Khủng hoảng Ukraine với việc Nga dàn hàng trăm nghìn quân về biên giới, công nhận hai nước cộng hòa ly khai ở Đông Ukraine, cùng nhiều bước tiến nữa trong tương lai gần… đang là bài kiểm tra cho tính khả thi của trục Nga-Trung vốn được mô tả là liên minh chống Mỹ và đồng minh.

Embed from Getty Images

Cuộc họp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh bên lề Thế vận hội mùa Đông trong tháng này đã làm dấy lên đồn đoán rằng hai nước có thể kết thành liên minh trong bối cảnh họ cùng đối đầu với Mỹ trong nhiều vấn đề.

Nga và Trung Quốc đã đang ủng hộ lập trường của nhau về việc phản đối mở rộng NATO đến các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quốc đảo dân chủ Đài Loan.

Tuy nhiên, mối quan hệ Nga-Trung vẫn tồn đọng nhiều điểm vênh nhau. Sự trỗi dậy tự tin của Trung Quốc thành một thế lực kinh tế và chính trị tương phản với nước Nga đang ngày càng bị cô lập và quay trở về với chiến thuật đe dọa và bắt nạt thời Chiến tranh Lạnh.

Trung Quốc cũng vẫn phản đối mọi hành động mà có thể gây tổn hại đến tham vọng bành trướng lãnh thổ của họ từ Biển Đông tới Đài Loan tới biên giới Ấn Độ.

Dưới đây là một số yếu tố thúc đẩy và cản trở mối quan hệ Nga-Trung:

Trung Quốc đứng ở đâu trong cuộc khủng khoảng Ukraine?

Trung Quốc đã không chỉ trích hành động của Nga đối với Ukraine và đã cùng tham gia với Nga trong việc lên án Mỹ và đồng minh. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong bài phát biểu tại Diễn đàn An ninh Munich tại Đức cuối tuần qua, đã cáo buộc “một cường quốc nhất định” đang “khuấy động thù địch”.

Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi của ông Wolfgang Ischinger, Chủ tịch Diễn đàn An ninh Munich, ông Vương nói rằng “chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia đều nên được tôn trọng và đảm bảo, bởi vì đây là chuẩn mực cơ bản của các mối quan hệ quốc tế”.

Ukraine không phải là ngoại lệ”, ông Vương nói thêm.

Ngoại trưởng Trung Quốc cũng tuyên bố rằng các cường quốc nên hành động để bảo vệ hòa bình toàn cầu và không quốc gia nào nên “lặp lại sai lầm quá khứ về việc dồn ép các liên minh đối kháng nhau”.

Phát biểu đó của ông Vương là trùng khớp với việc Trung Quốc từ lâu đã phản đối các liên minh quân sự và thường viện dẫn chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.

Bình luận của Ngoại trưởng Vương cũng phù hợp với yêu cầu của Bắc Kinh là phải thay thế trật tự toàn cầu do các liên minh chi phối. Bắc Kinh coi trật tự toàn cầu cũ đe dọa tới sự phát triển của quốc gia này.

Cuộc họp thượng đỉnh Tập-Putin đạt được kết quả gì?

Ông Tập và ông Putin đã gặp nhau trước thềm khai mạc Thế vận hội mùa Đông tại Bắc Kinh. Sau cuộc gặp đó, hai nguyên thủ Trung, Nga đã phát đi tuyên bố chung dài được xem như là bản loan báo về mối quan hệ mới và thân thiết hơn giữa hai siêu cường này.

Hai bên nói họ “ủng hộ mạnh mẽ nhau” trong việc đối đầu với điều mà ông Tập gọi là “các mối đe dọa an ninh khu vực” và “ổn định trật tự quốc tế” nhưng không trực tiếp nêu tên Mỹ.

Cuộc gặp trước thềm Thế vận hội Bắc Kinh vừa qua đánh dấu lần thứ 38 ông Tập gặp ông Putin cả trực tiếp và qua điện thoại. Bắc Kinh đã tán dương con số đó là dấu hiệu cho thấy sự gần gũi giữa hai nước Trung-Nga vốn từng là đối thủ của nhau nhằm tranh giành vị trí lãnh đạo khối xã hội chủ nghĩa trong Chiến tranh Lạnh.

Sự sụp đổ của Liên Xô vẫn là nỗi ám ảnh đối với các lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc, cũng như với ông Putin, vốn là cựu quan chức KGB, cùng có khuynh hướng độc tài như ông Tập và đã đang gắn kết các chính sách đối ngoại của Nga với chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đồng thời tranh thủ thị trường Trung Quốc để tiêu thụ tài nguyên năng lượng và khí tài quân sự Nga.

Tuy nhiên, trong bản ghi về cuộc họp Tập-Putin vừa rồi, phía Trung Quốc đã kìm chế không đưa ra chứng thực hoàn toàn đối với chiến lược của Nga về phản kháng mối đe dọa từ phương Tây.

Liệu có mối liên quan giữa Ukraine và Đài Loan?

Ngoại giới cho rằng đội ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đang theo dõi sát sao phản ứng của Mỹ đối với những hành động của Nga đối với Ukraine và coi đó là dấu hiệu chỉ ra cách mà Washington sẽ hành xử nếu Bắc Kinh có động thái chống lại Đài Loan.

Trung Quốc đã đang triển khai máy bay quân sự và duy trì các cuộc diễn tập chiến tranh đe dọa với hy vọng làm xói mòn sự ủng hộ Đài Loan tiến đến trở thành quốc gia độc lập chính thức.

Mỹ cung cấp cho Đài Loan phi cơ chiến đấu, tàu chiến và các vũ khí khác. Washington dù không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng hỗ trợ hòn đảo này dựa theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan 1979 và luôn coi các mối đe dọa đối với quốc đảo dân chủ này là vấn đề “quan ngại sâu sắc”.

Mỹ không có bổn phận phải can thiệp quân sự theo yêu cầu của Đài Loan, nhưng không loại trừ khả năng Washington sẽ điều quân tới hòn đảo này nếu Bắc Kinh phát động chiến tranh xâm lược. Các đồng minh của Mỹ như Úc và Nhật Bản khả năng cũng sẽ gia nhập cùng Mỹ để hỗ trợ Đài Loan.

Hải Đăng (Theo AP)