Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU cho biết tại một cuộc họp của các nhà ngoại giao hàng đầu từ Nhóm G7 hôm 13/5, Liên minh châu Âu đang cấp cho Ukraine thêm 500 triệu Euro (tương đương 520 triệu USD) để mua vũ khí hạng nặng nhằm chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Embed from Getty Images

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba và người đồng cấp từ nước láng giềng Moldova là ông Nicu Popescu, đã được mời tham dự cuộc họp G7 với tư cách khách mời. Khoảng 3.500 cảnh sát đã được triển khai tại địa điểm diễn ra sự kiện ở phía Đông Bắc Hamburg để đảm bảo an ninh.

Ông Josep Borrell bày tỏ, ông mong muốn các quốc gia thành viên của khối sẽ sớm đồng ý với lệnh cấm vận dầu mỏ Nga, bất chấp sự nghi ngại từ một số quốc gia.

Ông Borrell khẳng định với các phóng viên trước thềm cuộc họp G7 ở Weissenhaus, trên bờ biển Baltic của Đức: “Chúng tôi sẽ cung cấp thêm một đợt viện trợ quân sự trị giá 500 triệu ch0 quân đội Ukraine.”

Ông lưu ý, quỹ này sẽ được phân bổ để mua vũ khí hạng nặng và nâng tổng hỗ trợ tài chính của EU cho Ukraine lên tới 2 tỷ Euro.

Cuộc họp G7, với sự tham dự của Đức, Anh, Canada, Pháp, Ý, Nhật Bản và Hoa Kỳ, cũng sẽ tìm thêm cách gây áp lực lên Nga thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế, cô lập Moscow trên trường quốc tế và phản bác những thông tin sai lệch do Nga lan truyền, ông Borrell nói thêm.

Các nhà ngoại giao EU sẽ tổ chức các cuộc đàm phán vào ngày 16/5 về việc áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ Nga. Đáng chú ý, Hungary đã phản đối vì nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu của Nga.

Ông Borrell nhấn mạnh: “Chúng ta cần thỏa thuận này và chúng ta sẽ đạt được.”

Theo ông Borrell, nếu các nước EU không đạt được nhất trí ở cấp đại sứ về việc cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga thì các bộ trưởng các nước thành viên nhóm họp vào ngày 16/5 tới sẽ phải thúc đẩy đạt thỏa thuận.

Ông Borrell tiếp tục, điều quan trọng là cuộc họp giữa các nước G7 phải thể hiện một “mặt trận thống nhất”. Ngoại trưởng Anh Liz Truss cũng đồng tình với quan điểm này.

Một vấn đề nổi bật trong chương trình nghị sự ở Weissenhaus là làm thế nào để giải quyết tình trạng hàng triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt ở Ukraine để có thể giảm bớt tình trạng thiếu lương thực trên toàn thế giới.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu cũng hy vọng các cuộc đàm phán đình trệ với Iran về vấn đề chương trình hạt nhân  của nước này sẽ sớm đi đến một thỏa thuận.

Các cuộc đàm phán giữa Tehran và các cường quốc trên thế giới gần đây đã đi đến bế tắc, một phần do Iran yêu cầu Hoa Kỳ gỡ bỏ các quy định khủng bố đối với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của nước này.

Phát biểu bên lề cuộc họp của các nền kinh tế lớn G7 tại Đức, ông Borrell cho hay đặc phái viên của khối đã đến thăm Tehran trong tuần này để đảm bảo cuộc đàm phán “diễn ra tốt hơn mong đợi”.

Minh Ngọc (Theo ET, AP)