Một số quốc gia đã đặt cược vào lúa mì biến đổi gen, vì chiến tranh Nga-Ukraine ảnh hưởng đến xuất khẩu lương thực và năng lượng, đồng thời nắng nóng và hạn hán cũng ảnh hưởng đến cây trồng toàn cầu.

shutterstock 283168115 e1626829617707
(Nguồn: Swapan Photography/ Shutterstock)

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã cắt đứt việc vận chuyển các nguồn lực quan trọng cần thiết để sản xuất phân bón và các sản phẩm ngũ cốc trong khu vực. Điều này khiến nguồn cung lương thực toàn cầu bị thắt chặt.

Khí tự nhiên là một nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón nitơ, được sử dụng trong nhiều loại cây trồng như ngô và lúa mì. Vì vậy, chi phí khí đốt tự nhiên tăng mạnh ​​sẽ đẩy giá tất cả các loại cây trồng lên cao.

Sự hỗn loạn trên thị trường ngũ cốc đã tác động rất lớn đến giá lương thực và những thứ khác. Bởi vì, Ukraine và Nga chiếm 30% lượng lúa mì thương mại toàn cầu. Ukraine đã xuất khẩu hơn 33 triệu tấn ngũ cốc vào năm ngoái. Một khi xuất khẩu của Ukraine bị ảnh hưởng sẽ tác động đến thị trường toàn cầu.

Nhóm nghiên cứu ở nước ngoài “Thiên Quân Chính Kinh” (Kinh tế Chính trị Thiên Quân) cho biết do vấn đề về thói quen ăn uống ở nhiều nước trên thế giới, lúa mì là loại thực phẩm duy nhất, có thể được sử dụng làm lương thực chính trên thế giới.

Cho dù đó là mì sợi ở Trung Quốc và Đông Á, bánh mì ở châu Âu và Hoa Kỳ, hay bánh kếp ở Trung Đông, đều không thể tách rời lúa mì. Hiện giờ, thậm chí còn có cách nói rằng nếu kiểm soát lúa mì, bạn có thể kiểm soát cả thế giới.

Để đối phó với dịch bệnh, các ngân hàng trung ương đã tăng tốc in tiền và tăng cường kỳ vọng lạm phát, để ngăn chặn suy thoái kinh tế. Kết quả là nhu cầu đầu cơ gia tăng, nhu cầu tích trữ trước thời hạn, đã khiến giá lương thực tăng cao.

Dưới sự thúc đẩy của tài chính, lạm phát của các nước xuất khẩu ngũ cốc tăng lên, giá ngũ cốc cũng tăng nhanh. Trong khi đồng tiền của các nước nhập khẩu ngũ cốc mất giá, khả năng kiếm ngoại hối giảm, lạm phát xấu đi. Sức mua giảm cũng dẫn đến giá ngũ cốc tăng cao, khiến cuộc hoảng loạn tích trữ gia tăng.

Một số giám đốc điều hành từ các công ty nông nghiệp lớn, như Bayer, Corteva, Archer Daniels Midland (ADM) và Bunge nói với Wall Street Journal rằng cần ít nhất 2 năm thu hoạch tốt ở Bắc và Nam Mỹ để giảm bớt áp lực về nguồn cung lương thực.

“Kỳ vọng hiện tại là thị trường ngũ cốc và hạt có dầu toàn cầu sẽ có 2 năm vụ mùa bình thường liên tiếp, để ổn định nguồn cung toàn cầu”, Giám đốc điều hành của công ty Corteva, ông Chuck Magro, cho biết trong một bài thuyết trình với nhà đầu tư trong tuần này.

Ông giải thích rằng vụ thu hoạch ngũ cốc năm nay ở phương Tây thấp hơn mức bình thường, cản trở việc bổ sung nguồn cung cây trồng toàn cầu.

