Cùng với việc trực thăng quân sự Hoa Kỳ đưa các nhà ngoại giao Mỹ tới sân bay của Kabul vào Chủ nhật (15/8), hàng ngàn người nước ngoài và người Afghanistan đang điên cuồng tháo chạy đến nơi an toàn, cuộc tiếp quản của Taliban khi tiến vào trung tâm thủ đô của Afghanistan cũng diễn ra nhanh đến đáng kinh ngạc.

Embed from Getty Images

Hai tuần kể từ khi chính quyền Biden rút toàn bộ quân đội theo kế hoạch, Hoa Kỳ đã tạm thời đưa hàng ngàn binh lính mới trở lại đất nước để bảo vệ một cuộc không vận quy mô lớn nhằm di tản người dân. Ngay trước rạng sáng thứ Hai (16/8) theo giờ Kabul, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price thông báo Hoa Kỳ đã hoàn tất việc sơ tán Đại sứ quán của họ ở Afghanistan và quốc kỳ Mỹ.

Cùng lúc đó, chính quyền Hoa Kỳ tuyên bố họ đang tiếp quản quyền kiểm soát không lưu tại sân bay quốc tế Kabul, để quản lý các chuyến bay. Những tiếng súng lẻ tẻ ở khu vực đó trong ngày Chủ nhật (15/8) khiến nhiều gia đình Afghanistan sợ hãi trước sự cai trị của Taliban và tuyệt vọng tìm kiếm các chuyến bay ra ngoài – coi đó là cứu cánh cuối cùng để có thể trốn thoát cuộc truy quét kéo dài một tuần của Taliban trên khắp đất nước.

Các đồng minh NATO đã rút lực lượng trước thời hạn rút quân dự kiến ​​của chính quyền Biden vào ngày 31/8 cũng đã đưa quân trở lại vào cuối tuần này để bảo vệ các cuộc sơ tán của chính họ.

Ngày 15/8, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay, ông đã trao đổi với Thủ tướng Anh Boris Johnson Ngoại trưởng Canada, Đan Mạch và Hà Lan về những diễn biến mới nhất ở Afghanistan. Ông Stoltenberg đăng tweet: “NATO đang hỗ trợ duy trì tình trạng thông suốt ở sân bay Kabul để tạo điều kiện thuận lợi và điều phối các hoạt động sơ tán.”

Liên minh châu Âu (EU) nhận định, việc Taliban tiến vào thủ đô Kabul “đã nâng cao mức độ khẩn cấp đối với công tác bảo vệ” đội ngũ nhân viên người Afghanistan của khối trước những nguy cơ bị trả thù.

Tại Pháp, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian cho biết, Đại sứ quán nước này tại Afghanistan đang chuyển tới gần sân bay Kabul và sẽ duy trì hoạt động để phục vụ công tác sơ tán tất cả công dân Pháp có thể vẫn đang bị mắc kẹt tại nước này.

Đức cũng đang gấp rút đưa đội ngũ nhân viên ngoại giao tại Afghanistan từ Đại sứ quán tới sân bay Kabul trước khi sơ tán. Theo các nguồn tin với Bộ Quốc phòng Đức, công tác sơ tán được lên kế hoạch tiến hành trong ngày 16/8. 

Còn theo Bộ Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nước này đang cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sơ tán đội ngũ nhân viên ngoại giao của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Ai Cập, Australia và EU khỏi Afghanistan thông qua các sân bay của quốc gia Vùng Vịnh này.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu khẳng định, Đại sứ quán nước này tại Afghanistan sẽ tiếp tục hoạt động, đồng thời khẳng định: “Chúng tôi đã thực hiện những công tác chuẩn bị cần thiết dành cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ muốn rời khỏi Afghanistan.”

Cùng ngày 15/8, Thượng nghị sĩ Mỹ Chuck Schumer, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện, cho rằng ưu tiên cao nhất của Washington ở Afghanistan là nên tập trung vào hoạt động sơ tán một cách an toàn đội ngũ nhân viên Mỹ và những người Afghanistan đã hỗ trợ Mỹ.

Một số người lên án Hoa Kỳ đã hành động không đủ nhanh để đưa những người Afghanistan đến nơi an toàn trước nguy cơ bị Taliban trả đũa, bởi những người này từng làm việc với Mỹ và các lực lượng NATO khác trong quá khứ.

“Đây chính là giết người bởi sự bất tài,” cựu binh Không quân Hoa Kỳ Sam Lerman nhận xét hôm Chủ nhật khi ông đang phải vật lộn để tìm lối thoát cho một nhà thầu Afghanistan, người đã bảo vệ người Mỹ và các lực lượng NATO khác tại căn cứ không quân Bagram của Afghanistan suốt một thập kỷ.

Cô Massouma Tajik, một nhà phân tích dữ liệu 22 tuổi, cũng nằm trong số hàng trăm người Afghanistan lo lắng chờ đợi ở sân bay Kabul để lên chuyến bay sơ tán. “Tôi thấy mọi người đang khóc, họ không chắc liệu chuyến bay của họ có thể suôn sẻ hay không, tôi cũng vậy,” cô nói qua điện thoại với  ngữ điệu đầy hoảng hốt.

Sáng sớm ngày 15/8, các lực lượng Taliban đã tiến sát Kabul và tuyên bố họ đang chờ đợi một sự đầu hàng hòa bình.

Sự xuất hiện làn sóng đầu tiên của quân nổi dậy Taliban vào Kabul đã khiến Mỹ bắt đầu sơ tán toàn bộ tòa nhà đại sứ quán, chỉ để lại quyền đại sứ Ross Wilson và một phần các nhà ngoại giao chủ chốt khác hoạt động tại sân bay. Dù vậy, ngay cả khi trực thăng CH-47 đưa các nhà ngoại giao Mỹ đến sân bay và phải đối mặt với những lời chỉ trích tại quê nhà về cách xử lý của chính quyền đối với việc rút quân, Ngoại trưởng Antony Blinken vẫn bác bỏ những so sánh sự kiện này với sự thất thủ năm 1975 của Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam.

“Điều này đang được thực hiện rất có chủ ý, nó đang được thực hiện một cách tuần tự,” ông Blinken nhấn mạnh với chuyên mục This Week của ABC.

Bộ Quốc phòng và Chính phủ Hoa Kỳ cũng đưa ra tuyên bố chung, cam kết sẽ đưa hàng ngàn người Mỹ, nhân viên đại sứ quán địa phương và những “công dân Afghanistan đặc biệt dễ bị tổn thương” khác rời khỏi đất nước này vào cuối ngày 15/8.

Mặc dù không nêu thông tin chi tiết, nhưng những phụ nữ Afghanistan, nhà báo và những người Afghanistan nổi tiếng đã từng làm việc với các chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận của phương Tây là những người đáng lo ngại bị Taliban nhắm mục tiêu vào nhất.

Tuyên bố cũng cam kết sẽ đẩy nhanh quá trình xử lý thị thực cho những người Afghanistan từng làm việc với quân đội và quan chức Mỹ nói riêng.

Tuy nhiên, trong mắt nhiều người, các cuộc sơ tán và nỗ lực giải cứu đồng minh Afghanistan của người Mỹ cũng như các chính phủ phương Tây dường như không hề có trật tự.

Một nhà báo người Ý, Francesca Mannocchi, đã đăng video trực thăng Ý chở cô tới sân bay, một người lính có vũ trang đứng gác cửa sổ. Cô Mannocchi mô tả đã chứng kiến ​​những cột khói bốc lên từ Kabul khi đang bay. Một số là do đám cháy mà các công nhân tại Đại sứ quán Hoa Kỳ và những người khác gây ra nhằm tránh cho các tài liệu nhạy cảm rơi vào tay Taliban.

Cô Mannocchi nói, người Afghanistan đã ném đá vào một đoàn xe Ý. Cô cũng chú thích đoạn video ngắn gọn của mình như sau: “Sân bay Kabul. Sơ tán. Trò chơi kết thúc.”

Hàng trăm người Afghanistan cũng chen chúc xô đẩy nhau tại một khu vực sân bay cách xa nơi mà nhiều người phương Tây đang sơ tán. Trong số họ có cả một người đàn ông bị gãy chân ngồi trên mặt đất, xếp hàng chờ chuyến bay cuối cùng của Hãng hàng không Ariana của đất nước.

Các quan chức Hoa Kỳ thông báo, họ phát hiện tiếng súng gần sân bay vào tối 15/8 và đã có thời điểm phải kêu gọi những người dân thường ngừng tiến đến khu vực này. Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, sân bay đã mở cửa cho các chuyến bay thương mại – lối thoát duy nhất còn lại cho nhiều người dân Afghanistan bình thường – nhưng rất có thể sẽ gặp phải tình trạng ngừng hoạt động.

Máy bay vận tải C-17 của Mỹ dự kiến ​​đưa hàng ngàn lính Mỹ mới đến sân bay, sau đó sẽ đón các nhân viên Đại sứ quán Mỹ đang sơ tán. Một quan chức quốc phòng Mỹ hôm 15/8 cho biết, Lầu Năm Góc đã gửi thêm 1.000 quân, nâng tổng số quân lên khoảng 6.000 đến Afghanistan.

Lầu Năm Góc dự kiến sẽ có đủ máy bay để di dời 5.000 dân thường mỗi ngày, bao gồm cả người Mỹ, các phiên dịch viên người Afghanistan và những người khác từng làm việc cho Mỹ trong suốt chiến tranh.

Không rõ là với tình hình trước mắt, các cuộc sơ tán an toàn có thể tiếp tục diễn ra trong bao lâu.

Mới đây, khi lực lượng phòng thủ của Kabul đã đầu hàng Taliban, các thành viên của phong trào Taliban đã ra tối hậu thư, cho phía Mỹ 72 giờ để sơ tán quân đội và các nhà ngoại giao. Nếu điều này không được thực hiện trong khung thời gian quy định, Taliban tuyên bố sẽ tiêu diệt đối thủ bằng lực lượng vượt trội.

Tuy nhiên, các thành viên của Taliban tuyên bố rằng họ hoàn toàn đảm bảo an ninh cho Sân bay Quốc tế Kabul và sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào chống lại các lực lượng và nhà ngoại giao NATO đóng trên lãnh thổ do mình đã kiểm soát, với điều kiện là lực lượng Liên minh không cố gắng can thiệp vào tình hình.

Minh Ngọc (Theo AP, Reuters, AFP)

Xem thêm: