Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã thị sát cơ sở phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của nước này, đồng thời thông báo về “kế hoạch hành động trong tương lai” của vệ tinh, truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Tư (17/5).

Embed from Getty Images

Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), ông Kim đã gặp Ủy ban Chuẩn bị Phóng vệ tinh Không thường trực vào ngày 16/5 trước chuyến thị sát.

Một tháng trước, ngày 18/4, ông Kim tuyên bố việc chế tạo vệ tinh đã hoàn tất và “bật đèn xanh” cho vụ phóng thử. Đó là thời điểm Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn mới, đánh dấu bước đột phá lớn trong chương trình vũ khí bị cấm của nước này.

Các nhà phân tích nhìn nhận, có sự chồng chéo đáng kể về công nghệ giữa sự phát triển của ICBM và khả năng phóng vào không gian.

“Sau khi tìm hiểu chi tiết về công việc của ủy ban, nhà lãnh đạo đã kiểm tra vệ tinh trinh sát quân sự số 1, vốn đã sẵn sàng để phóng sau khi trải qua cuộc kiểm tra tổng thể lần cuối và thử nghiệm môi trường không gian”, KCNA đưa tin hôm 16/5.

Ông Kim cáo buộc Hoa Kỳ và Hàn Quốc leo thang “các động thái đối đầu” nhằm vào Triều Tiên, và khẳng định đất nước của ông sẽ thực hiện quyền tự vệ để ngăn chặn chúng một cách công bằng, thẳng thắn và mạnh mẽ hơn.

Sau đó, ông Kim đã “phê duyệt kế hoạch hành động trong tương lai của ủy ban chuẩn bị”, KCNA cho biết thêm.

Việc phát triển vệ tinh trinh sát quân sự là một trong những dự án quốc phòng quan trọng được ông Kim vạch ra vào năm 2021.

Tháng 12/2022, Triều Tiên thông báo họ đã thực hiện một “cuộc thử nghiệm quan trọng ở giai đoạn cuối” để phát triển một vệ tinh do thám, mà sự kiết sẽ hoàn thành vào tháng 4 năm nay.

Thời điểm đó, không ít chuyên gia ở Hàn Quốc đã hoài nghi về kết quả này, nói rằng chất lượng hình ảnh đen trắng do Triều Tiên công bố – được cho là chụp từ vệ tinh – rất kém.

Hiện Bình Nhưỡng chưa xác định ngày phóng, mặc dù hồi tháng trước ông Kim khẳng định vệ tinh sẽ được phóng lên “vào ngày đã ấn định”.

Triều Tiên vẫn luôn tuyên bố họ là một cường quốc hạt nhân, thậm chí còn chấm dứt khả năng đàm phán phi hạt nhân hóa.

Các nhà phân tích nhận định, Bình Nhưỡng sẽ gặp khó khăn trong việc do thám vệ tinh bằng công nghệ của chính mình nếu không có sự trợ giúp công nghệ cao từ Nga hoặc Trung Quốc.

Tuy nhiên, “vì các vệ tinh do thám của Triều Tiên là một nhân tố quan trọng trong trường hợp tấn công phủ đầu bằng hạt nhân nên chúng đặt ra mối đe dọa đáng kể đối với Hàn Quốc”, ông Yang Moo-jin, Hiệu trưởng Trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nhận xét với AFP hồi tháng trước.

Washington và Seoul đã tăng cường hợp tác quốc phòng để đáp trả động thái của Triều Tiên, cũng như tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung với các máy bay tàng hình tiên tiến và các tài sản chiến lược cao cấp của Mỹ.

Trong khi đó, Triều Tiên coi các cuộc tập trận như vậy là diễn tập xâm lược và mô tả chúng là cuộc tập trận “điên cuồng” hay “mô phỏng một cuộc chiến tổng lực chống lại” Bình Nhưỡng.

Minh Ngọc (Theo Reuters)