Hoa Kỳ và Nam Mỹ, 2 nhà xuất khẩu cây trồng lớn nhất thế giới, đã phải đối mặt với nắng nóng dai dẳng vào mùa hè này, làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán ở các bang trong vành đai ngũ cốc của Hoa Kỳ, với thu hoạch giảm mạnh, do thiếu nước và sự ẩm ướt trong mùa gieo hạt vào mùa xuân đầu năm nay.

Ngày 20/9, Hội nghị thượng đỉnh về an ninh lương thực toàn cầu của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng, và một cuộc khủng hoảng tàn khốc trong năm tới.

Ông David Beasley, Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới, nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng thế giới hiện đang phải đối mặt với “tình trạng khẩn cấp toàn cầu chưa từng có” và thực sự có nguy cơ xảy ra “nhiều nạn đói” trong năm nay.

Ông cho biết 345 triệu người phải đối mặt với nạn đói. Trong đó 70 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp, do việc vận chuyển lương thực bị gián đoạn vì chiến tranh Nga-Ukraine.

Theo báo cáo của Reuters ngày 20/9, trên cánh đồng gần thị trấn nông trại Pergamino của Argentina, những chồi lúa mì màu xanh lá cây nhọn kéo dài đến tận chân trời. Đó là lúa mì biến đổi gen, thu được bằng cách “mượn” từ một gen của hoa hướng dương có khả năng chịu hạn tốt hơn, để tăng năng suất ngũ cốc.

Cánh đồng này là một trong số hàng chục địa điểm trồng giống lúa mì biến đổi gen (GM) có tên là HB4, được phát triển bởi công ty địa phương Bioceres và các nhà khoa học tại địa phương.

Reuters thông qua các cuộc phỏng vấn với nhiều công ty và nhà nhập khẩu, các tài liệu thử nghiệm thực địa của Hoa Kỳ và chuyến thăm những cánh đồng thử nghiệm ở Argentina, thấy rằng Bioceres đang dẫn đầu trên toàn cầu thương mại hóa lúa mì biến đổi gen (GM).

Công ty này nhận được nhiều cấp độ chấp thuận khác nhau ở Brazil, Nigeria, Úc và New Zealand.

Tình trạng biến đổi khí hậu đã gây ra hạn hán nghiêm trọng ở Trung Quốc, Bắc Mỹ và châu Âu. Đồng thời, chiến tranh Nga-Ukraine cũng gây ra tình trạng thiếu lương thực. Những người ủng hộ họ nói rằng HB4 được sửa đổi có thể giúp ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực trên thế giới.

Nhiều nhóm người tiêu dùng và các nhà hoạt động môi trường đang tẩy chay lúa mì biến đổi gen. Họ lo ngại những tác dụng phụ không lường trước được, từ những thay đổi đối với bộ gen của loại ngũ cốc được sử dụng trong bánh mì, mì sợi và các mặt hàng chủ lực khác. Biến đổi gen từ lâu đã được sử dụng trong đậu nành và ngô, chủ yếu dùng trong thức ăn chăn nuôi.

Các độc tố Bt diệt côn trùng được tạo ra trong cây trồng biến đổi gen (GMO) có thể gây hại cho tế bào của con người. Đây là kết quả nghiên cứu được công bố vào tháng 2/2012 của Đại học Caen, Pháp.

“Cần thi hành một cách nghiêm ngặt các yêu cầu đánh giá rủi ro đối với thực vật biến đổi gen và thuốc bảo vệ thực vật. Với những phát hiện này, chúng tôi cho rằng việc thương mại hóa các loại cây trồng này là không phù hợp với quy định của EU”, theo TS. Christoph Then của Testbiotech.

Testbiotech là một tổ chức phi lợi nhuận luôn theo sát các đánh giá rủi ro tại Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu EFSA và đã nhiều lần thu hút sự chú ý của xã hội, đến những khoảng trống trong việc đánh giá rủi ro về thực phẩm biến đổi gen.

Bình Minh (t/h)