Hôm thứ Bảy (18/9), Pháp cáo buộc Úc và Mỹ “nói dối” về hợp đồng mua tàu ngầm giữa Pháp – Úc mà hiện đã bị hủy bỏ, đồng thời nói rằng một cuộc khủng hoảng đang diễn ra giữa các đồng minh.

Embed from Getty Images

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Sáu (17/9) đã triệu hồi các Đại sứ tại Úc và Mỹ trong một động thái chưa từng có, cho thấy sự giận dữ của Paris đối với quyết định của Canberra về việc phá vỡ hợp đồng mua tàu ngầm Pháp để mua các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ.

Diễn biến mới nhất này được cho là đã chấm dứt hy vọng về sự phục hồi trong quan hệ giữa Paris và Washington dưới thời Tổng thống Joe Biden, đồng thời nó cũng sẽ khiến Pháp tập trung thúc đẩy chiến lược an ninh của Liên minh châu Âu khi nước này cân nhắc về tương lai của NATO.

Phát biểu với kênh truyền hình France 2 hôm 18/9, Bộ trưởng Ngoại giao Jean-Yves Le Drian cho thấy Paris đang sẵn sàng để cuộc khủng hoảng tiến xa, sử dụng ngôn ngữ chỉ trích mạnh mẽ đối với Úc, Mỹ và Anh.

“Lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ giữa Hoa Kỳ và Pháp, chúng tôi triệu hồi đại sứ tham vấn, cho thấy đây là một hành động chính trị nghiêm trọng. Nó thể hiện mức độ của cuộc khủng hoảng ngày nay giữa hai nước chúng tôi và cả với Úc,” ông Le Drian nói với kênh truyền hình France 2.

“Đó là sự dối trá, giả tạo, xúc phạm, gây tổn hại nghiêm trọng về lòng tin,” ông Le Drian nói.

Ông mô tả việc rút các đại sứ lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ với các nước là một hành động “rất mang tính biểu tượng” nhằm “thể hiện chúng tôi không vui như thế nào và giữa chúng ta đang có một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng”.

Le Drian cũng đưa ra phản ứng gay gắt cho câu hỏi tại sao Pháp không triệu hồi đại sứ của mình tại Anh, quốc gia cũng thuộc Hiệp ước an ninh AUKUS mới.

“Chúng tôi đã triệu hồi các đại sứ của mình ở Canberra và Washington để đánh giá lại tình hình. Với Anh, không cần. Chúng tôi biết chủ nghĩa cơ hội thường xuyên của họ. Vì vậy, không cần thiết phải đưa đại sứ của chúng tôi về để giải thích,” ông nói.

Về vai trò của London trong hiệp ước dưới thời Thủ tướng Boris Johnson, ông nói thêm với sự chế nhạo: “Trong toàn bộ diễn biến này, Anh giống như cái bánh xe thứ ba”.

Ông cảnh báo thêm rằng Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid vào năm tới sẽ phải tính toán đến những gì đang xảy ra. 

Ông nói, Pháp hiện sẽ ưu tiên phát triển một chiến lược an ninh của EU khi nước này đảm nhận chức vụ chủ tịch của khối vào đầu năm 2022.

Vào Chủ nhật, Bộ trưởng Tài chính Úc Simon Birmingham một lần nữa khẳng định đất nước của ông đã thông báo cho chính phủ Pháp “sớm nhất có thể khi có cơ hội, trước khi nó được công khai”.

Ông nói với đài truyền hình quốc gia ABC rằng việc hủy bỏ thỏa thuận với Pháp “luôn là một quyết định khó khăn”.

TT Biden đã công bố liên minh quốc phòng Mỹ – Úc – Anh mới vào hôm thứ Tư (15/9), trong đó sẽ hỗ trợ Úc xây dựng đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, đồng thời hỗ trợ phát triển hệ thống mạng, trí tuệ nhân tạo và các năng lực dưới nước cho Úc. 

Hiệp ước này được nhiều bên coi là nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Động thái này khiến Pháp vô cùng tức giận vì đã mất hợp đồng cung cấp tàu ngầm thông thường chạy bằng Diesel cho Úc trị giá 50 tỷ đô la Úc (36,5 tỷ đô la Mỹ), vốn được ký kết vào năm 2016.

Một quan chức Nhà Trắng hôm thứ Sáu bày tỏ “lấy làm tiếc” về việc phái viên Pháp bị triệu hồi, nhưng nói thêm rằng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc trong những ngày tới để giải quyết những khác biệt giữa chúng tôi.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết trong một tweet rằng Washington hiểu lập trường của Pháp và đang “liên hệ chặt chẽ” với Paris.

Ông nói thêm rằng vấn đề sẽ được thảo luận “ở cấp cao”, bao gồm cả tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần tới, nơi cả Ngoại trưởng Le Drian và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tham dự.

Ông Le Drian hôm thứ Sáu đã mô tả hành động hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm với Pháp là một “cú đâm sau lưng”.

Úc đã phớt lờ trước sự tức giận của Trung Quốc về quyết định mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, đồng thời cam kết bảo vệ pháp quyền trong vùng trời và vùng biển nơi Bắc Kinh đưa ra các tuyên bố chủ quyền phi pháp.

Bắc Kinh mô tả liên minh mới là một mối đe dọa “cực kỳ vô trách nhiệm” đối với sự ổn định khu vực, đặt câu hỏi về cam kết của Úc đối với việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và cảnh báo các đồng minh phương Tây rằng họ có nguy cơ “tự bắn vào chân mình”.

Xuân Lan

Xem thêm: