Tổng thống Nga Putin ngày 21/2 tuyên bố thừa nhận độc lập của hai khu vực ở miền Đông Ukraine và ký một dự luật cho phép Nga triển khai quân đội tại đó. Vấn đề làm nổi lên một khía cạnh khác của Liên minh châu Âu (EU): thất bại của chính sách năng lượng xanh vốn quá phụ thuộc vào Nga về nguồn cung năng lượng.

shutterstock 2120015726
Xe bọc thép đi trên đường ở Kharkiv, Ukraine, ngày 31/1/2022. (Ảnh: Seneline / Shutterstock).

Quân đội Nga đã tiến vào miền đông Ukraine?

Sau khi Tổng thống Nga Putin ký dự luật vào cuối ngày thứ Hai (21/2) công nhận các khu vực Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine do các lực lượng vũ trang thân Nga kiểm soát là các quốc gia độc lập, người ta đã thấy cảnh những chiếc xe bọc thép lăn bánh trên lãnh thổ đó nhưng không rõ họ có phải là người Nga hay không.

Dự luật mới do ông Putin ký sẽ cho phép Nga triển khai quân trên hai khu vực đó ở miền Đông Ukraine, mở đường cho Nga nhanh chóng tiến tới xâm lược Ukraine.

Phía Nga vẫn chưa thừa nhận việc triển khai bất kỳ quân đội nào đến miền đông Ukraine, nhưng một thành viên của chính phủ ly khai Donetsk tên là Vladislav Brig nói với hãng tin AP rằng, quân đội Nga đã tiến vào chiếm các vị trí ở phía Bắc và phía Tây của khu vực.

Mỹ và EU cũng ngay lập tức công bố các lệnh trừng phạt đối với Nga ngay vào đêm 21/2. Lệnh trừng phạt do Tổng thống Mỹ Joe Biden ký nhằm ngăn chặn các khoản đầu tư, thương mại và tài chính mới của Mỹ chảy vào các khu vực Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine. Còn EU cho biết họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người công nhận nền độc lập của hai khu vực này.

Nguy cơ thất bại trong chính sách năng lượng xanh của EU

Đồng thời với việc EU và Mỹ lo ngại tình trạng có thể kéo theo cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, cũng nổi lên tính chất mong manh của nỗ lực thúc đẩy năng lượng xanh mà EU kỳ vọng để chống lại “biến đổi khí hậu” trong những thập kỷ gần đây, do EU quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga.

EU kỳ vọng “Liên minh Năng lượng” năm 2015 cho phép có được nguồn cung khí đốt và điện với giá cả phải chăng, đồng thời đa dạng hóa các nhà cung cấp năng lượng để đáp ứng các mục tiêu giải quyết “biến đổi khí hậu” và giảm lượng khí thải carbon.

EU đã và đang loại bỏ dần than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác để chống lại “biến đổi khí hậu” và giảm lượng khí thải carbon, đồng thời thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió, nhưng những “năng lượng xanh” này không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường, EU vẫn cần nguồn năng lượng chứa carbon là khí tự nhiên nên phải dựa vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga.

Theo hãng tin AP, Nga hiện cung cấp hơn 1/3 lượng khí đốt cho EU, và vị thế thống trị này nằm ở các nước Baltic, Đức, Ý và một số khu vực đông nam EU.

Nga đã đặc biệt xây dựng các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 và Nord Stream 2 để cung cấp trực tiếp cho Đức. Nord Stream 1  bắt đầu hoạt động vào năm 2011 với công suất truyền tải hàng năm là 55 tỷ mét khối khí tự nhiên, còn Nord Stream 2 bắt đầu hoạt động vào tháng 10/2021 với công suất truyền tải hàng năm là 110 tỷ mét khối khí tự nhiên. Kể từ năm 2017, 40% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ của Đức được cung cấp bởi Nga.

Mùa đông năm nay, nguồn cung khí đốt của EU đã giảm khiến cho giá tăng cao, một phần là do nguồn cung từ Nga thấp hơn mức bình thường khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp của EU chịu áp lực do chi phí năng lượng tăng.

Chủ tịch Ủy ban EU là Ursula Von der Leyen phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm thứ Bảy (19/2) rằng 27 quốc gia của EU đã “ở vùng an toàn trong mùa đông này”, nhưng đang EU “làm mọi thứ có thể để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc này”. Bà cáo buộc tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom thuộc sở hữu nhà nước của Nga đã cố tình giảm thiểu cung cấp ít nhất có thể (đến EU) trong bối cảnh giá và nhu cầu khí đốt tăng cao.

Do trữ lượng khí đốt thấp và lo ngại chiến tranh có thể làm gián đoạn các đường ống dẫn khí đốt từ Nga nên EU đang tập trung vào việc vận chuyển khí thiên nhiên hóa lỏng bằng tàu từ Mỹ, Qatar, Algeria và các nơi khác để đáp ứng nhu cầu năng lượng của EU.

Chuyên viên năng lượng EU là Kadri Simson cho biết vào thứ Hai (21/1) rằng, một nhóm cố vấn điều phối an ninh nguồn cung cấp khí đốt của EU sẽ họp vào thứ Ba để “chuẩn bị các kế hoạch dự phòng cho tình huống xấu nhất”.

Thượng nghị sĩ Mỹ Cruz: Phải ngay lập tức chấm dứt vĩnh viễn Nord Stream 2

Thượng nghị sĩ Mỹ Cruz (Ted Cruz) nói rằng để hiểu tại sao Tổng thống Nga Putin hiện đang đạt được tiến bộ đối với Ukraine, chỉ cần nhìn vào việc Tổng thống Biden thất bại trong việc dừng đường ống Nord Stream 2.

Cruz 700x420 1
Thượng nghị sĩ Ted Cruz. (Ảnh: Charlotte Cuthbertson/The Epoch Times)

Thời cựu Tổng thống Mỹ Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với dự án đường ống dẫn Nord Stream 2, nhưng đến thời Tổng thống Biden đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đó ngay sau khi nhậm chức, cho phép việc xây dựng Nord Stream 2 cuối cùng được hoàn thiện vào tháng 9/2021 và bắt đầu hoạt động một tháng sau đó.

Thượng nghị sĩ Cruz đã viết trong một tuyên bố chi tiết hôm 21/2: “Trong nhiều tháng, các nhà lãnh đạo chính trị Ukraine và xã hội dân sự của họ đã khẩn thiết mong Mỹ giúp họ chống lại Nga bằng các biện pháp trừng phạt ngay lập tức đối với Nord Stream 2 và cung cấp cho họ vũ khí họ cần để tự vệ.”

Ông Cruz chỉ ra rằng chiến lược của Biden đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2 sau khi Nga xâm lược Ukraine, thay vì ngăn chặn trước như cách mà Tổng thống Trump từng làm, thực tế này đã cho thấy chính sách đó thất bại nghiêm trọng.

Ông Cruz cho biết bước tiếp theo của Mỹ không nên liên quan đến hành động quân sự mà là “các biện pháp trừng phạt tàn khốc” đối với Nga, bao gồm việc chấm dứt “ngay lập tức”“vĩnh viễn” đường ống dẫn khí đốt của Nga tới EU.

Ông nói trong tuyên bố: “Không ai yêu cầu Mỹ thay mặt Ukraine để can thiệp quân sự, làm như vậy sẽ là một sai lầm thảm khốc. Thay vào đó, Mỹ phải áp đặt các lệnh trừng phạt tàn khốc đối với lợi ích của Putin, bao gồm biện pháp trừng phạt tức thời và bắt buộc vĩnh viễn chấm dứt đường ống Nord Stream 2”.

Chính quyền Biden và EU (đặc biệt là chính phủ Đức) có khả năng không thực sự cắt đứt Nord Stream 2, ít nhất là không làm ngay lập tức, vì mùa đông EU vẫn chưa trôi qua nên còn nhu cầu lớn về năng lượng. Đây có thể là lý do ông Putin gấp rút thực hiện chính sách kích động xung đột với Ukraine vào mùa đông năm nay, cho phép ông Putin sử dụng nguồn cung cấp năng lượng như quân bài hữu hiệu trong các cuộc đàm phán với EU và Mỹ.

Trình Văn, Vision Times

Xem thêm: