Trong bối cảnh ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc ngày càng gia tăng, nhà lãnh đạo 37 tuổi của Triều Tiên, ông Kim Jong Un đang áp đặt những hình phạt khắc nghiệt hơn đối với công dân của đất nước mình, những người bị “bắt quả tang” là đang nghe thể loại nhạc K-pop (nhạc pop Hàn Quốc) được cho là “đồi trụy”.

Embed from Getty Images

The tờ New York Times đưa tin vào thứ Sáu (ngày 11/6), chiến dịch bí mật chống K-pop đã được đưa ra ánh sáng bởi kênh truyền thông Daily NK có trụ sở tại Seoul, thông qua các tài liệu nội bộ được chuyển lén ra khỏi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCND Triều Tiên). Những thông tin này sau đó đã được các nhà lập pháp Hàn Quốc công bố.

Nhà độc tài Kim Jong Un đã gọi sự du nhập văn hóa đến từ Hàn Quốc là một “căn bệnh ung thư quái ác” đang làm hỏng “trang phục, kiểu tóc, cách nói chuyện, cách cư xử” của giới trẻ Bắc Triều Tiên, mô phỏng các điệu nhảy của bộ phim “Footloose” từ thời thập niên 80 – nhưng theo khuynh hướng đen tối hơn nhiều.

Trong một nỗ lực rõ ràng nhằm vận hành “văn hóa xóa sổ” của riêng mình, ông Kim đã đưa ra các luật lệ mới vào tháng 12 năm ngoái, quy định rằng bất kỳ ai bị bắt gặp đang xem hoặc đang nắm giữ các nội dung của Hàn Quốc có thể bị kết án lao động khổ sai lên đến 15 năm. Mức phạt tối đa được áp dụng trước đây đối với “fan” hâm mô của những nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng như BTS là 5 năm.

Theo các tài liệu bị rò rỉ, nếu mức hình phạt trên vẫn chưa đủ nghiêm khắc, những người “buôn lậu” nhạc K-pop thậm chí có thể phải đối mặt với việc bị hành quyết, còn những người bị “bắt quả tang” là đang hát, nói hoặc viết theo “phong cách Hàn Quốc” có thể bị kết án 2 năm tại trại lao động.

Tháng 5 vừa qua, một công dân Triều Tiên đã bị xử bắn vì chào bán các sản phẩm âm nhạc và sản phẩm giải trí khác của Hàn Quốc.

Các sản phẩm giải trí của Hàn Quốc lâu nay vẫn được vận chuyển lén qua đường biên giới CHDCND Triều Tiên, ban đầu được lưu dưới dạng băng cát sét và sau đó là các ổ đĩa flash của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tờ Daily Mail đưa tin, người đứng đầu “Vương quốc Ẩn sĩ” (ám chỉ Triều Tiên) đã tăng cường luận điệu chống tư bản trong những tháng gần đây, khi ông ta nhận thấy đất nước của mình ngày càng trở nên dễ bị ảnh hưởng bởi phong cách văn hóa đến từ phía Nam.

Hồi tháng 2, ông Kim Jong Un đã ra lệnh cho các tỉnh, thành phố và quận huyện của quốc gia này phải kìm hãm sự gia tăng ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản. Truyền thông nhà nước Triều Tiên thậm chí còn cảnh báo rằng thể loại nhạc Pop có thể khiến quốc gia này “sụp đổ như một bức tường ẩm mốc” nếu họ không làm gì đó.

Thật vậy, lệnh cấm K-pop được ban hành ngay tại thời điểm khá tồi tệ đối với chế độ được cho là ‘lừa dối’ này, việc phong tỏa đất nước vì COVID-19 càng khiến nền kinh tế trở nên tê liệt. Đất nước Triều Tiên vốn đã bị vây hãm trong nhiều thập kỷ bởi khả năng quản lý yếu kém và các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm đối phó với chương trình vũ khí hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Các chuyên gia cho rằng, trước sức nóng của những chuyển biến, người trẻ Bắc Triều Tiên nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp nhận các phong tục từ bên ngoài và thách thức chính quyền của ông Kim.

“Đối với Kim Jong Un, cuộc xâm lược văn hóa từ Hàn Quốc đã vượt quá mức có thể chịu đựng.” Ông Jiro Ishimaru, tổng biên tập của Asia Press International, một tờ báo Nhật Bản chuyên đưa tin về Triều Tiên, cho biết: “Nếu việc này không được kiểm soát, ông ta lo ngại rằng người dân của mình có thể bắt đầu coi miền Nam là một Triều Tiên khác có thể thay thế miền Bắc.”

Những người thuộc thế hệ “Thiên niên kỷ” (Millennials – khái niệm dùng để chỉ những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) của Triều Tiên lớn lên trong nạn đói những năm 1990 đã đặc biệt vỡ mộng với chế độ nhà nước, vốn từ lâu đã nhồi nhét quan niệm rằng Hàn Quốc là một địa ngục đầy rẫy người ăn xin. Nếu như họ xem các nội dung giải trí hấp dẫn của Hàn Quốc, họ sẽ biết được rằng trong khi họ chết đói vì không có đồ ăn, thì những người anh em miền Nam của họ đang cố gắng giảm cân thông qua các chế độ ăn kiêng.

Không chỉ K-pop, gần đây chính quyền Triều Tiên cũng lo ngại các từ tiếng lóng của Hàn Quốc đã bắt đầu “len lỏi” vào những cuộc nói chuyện hằng ngày. Ngày càng có nhiều phụ nữ Triều Tiên gọi bạn trai của họ là “oppa” (một từ phổ biến để gọi người con trai mình yêu thích trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc), thay vì là “đồng chí” – danh xưng cho chính quyền áp đặt.

Theo các nguồn tin tối mật, để loại bỏ hiện tượng mà các quan chức Triều Tiên gọi là “biến thái” này, nhà nước đã ra lệnh truy soát trên các máy tính, tin nhắn văn bản và các máy “notebooks” để phát hiện xem có dấu vết của tiếng lóng Hàn Quốc hay không. Người nào bị bắt gặp đang bắt chước những giọng điệu này có thể sẽ bị trục xuất khỏi các thành phố.

Tuy nhiên, có thể đã quá muộn để kiềm chế xu hướng này. Theo tờ New York Times, nghiên cứu của Hàn Quốc đối với 116 người trốn thoát khỏi Triều Tiên gần đây cho thấy khoảng một nửa trong số họ “thường xuyên” thưởng thức các sản phẩm giải trí Hàn Quốc khi còn sinh sống tại CHDCND Triều Tiên.

“Những người Bắc Triều Tiên trẻ tuổi nghĩ rằng họ không mắc nợ gì với Kim Jong Un.” Anh Jung Gwang-il, một người đã chạy trốn khỏi Triều Tiên và trước đó từng lén buôn bán các sản phẩm nhạc K-pop tại quê hương mình, cho biết: “Ông ta phải đính chính lại quyền kiểm soát tư tưởng của mình đối với giới trẻ nếu ông ta không muốn đánh mất nền tảng cai trị đất nước của gia tộc mình trong tương lai.”

Đây không phải là lần đầu tiên nhà độc tài Kim Jong Un trấn áp cái gọi là “khuynh hướng chống chủ nghĩa xã hội”. Tháng 4 vừa qua, ông Kim đã ra lệnh cấm phong cách quần jean được thiết kế theo kiểu dáng ôm bó, trong một nỗ lực cắt đứt xu hướng thời trang kiểu phương Tây được chính quyền cho là “suy đồi”.

Vy An (Theo FoxNews)

Xem thêm: