Một trong những điểm khác biệt quan trọng nhất giữa phe Cánh Tả và phe Cánh Hữu là cách mà mỗi bên nhìn nhận vai trò và quy mô của chính phủ phải như thế nào.

Tổng thống Obama gặp Tổng thống tân cử Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 10/11 (Ảnh: Getty Images)
Tổng thống Obama gặp Tổng thống tân cử Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 10/11 (Ảnh: Getty Images)

Phe Cánh Tả cho rằng nhà nước phải là lực lượng quyền lực nhất trong xã hội. Ngoài các vai trò cốt yếu khác, chính phủ phải kiểm soát việc giáo dục mọi đứa trẻ;  phải cung cấp dịch vụ y tế cho tất cả mọi người; phải thường xuyên điều chỉnh những chi tiết nhỏ nhặt nhất về cách mà các doanh nghiệp tiến hành kinh doanh – ví dụ như ở Đức, chính phủ ấn định cả thời điểm các cửa hàng phải đóng cửa. Nói tóm lại, ở đó theo lý tưởng sẽ không có một thế lực nào cạnh tranh với Chính phủ. Không phải cha mẹ, không phải doanh nghiệp, không phải trường tư  không phải các tổ chức tôn giáo;  thậm chí cả lương tâm cá nhân của con người. Tất cả những điều kể trên đều không thể cạnh tranh với chính phủ.

Ngược lại, những người bảo thủ thuộc phe cánh hữu cho rằng vai trò của chính phủ trong xã hội cần phải được giới hạn ở những phương diệt tuyệt đối cần thiết như quốc phòng và là sự lựa chọn cuối cùng trong việc hỗ trợ người dân khi họ đã không thể nhờ cậy được vào gia đình, cộng đồng, hoặc các tổ chức từ thiện tôn giáo và phi tôn giáo.

Những người bảo thủ hiểu rằng khi các chính phủ phát triển về quy mô và quyền lực, chắc chắn sẽ xảy ra những điều sau:

  1. Số lượng tham nhũng càng ngày càng tăng.  Quyền lực và tiền bạc sẽ gây ra tham nhũng.  Những người trong chính phủ sẽ sử dụng ảnh hưởng của chính phủ cho lợi ích cá nhân và lợi ích chính trị.  Những người bên ngoài chính phủ sẽ tìm cách mua ảnh hưởng và đặc quyền.  Tại Châu Phi và Châu Mỹ La-tinh, tham nhũng của chính phủ là yếu tố lớn nhất kìm hãm sự phát triển của quốc gia.
  2. Tự do cá nhân sẽ suy giảm. Trừ một vài trường hợp ngoại lệ chẳng hạn như quyền phá thai không giới hạn, nhìn chung Cánh Hữu coi trọng quyền tự do cá nhân hơn Cánh tả. Đây không phải là một quan điểm cũng không phải là một lời chỉ trích, đó là lô-gích đơn giản: Chính phủ càng kiểm soát cuộc sống của người dân nhiều hơn, thì người dân càng có ít tự do hơn.
  3. Các nước với chính phủ quy mô rất lớn, cuối cùng sẽ phải giảm quy mô của chính phủ hoặc hứng chịu sự sụp đổ của nền kinh tế. Mỗi nhà nước phúc lợi (welfare state) cuối cùng đều trở thành một ‘hệ thống đa cấp Ponzy’ – phụ thuộc vào người trả tiền mới để trả cho người trả tiền trước; cuối cùng khi không còn người đóng tiền mới nữa, mô hình phúc lợi này sẽ sụp đổ. Tất cả các nhà nước phúc lợi trên thế giới, bao gồm cả các nước giàu có ở Châu Âu, đều đã, đang trải qua vấn đề này, với nhiều mức độ khác nhau.
  4. Để chi trả cho một chính phủ ngày càng mở rộng, thuế sẽ bị tăng lên liên tục. Nhưng khi thuế tăng đến một mức nào đó, các nhà sản xuất ra của cải cho xã hội sẽ ngừng làm việc, làm việc ít hơn, thuê ít người hơn hoặc di chuyển doanh nghiệp của mình ra khỏi đất nước.
  5. Chính phủ lớn khiến thâm hụt ngân sách lớn và cuối cùng ngày càng gia tăng nợ công.  Điều này cũng là lô-gích: Nhà nước càng chi nhiều tiền, người dân càng yêu cầu nhiều tiền hơn từ  phúc lợi nhà nước.  Không có người nào nhận tiền miễn phí, mà đã từng nói, “Cám ơn. Tôi đủ rồi”.
    Nếu các chính phủ lớn không thu hẹp quy mô, tất cả họ cuối cùng sẽ sụp đổ dưới sức nặng của chính mình, kéo theo những hậu quả khủng khiếp về xã hội cũng như kinh tế.
  6. Chính phủ càng lớn, càng có nhiều cơ hội lớn hơn để làm những điều xấu xa. Thế kỷ 20 là thế kỷ giết chóc nhiều nhất đã được ghi lại trong lịch sử. Và ai đã thực hiện tất cả những tàn sát này? Đó là những chính phủ lớn.  Những cá nhân độc ác mà không có quyền lực, chỉ có thể gây tổn hại một cách có giới hạn. Nhưng khi những cá nhân độc ác nắm quyền kiểm soát một chính phủ toàn quyền, thì quy mô thiệt hại mà họ có thể gây ra là không có giới hạn. Cánh hữu sợ chính phủ lớn.  Cánh tả sợ doanh nghiệp lớn. Nhưng những công ty lớn như Coca-Cola chẳng hạn sẽ không thể đột nhập vào nhà bạn hoặc tịch thu tài sản của bạn; chỉ có Chính phủ lớn mới có thể làm được điều đó. Chỉ có Chính phủ lớn là có thể xây dựng trại tập trung và thực hiện việc diệt chủng, dù Doanh nghiệp lớn có vô trách nhiệm đến mức nào cũng không làm được việc này.
  7. Chính phủ lớn ăn dần ăn mòn vào tư cách đạo đức của một quốc gia. Mọi người không còn quan tâm đến người khác. Rốt cuộc, họ biết chính phủ sẽ làm điều đó cho họ.  Đó là lý do tại sao người Mỹ dành nhiều tiền bạc và thời gian của mình hơn để làm từ thiện so với người Châu Âu, mặc dù cả hai cùng một mức kinh tế.

Không có niềm tin vào một chính phủ ngày càng mở rộng, thì ở nơi đó không có phe Cánh Tả. Không có niềm tin vào chính phủ giới hạn, thì ở nơi đó không có phe Cánh Hữu. Đây là sự khác nhau quan trọng giữa hai khán đài của sân khấu chính trị.

Xem tiếp: Khác nhau giữa cánh tả và cánh hữu phần 3: Nước Mỹ tốt hay xấu?

Theo Prager University
Duy Minh biên dịch

Xem thêm: