Tổng thống Joe Biden đã khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine trong tuần này bằng một chuyến công du chớp nhoáng đến Kyiv, nhưng sự ủng hộ của công chúng ở quê nhà đối với việc gửi vũ khí cho Ukraine đang giảm dần khi cuộc xung đột bước sang năm thứ hai mà chưa có hồi kết.

Embed from Getty Images

Theo một cuộc khảo sát mới của Reuters/Ipsos với hơn 4.000 người Mỹ, được thực hiện từ ngày 6 tháng 2 đến ngày 13 tháng 2, tỷ lệ ủng hộ của người Mỹ đối với việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine đã giảm xuống còn 58% từ mức 73% trong cuộc thăm dò vào tháng 4 năm 2022.

Các dấu hiệu về sự nhiệt tình đang giảm dần xuất hiện vào thời điểm quan trọng của chính trị Hoa Kỳ, có thể hạn chế khả năng của ông Biden trong việc thực hiện đầy đủ lời hứa của ông đối với Ukraine.

Đảng Cộng hòa đang bất đồng với Nhà Trắng về việc nâng trần nợ, tức giới hạn số tiền mà Hoa Kỳ có thể vay. Họ đang yêu cầu cắt giảm mạnh chi tiêu để chế ngự thâm hụt vào thời điểm Hoa Kỳ đang bơm hàng tỷ đô la quân sự và viện trợ khác vào Ukraine. Một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa liên minh với cựu Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi hạn chế viện trợ.

Viện trợ có thể trở thành một quả bóng đá chính trị trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 đang rục rịch được tiến hành. Thống đốc Florida Ron DeSantis, người được cho là sẽ cạnh tranh đề cử Tổng thống của Đảng Cộng hòa, tuần này đã chỉ trích chính sách chi tiêu của ông Biden đối với Ukraine.

Một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa cũng đặt câu hỏi tại sao Hoa Kỳ chi hàng tỷ đô la để giúp Ukraine trong khi người Mỹ đối phó với lạm phát cao và nền kinh tế gặp khó khăn.

Nội bộ đảng Cộng hòa đang rạn nứt về vấn đề Ukraine. 

Các lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Quốc hội, những người phản đối gay gắt ông Biden trong hầu hết các vấn đề, lại ủng hộ viện trợ cho quốc phòng Ukraine, thậm chí kêu gọi Washington gửi vũ khí mạnh hơn, nhanh hơn. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa, Michael McCaul, cho biết trong chuyến thăm Kyiv hôm thứ Ba rằng Washington có thể chuyển hướng sang việc gửi tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu tới Ukraine.

Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói với Reuters rằng chính quyền cần tiếp tục thuyết phục công chúng Mỹ ủng hộ Ukraine trước những lo ngại chính đáng của cử tri.

Quốc hội đã phê duyệt từng đợt tài trợ mới mà chính quyền Biden yêu cầu kể từ khi chiến tranh bắt đầu, với viện trợ và hỗ trợ quân sự trị giá 113 tỷ USD cam kết cho Ukraine và các quốc gia đồng minh cho đến nay.

Tuy nhiên, một quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên cho biết chính quyền đã nói với chính phủ Ukraine rằng các nguồn lực của Mỹ không phải là vô hạn.

“Mọi người đều hiểu rằng (chiến tranh) này phải kết thúc vào một thời điểm nào đó. Và tất cả chúng tôi đều muốn thấy nó kết thúc sớm hơn là muộn”, quan chức này nói.

Jeremy Shapiro, người từng phục vụ trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Obama, cho biết các quan chức cũng nhận ra rằng chiến tranh có nguy cơ leo thang và làm sao nhãng các vấn đề khác như sự cạnh tranh của Hoa Kỳ với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh.

Một cuộc thăm dò toàn cầu của Ipsos vào cuối năm ngoái cho thấy đa số các thành viên NATO bao gồm Canada, Anh, Pháp, Hà Lan và Ba Lan tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Chỉ có ở Hungary và Ý phản đối nhiều hơn là ủng hộ, và các nhà lãnh đạo của các nước này đã đi theo các sáng kiến của châu Âu để hỗ trợ Ukraine.

Lê Vy (theo Reuters)