lộ hoạt động của Israel tại Syria cho Iran.

Theo đoạn âm thanh bị rò rỉ do The New York Times tiết lộ hôm Chủ nhật (25/4), Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã nói rằng ông John Kerry khi còn làm Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã thông tin cho ông về hơn 200 hoạt động của Israel tại Syria.

Về vấn đề này, Cựu ngoại trưởng của chính quyền Trump Mike Pompeo bình luận, đoạn băng ghi âm chứng minh “những gì tôi đã nói trong nhiều năm: Rằng ông [Zarif] tiếp tục tham gia với cựu ngoại trưởng Kerry về các vấn đề chính sách ngay cả sau khi ông Kerry làm việc trong chính phủ, và theo ông Zarif, Kerry đã thông báo các hoạt động của Israel cho Iran.”

Trong khi đó, Nhà Trắng đã từ chối bình luận về tin tức cho thấy ông Kerry tiết lộ thông tin về hoạt động của quân đội Israel tại Syria. “Chúng tôi sẽ không bình luận về các băng ghi âm bị rò rỉ”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki trả lời ngắn gọn khi được báo giới hỏi về bê bối của ông Kerry.

Ông Kerry sau đó cũng lên tiếng phủ nhận những cáo buộc về việc ông khi còn tại nhiệm vai trò Ngoại trưởng Mỹ đã thông tin cho Ngoại trưởng Iran về hoạt động của quân đội Israel tại Syria. Ông Kerry viết trên Twitter gọi những cáo buộc trong đoạn băng ghi âm là “sự giả mạo rõ ràng”.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: