Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình với tư cách là phó Tổng thống Hoa Kỳ, bà Kamala Harris đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa môi trường và tình trạng khủng hoảng di cư đang làm náo loạn biên giới phía nam của Hoa Kỳ trong những tháng gần đây.

Embed from Getty Images

“Gần đây, có rất nhiều cuộc nói chuyện về các doanh nghiệp xanh, các doanh nhân có mối quan tâm về khí hậu, tập trung vào bảo vệ môi trường của chúng ta, nhưng đồng thời cũng xem xét khả năng việc làm và phát triển kinh tế song hành cùng với việc theo đuổi các mục tiêu về môi trường,” bà Harris nói với các phóng viên trong một cuộc họp ngắn cùng với Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei ở thành phố Guatemala hôm thứ Hai.

Bà Harris đang đến thăm Trung Mỹ trong tuần này để thảo luận về cuộc khủng hoảng biên giới và các vấn đề khác với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Tổng thống Joe Biden đã giao nhiệm vụ cho bà làm người chủ trì giải quyết “các nguyên nhân gốc rễ” của dòng người di cư ồ ạt đang kéo đến từ Tam giác phương Bắc ở khu vực Trung Mỹ. 

Tuy nhiên đến nay, đã hơn 70 ngày trôi qua và bà Harris vẫn chưa tới biên giới hoặc tổ chức họp báo về khủng hoảng biên giới. Thay vào đó, bà chọn cách tiếp cận theo con đường ngoại giao với các quốc gia Trung và Nam Mỹ.

Trong bài phát biểu trước công chúng nước ngoài đầu tiên với tư cách là phó Tổng thống, bà Harris đã cảnh báo tới những người đang có dự định đến Hoa Kỳ rằng: 

“Tôi muốn nói rõ với những người ở khu vực này, những người đang nghĩ đến việc thực hiện chuyến đi nguy hiểm đến biên giới Hoa Kỳ – Mexico: Đừng đến. Đừng đến”, bà nói.

Nhiều thành viên đảng Dân chủ đã đổ lỗi cho “biến đổi khí hậu” là nguyên nhân khiến dòng người di cư tăng cao đột biến. Một số khác thì cho rằng các chính sách “rối bời” dưới thời TT Trump đã gây ra tình trạng này, trong khi đó lờ đi các quyết sách mới đây nới lỏng an ninh biên giới của chính quyền Biden.

Chính quyền Biden cũng đã tìm cách liên kết “biến đổi khí hậu” và các nỗ lực bảo tồn môi trường khác trở thành trọng tâm cho cơ hội kinh tế, bao gồm cả việc làm năng lượng xanh ở Hoa Kỳ nhằm thay thế việc làm trong các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.

Bà Harris cho biết bà và ông Giammattei đã thảo luận về “điều gì có thể xảy ra đối với việc trồng cây và điều đó có thể có ý nghĩa gì về mặt sinh thái và môi trường của chúng ta.”

Bà Harris cũng công khai kêu gọi người dân Guatemala cố gắng ngăn những người khác di cư đến Hoa Kỳ.

Bà nói: “Chúng ta hãy ngăn cản bạn bè, hàng xóm hoặc các thành viên trong gia đình lao vào một hành trình cực kỳ nguy hiểm, nơi mà phần lớn, những người duy nhất được hưởng lợi là những bọn buôn người.”

Chỉ một ngày trước đó CBS News đã phát sóng một cuộc phỏng vấn, trong đó ông Giammattei đổ lỗi cho chính quyền Biden về cuộc khủng hoảng di cư.

Ông nói trong cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ gửi thêm các thông điệp rõ ràng hơn để ngăn chặn nhiều người rời đi.”

Xuân Lan

Xem thêm: