Cảnh sát và quan chức của hội Chữ Thập Đỏ Phần Lan hôm thứ Bảy (19/8) cho biết nghi can trong vụ dùng dao giết chết 2 người và làm 8 người khác bị thương tại thành phố Turku là một người Maroc đang xin tị nạn.

Giới chức Phần Lan nhận định vụ tấn công hôm thứ Sáu (18/8) có thể là một hành vi khủng bố và đây là vụ tấn công liên quan đến khủng bố đầu tiên tại quốc gia Bắc Âu vốn rất yên bình này.

Nghi phạm bị bắt giữ là một nam thanh niên 18 tuổi người Maroc, đến Phần Lan từ năm ngoái.

Reuters cho biết cảnh sát cũng đã bắt thêm 4 người đàn ông Maroc khác được cho là có thể liên quan đến vụ tấn công tại Turku. Ngoài ra, giới chức Phần Lan đã phát đi lệnh truy nã quốc tế với 6 người Maroc.

Truyền hình Phần Lan, MTV dẫn một nguồn tin giấu tên, cho biết kẻ tấn công ở Turku đã từng bị từ chối tị nạn tại Phần Lan, mặc dù vậy cảnh sát nói rằng anh này mới chỉ đang ở vào “một phần của tiến trình xin tị nạn”.

Quản lý của trung tâm tiếp nhận của hội Chữ Thập Đỏ tại Turku, ông Heimo Nurmi, hôm thứ Bảy (19/8) trao đổi với Reuters rằng nghi can là một người đang xin tị nạ. Ông Nurmi nói: “Tôi không thể bình luận về kết quả đơn xin tị nạn của anh ta”.

Ông Heimo Nurmi cho biết thêm rằng cảnh sát đã đến trung tâm của ông vào thứ Sáu (18/8) và đã bắt đi nhiều người ở đây. “Những người bị bắt không có hành vi bạo lực”. Ông Nurmi nhấn mạnh.

Giới chức Phần Lan cũng chưa khẳng định liệu cuộc tấn công ở Turku có liên quan đến đơn xin tị nạn bị từ chối của kẻ tấn công hay không.

Cảnh sát nói rằng họ cũng đang điều tra về khả năng có liên quan giữa vụ tấn công bằng dao tại Turku với vụ khủng bố bằng xe tải ở khu khố Las Ramblas, Barcelona khiến 13 người thiệt mạng.

Ông Antti Pelttari, Giám đốc của Cơ quan Tình báo An ninh Phần Lan trao đổi trong một cuộc họp báo rằng: “Hồ sơ của kẻ tấn công tương tự như các vụ tấn công khủng bố Hồi giáo cực đoan xảy ra gần đây ở Châu Âu”.

Cảnh sát cũng nhận định rằng mục tiêu của kẻ tấn công là nhắm vào các phụ nữ. Hai người chết và 6 trong 8 người bị thương đều là phụ nữ. Cảnh sát đã xác định hai nạn nhân tử vong là người Phần Lan, một người Ý và 2 công dân Thụy Điển nằm trong danh sách 8 người bị thương.

Crista Granroth của Cục Điều tra Quốc gia cho hay: “Có vẻ như nghi can đã chọn phụ nữ làm mục tiêu của mình, bởi vì những người đàn ông chỉ bị thương khi họ cố gắng giúp đỡ hoặc ngăn chặn cuộc tấn công”.

Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila nói rằng: “Hành động đó là hèn nhát…chúng tôi đã từng lo sợ điều này và chúng tôi đã chuẩn bị cho điều này. Chúng tôi không còn là một hòn đảo biệt lập nữa, toàn Châu Âu đã bị ảnh hưởng [bởi khủng bố]”.

Xã hội Phần Lan chia rẽ vì chính sách nhập cư

Tâm lý chống nhập cư ngày càng gia tăng ở Phần Lan kể từ sau khi nước này phải tiếp nhận khoảng 32.500 người tị nạn trong cuộc khủng khoảng di cư vào năm 2015.

Các mâu thuẫn đã bùng nổ vào thứ Bảy (19/8) tại Turku khi phong trào chống nhập cư “Phần Lan trên hết” đã tổ chức một cuộc tuần hành, nhưng gặp phải sự phản kháng của những người phản đối với khẩu hiệu “Không còn chỗ cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”.

Tại Thủ đô Helsinki,  hôm thứ Sáu (18/8) khoảng 200 người đã tập hợp dưới mưa để phản đối việc xây dựng một nhà thờ Hồi giáo và người Hồi giáo nhập cư trong một cuộc tuần hành do nhóm cực hữu Phần Lan – Liên đoàn Bảo vệ Phần Lan (FDL) tổ chức. Cuộc biểu tình phản khảng này diễn ra trước vụ tấn công bằng dao ở Turku.

Reuters cũng cho biết trong tháng 6 vừa qua, một số thành viên của đảng Dân tộc Phần Lan đã bị tước tư cách thành viên chính phủ vì có những hành vi chống nhập cư cứng rắn, đổ lỗi cho chính phủ đã thực hiện chính sách nhập cư quá lỏng lẻo.

Ông Ville Tavio, nhà lập pháp của đảng Dân tộc Phần Lan nói: “Hệ thống xin tị nạn là con đường chính cho nhập cư bất hợp pháp, cũng bị bọn khủng bố lợi dụng. Nhập cư nguy hại chỉ có thể được kiểm soát bằng cách giảm sự hấp dẫn của Phần Lan, hoặc bằng các biện pháp kiểm soát biên giới”.

Chính phủ Phần Lan, cùng với các quốc gia Bắc Âu khác đã thắt chặt chính sách nhập cư trong vài năm qua.

Xuân Thành

Xem thêm: