Trong hơn 3 tuần biểu tình, bạo lực và đối đầu giữa người biểu tình chống chính phủ và lực lượng an ninh Venezuela đã khiến ít nhất 26 người thiệt mạng. Dưới sức ép ngày càng dâng cao, Tổng thống Nicolas Maduro đã lên tiếng kêu gọi phe đối lập đối thoại.

Tờ Independent (Anh) dẫn nguồn tin văn phòng công tố Venezuela cho biết ít nhất 15 người đã chết trong các cuộc xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát, 11 người còn lại chết trong bạo loạn cướp phá, gần 500 người bị thương.

Tính đến thứ Ba (25/4), gần 1.500 người đã bị bắt trong số đó 801 người vẫn còn bị giam, theo thống kê từ tổ chức nhân quyền Penal Forum.

Gần một tháng trước, phe đối lập nắm thế đa số trong Quốc hội phát động biểu tình toàn quốc sau khi Tòa án Tối cao Venezuela ra phán quyết đòi tước quyền Quốc hội. Trước đó, yêu cầu đòi tổ chức bầu cử sớm cũng bị tòa án khước từ.

Trong các cuộc tuần hành ngày càng căng thẳng, đòi hỏi lớn nhất của phe đối lập được tuyên bố là tổ chức bầu cử sớm, thả tù chính trị và bảo đảm quyền độc lập của nhánh lập pháp (Quốc hội). Tuy nhiên nguyên nhân chính đẩy khủng hoảng Venezuela lên mức cực điểm như hiện nay là thảm họa kinh tế do đường lối ‘cào bằng và quốc hữu hóa’ của Đảng Xã hội Chủ nghĩa cầm quyền. Đói khát khiến bạo loạn cướp phá nổi lên, cảnh sát bất lực và người dân tự mình hành quyết tội phạm như trong một xã hội vô chính phủ.

>> Venezuela: Hành hình vô chính phủ và bạo lực dâng cao

Reuters nhận định tình trạng bất ổn của Venezuela là tồi tệ nhất kể từ năm 2014, khi 43 người mất mạng trong các cuộc biểu tình chống Tổng thống Nicolas Maduro.

Đảng Xã hội Chủ nghĩa cầm quyền ở Venezuela đối với mỗi cuộc biểu tình đều lặp lại các tuyên bố quen thuộc, cáo buộc kẻ thù của nhân dân Venezuela câu kết với thế lực Mỹ nhằm thực hiện đảo chính lật đổ chính phủ. Tuy nhiên lần này, phe đối lập không có ý định rút lui, tiếp tục chiếm giữ đường phố đã buộc chính quyền Maduro phải thỏa hiệp.

Trong một phát ngôn trên truyền hình hôm 24/4, ông Maduro nói ông muốn đối thoại với phe đối lập để giảm nhiệt căng thẳng và đồng ý cho bầu cử ở cấp độ địa phương, tức là chọn thị trưởng thành phố và thống đốc bang, nhưng không đề cập đến cuộc tổng tuyển cử cả nước.

Bầu cử – đúng, tôi muốn bầu cử bây giờ. Đó là điều tôi nói với tư cách là người đứng đầu nhà nước, người đứng đầu chính phủ“, BBC trích dẫn từ kênh truyền hình nhà nước Venezuela.

Nhưng Liên minh Dân chủ Thống nhất, phe đối lập với Đảng Xã hội Chủ nghĩa của Maduro tuyên bố sẽ tiếp tục gây sức ép. Họ đã lên kế hoạch tuần hành trên đường phố thủ đô Caracas hôm thứ Tư (26/4), bất chấp những cuộc tuần hành trước đó bị lực lượng an ninh chính phủ giải tán bằng hơi cay, bom khói và đạn cao su.

Người dân Venezuela sẽ bám trụ trên đường phố cho tời khi có được một lịch trình bầu cử, một kênh cứu trợ nhân đạo, tự do cho tù chính trị, độc lập cho các tổ chức công, đặc biệt là Quốc hội“, nghị sĩ Ismael Garcia thuộc phe đối lập tuyên bố.

Trong khi đó, phe chavista mặc áo đỏ, chủ yếu là những người được hưởng lợi từ chính sách “cướp của người giàu chia cho người nghèo” từ thời Hugo Chavez cũng tổ chức biểu tình thể hiện sự ủng hộ cho chính quyền của đảng Xã hội Chủ nghĩa.

Trọng Đức

Xem thêm: