Con tàu khổng lồ Ever Given của hãng EverGreen chở container của Đài Loan mắc cạn đã làm ngưng trệ hoạt động lưu thông hướng bắc – nam của kênh đào Suez, hiện vẫn gần như bất động sau nỗ lực cứu hộ vài ngày qua. Hôm thứ Năm (25/3), cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) buộc phải thông báo tạm ngừng hoạt động hàng hải, công ty trục vớt ước tính sẽ mất khoảng vài tuần mới giải phóng được con tàu khổng lồ này.

Ever Given
Từ hôm 23/3, tàu container Đài Loan Ever Given đã bị mắc kẹt ở hướng lưu thông bắc – nam của kênh đào Suez. (Nguồn: Chụp màn hình video CBC News).

Theo Epoch Times, hiện nay cơ quan chức năng đã huy động 8 tàu kéo nỗ lực giải cứu con tàu chở hàng khổng lồ Ever Given bị mắc kẹt ở đoạn sông phía nam. Con tàu kích cỡ không khác gì một tòa nhà đồ sộ với chiều dài 400 mét, rộng 59 mét, nặng 220.000 tấn, khiến những chiếc tàu kéo không khác gì những con người nhỏ bé cùng nhau rung lắc một gốc cây cổ thụ. Từ tín hiệu GPS của Ever Given, người ta thấy rằng vị trí con tàu chỉ xê dịch chút ít trong 24 giờ qua.

Giờ đây, một trong những kênh vận chuyển dầu và ngũ cốc nhộn nhịp nhất thế giới nối liền Âu-Á đã bị chặn lại bởi một con tàu khổng lồ. Kênh đào Suez dài 193 km là tuyến đường thủy chiếm 12% giao dịch hàng hóa toàn cầu với gần 30% lượng tàu container trên thế giới đi qua hàng ngày.

Thông báo tạm ngừng lưu thông tại kênh đào Suez

Vào sáng thứ Ba (23/3), dưới ảnh hưởng của gió mạnh và bão cát đã làm con tàu khổng lồ Ever Given mắc kẹt tại phía nam của con kênh. Giám đốc điều hành Peter Berdowski của công ty Hà Lan Boskalis đang làm nhiệm vụ cứu hộ nói với giới truyền thông: “Tùy thuộc vào tình hình, chúng tôi không loại trừ rằng có thể mất vài tuần”.

Ông cho biết tình trạng giống như một con cá voi khổng lồ mắc cạn, một khối nặng khủng khiếp nằm trên bãi biển, phải dùng nhiều biện pháp kết hợp trong hoạt động cứu hộ.

Vào thứ Năm (25/3) cơ quan quản lý kênh đào Suez thông báo tạm ngừng hoạt động hàng hải tại kênh đào, đây sẽ là trở ngại đối với hoạt động thượng mại toàn cầu. Giới chuyên gia vận tải cho rằng nếu trong vài ngày tới vẫn bị mắc kẹt thì có thể một số tàu vận tải phải chuyển tuyến đường vận chuyển và sẽ khiến hành trình của họ tăng thêm khoảng một tuần.

Người phát ngôn Leon Willems của cảng Rotterdam lớn nhất châu Âu nói: “Các cảng ở Tây Âu đều sẽ cảm nhận được tác động này”, “Khi những con tàu này đến được châu Âu, thời gian chờ đợi lâu hơn là không thể tránh khỏi”.

Người ta cho rằng đây là một trong những vụ ùn tắc hàng hải thế giới nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua, tổng số 156 tàu lớn chở dầu, khí đốt tự nhiên, ngũ cốc và các loại hàng hóa khác nhau đang bị mắc kẹt. Sau đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), hoạt động lưu thông hàng hóa trên thế giới vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc hủy vận chuyển, thiếu container, tốc độ bốc dỡ hàng tại cảng chậm hơn, giờ đây vấn nạn tắc nghẽn này làm thực trạng thêm tồi tệ.

 

Thành lập đội cứu hộ đặc biệt

Epoch Times dẫn tin từ EVA Air Đài Loan cho biết, công ty chủ sở hữu tàu Ever Given là Shoei Kisen KK của Nhật Bản đã thuê công ty Smit Salvage của Hà Lan và Nippon Salvage của Nhật Bản nhằm hợp tác với Cơ quan quản lý kênh đào Suez để cùng nghiên cứu phương án cứu hộ.

“EVA Air sẽ tiếp tục phối hợp với chủ tàu và Cơ quan quản lý kênh đào Suez để giải quyết vấn đề này theo cách khẩn cấp nhất nhằm đảm bảo hoạt động lưu thông được nối lại sớm nhất và giảm thiểu hậu quả”.

Hôm thứ Năm, công ty Shoei Kisen KK cũng bày tỏ lời xin lỗi về vấn đề tàu Ever Given bị mắc kẹt trong kênh đào Suez, cho biết họ đang nỗ lực để giải quyết vấn đề: “Chúng tôi xin lỗi vì sự cố đã gây ra nhiều vấn đề lo ngại… Việc giúp tàu Ever Given nổi trở lại là ‘cực kỳ khó khăn’, nhưng chúng tôi sẽ không để sự cố mắc cạn gây thương vong hoặc tràn dầu”.

Công ty sở hữu cũng cho biết trên tàu có 25 thuyền viên, tất cả đều mang quốc tịch Ấn Độ. Con tàu được chất đầy 20.000 container tiêu chuẩn, kế hoạch ban đầu là vận chuyển từ Trung Quốc đến châu Âu.

Thông tin dẫn nguồn tin trong ngành nhận định rằng công ty Shoei Kisen KK và công ty bảo hiểm của con tàu phải đối mặt số tiền bồi thường lên tới hàng triệu USD. 

Từ Giản, Epoch Times

Xem thêm: