Theo một cuộc thăm dò mới, phần lớn người Mỹ thuộc cả hai đảng chính trị nhìn nhận, Hoa Kỳ nên hỗ trợ quân sự cho Đài Loan trong trường hợp đảo quốc này bị quân đội cộng sản Trung Quốc xâm lược.

Embed from Getty Images

Cuộc thăm dò ý kiến do Tổ chức Trafalgar và tổ chức Công ước hành động của Các tiểu bang thực hiện cho thấy, ngày càng có nhiều cử tri Mỹ mong muốn nhìn thấy Đài Bắc duy trì sự độc lập trên thực tế của mình trước sự gây hấn ngày càng tăng của chế độ cộng sản ở Bắc Kinh.

Sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với việc bảo vệ Đài Loan

Khoảng 58% trong số 1.081 cử tri được khảo sát vào giữa tháng 1/2022 cho rằng, chính quyền Biden nên cung cấp khí tài quân sự của Mỹ để bảo vệ Đài Loan trước nguy cơ xâm lược của Trung Quốc.

Quan điểm này được ủng hộ bởi tất cả các thành phần cử tri Mỹ : 56,2% cử tri Đảng Dân chủ, 57,4 cử tri độc lập và 60,8% cử tri Đảng Cộng hòa ủng hộ việc quân đội Hoa Kỳ hỗ trợ Đài Loan.

Cuộc thăm dò do Tổ chức Trafalgar thực hiện. Đây là một tổ chức thăm dò và khảo sát, đã trở nên nổi tiếng khi dự đoán chính xác kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Dữ liệu của cuộc thăm dò cho thấy, ngày càng có nhiều cử tri Mỹ có nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về Đài Loan và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ví dụ, theo cuộc thăm dò do Hội đồng Các vấn đề Toàn Cầu Chicago thực hiện, gần đây nhất vào tháng 8/2021, gần một nửa số người Mỹ thậm chí phản đối việc bán thiết bị quân sự cho Đài Loan cũng như không muốn Mỹ bảo vệ đảo quốc này nếu có chiến tranh với Trung Quốc.

Chủ tịch Mark Meckler của tổ chức Công ước hành động của Các tiểu bang (COS) lưu ý: “Các nhà lãnh đạo của chúng ta thường quên rằng người dân Mỹ có trí tuệ tuyệt vời trong việc nhận thức bản chất của các mối đe dọa ở nước ngoài.” COS là một tổ chức phi lợi nhuận bảo thủ, đã hợp tác với Trafalgar thực hiện cuộc thăm dò này.

Ông Meckler nhấn mạnh: “Các cử tri của tất cả các đảng phái đều ủng hộ mạnh mẽ việc quân đội Hoa Kỳ bảo vệ một Đài Loan tự do và dân chủ trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, mặc dù điều đó đưa đến rủi ro to lớn, và có khả năng quốc gia chúng ta phải trả giá đắt.”

Sự cân bằng không ổn định

Lo lắng của phương Tây về khả năng xảy ra cuộc chiến tranh đối với Đài Loan đã tăng lên trong những năm gần đây, bởi vì ĐCSTQ nhắc lại nhiều lần tham vọng muốn thống nhất đảo quốc dân chủ này với Đại Lục, bằng vũ lực nếu cần, và trên thực tế quân đội Trung Quốc đã thực hiện việc tăng cường quân sự chưa từng có.

Đài Loan đã tự trị kể từ năm 1949 khi đảo quốc này tách khỏi Đại lục sau khi ĐCSTQ chiến thắng trong cuộc nội chiến. Mặc dù Đài Loan hoàn toàn độc lập với tiền tệ và quân đội riêng, nhưng ĐCSTQ vẫn luôn coi đảo quốc này là một phần lãnh thổ của mình.

Hoa Kỳ duy trì mối quan hệ ngoại giao không chính thức với Đài Loan theo khuôn khổ được quy định trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979. Đạo luật này yêu cầu chính quyền Mỹ phải cung cấp cho Đài Loan các phương tiện quân sự để tự vệ.

Tuy nhiên, ngoài việc cung cấp thiết bị quân sự chỉ cho phép tự vệ, mối quan hệ Mỹ – Đài phức tạp và rắc rối hơn. Cho đến nay, chính phủ Mỹ vẫn duy trì một chính sách được coi là mơ hồ về chiến lược liên quan đến các cam kết của mình trong việc bảo vệ Đài Loan. Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ không xác nhận hoặc phủ nhận liệu họ có can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột quân sự hay không.

Hồi tháng 10/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, Hoa Kỳ “cam kết” bảo vệ Đài Loan khỏi sự xâm lược của ĐCSTQ, tuy nhiên sau đó Nhà Trắng đã rút lại những bình luận này của tổng thống.

Trung Quốc chuẩn bị cho chiến tranh

Vấn đề Trung Quốc xâm lược Đài Loan ngày càng trở nên nghiêm trọng trong những năm gần đây, bởi vì lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình cam kết, việc thống nhất Đài Loan với Đại Lục “chắc chắn sẽ được hiện thực hóa”.

Để đạt mục tiêu đó, ĐCSTQ đã và đang tiến hành một chiến dịch quy mô lớn để mở rộng và hiện đại hóa quân đội của mình. Phần lớn việc phát triển quân sự đó dường như nhắm trực tiếp vào việc chiếm Đài Loan hoặc đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tháng 1/2022, ông Tập ra lệnh cho quân đội Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), phải trở thành “lực lượng tinh nhuệ” có khả năng chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến nào.

Trong khi đó, PLA đã và đang bận rộn chuẩn bị một hạm đội hải quân quy mô lớn. Quốc gia cộng sản này tự hào có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Quân đội Trung Quốc hạ thủy một tàu sân bay và khinh hạm mới trong những tháng gần đây để tăng cường khả năng chiến đấu chống lại các đối thủ cường quốc. 

Việc mở rộng năng lực quân sự của Trung Quốc còn bao gồm các đề xuất mua các máy bay trực thăng tấn công của Nga, cũng như việc tăng tốc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của nước này, mà các chuyên gia nhận định sẽ gây ra nhiều cuộc xung đột hơn trong khu vực ở châu Á bởi vì ĐCSTQ trở nên ít lo ngại hơn về sự can thiệp của Hoa Kỳ.

Đáng chú ý, ĐCSTQ còn sử dụng các mô hình tàu chiến khổng lồ của Mỹ làm các mục tiêu cho tên lửa trong các cuộc tập trận, đồng thời tiến hành các cuộc tập trận tấn công đổ bộ ở Eo biển Đài Loan, khiến nhiều người lo ngại quân đội Trung Quốc có thể chiếm một hòn đảo xa xôi của Đài Loan.

Theo một quan chức Đài Loan, các tướng lĩnh Trung Quốc đã tranh luận việc việc tấn công Đài Loan, trong khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát triển lực lượng có khả năng hình thành sự phong tỏa các cảng của Đài Loan, do đó sẽ ngăn chặn Hoa Kỳ cung cấp sự trợ giúp vật chất cho đảo quốc này.

PLA cũng liên tục gia tăng áp lực quân sự lên Đài Loan trong hai năm qua thông qua một chiến dịch đe dọa.

Bắc Kinh thường xuyên điều máy bay quân sự xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan, đỉnh điểm là vụ việc hồi tháng 10/2021, PLA điều một số lượng kỷ lục 149 máy bay quân sự xâm nhập khu vực này chỉ trong bốn ngày.

Mỗi đợt xâm nhập như vậy của không quân Trung Quốc buộc Đài Loan phải xuất kích các máy bay chiến đấu để đối phó và ngăn chặn. Sự căng thẳng cả về vật chất và tinh thần khiến các phi công và các chỉ huy quân sự của Đài Loan khủng hoảng và mệt mỏi.

Trong khi đó, Hoa Kỳ đáp trả sự gây hấn của Trung Quốc bằng cách mở rộng phạm vi hoạt động ở  Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thông qua việc thành lập các căn cứ quân sự mới, cũng như ký kết các thỏa thuận quốc phòng với các quốc gia trong khu vực, chẳng hạn như thỏa thuận AUKUS giữa Hoa Kỳ, Anh và Úc. Thỏa thuận này sẽ cung cấp cho hải quân Úc một số tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Về phần mình, giới lãnh đạo Đài Loan vẫn luôn duy trì tinh thần thách thức trước sự gây hấn ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Trước đó hồi tháng 10/2021, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cam kết, bằng mọi giá, đảo quốc tự trị này sẽ tự bảo vệ mình và bảo vệ “lối sống tự do và dân chủ” của mình trước sự xâm lược của ĐCSTQ. 

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: