Bức tượng “vũ công 14 tuổi” của Edgar Degas tại Triển lãm Nghệ thuật Quốc gia ở Washington DC, theo The Washington Post báo cáo, đã bị một nhóm tự xưng là các nhà hoạt động tới bôi các chất vào vỏ bảo vệ và bệ của tượng hôm 27/4, với mục đích muốn chính quyền phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu.

230427 climate 01
Một số người tự xưng là nhà hoạt động môi trường bắt đầu bôi các chất màu đen và đỏ lên vỏ bảo vệ của bức tượng tại National Gallery of Arts ở Washington DC. (Ảnh cắt từ video)

Theo những gì được thấy trên video, thì một nhóm hai người đã tới, lấy ra các chất màu đen và đỏ mà họ đã chuẩn bị sẵn, rồi dùng tay bôi lên vỏ bảo vệ và bệ của bức tượng. Sau đó họ ngồi xuống, nói ra các tuyên bố của mình, trước khi họ bị nhân viên an ninh của phòng triển lãm đưa đi.

Edgar Degas thường được biết đến như họa sỹ tranh sơn dầu trường phái ấn tượng thế kỷ 19 người Pháp. Ông có nhiều tác phẩm về chủ đề các nghệ sỹ múa. Theo thông tin của phòng triển lãm, bức tượng “vũ công 14 tuổi” là bức tượng duy nhất được trưng bày ra công chúng của ông.

climate change
Nếu thấy một bức tranh sơn dầu trường phái ấn tượng vẽ vũ công đang tập múa kiểu này, thì gần như chắc chắn đó là của danh họa Degas người Pháp. Bức The Dancing Class, 1871, ở The Metropolitan Museum of Art, New York. (Nguồn: Wikipedia)

“Chúng tôi kiên quyết tố cáo hành vi tấn công vật lý này nhằm vào một trong những tác phẩm nghệ thuật của chúng tôi,” theo tuyên bố của Kaywin Feldman, giám đốc Triển lãm Nghệ thuật Quốc gia (National Gallery of Art). Ông cho biết phòng tranh đã phải tạm thời đóng cửa sau sự cố này, và đang tính toán thiệt hại tương ứng.

Tờ báo The Washington Post báo cáo rằng đã xác định được nhóm này. Nhóm tự nhận rằng họ có tên ‘Declare Emergency’, và họ muốn chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về vấn đề môi trường.

Không giống hình ảnh có thể hình dung theo cách suy nghĩ thông thường, ví như hình ảnh các nhà khoa học đang miệt mài nghiên cứu xem làm thế nào để có được cách khai thác năng lượng rẻ nhưng ít tác hại để giải quyết bài toán môi trường, thì các nhà hoạt động tự xưng có một hình ảnh khác ở xã hội, như một số ví dụ:

  • Ném súp hộp cà chua lên bức tranh “Hoa Hướng dương” của Vincent van Gogh tại Gallery ở London;
  • Đập bánh kem vào mặt bức tượng sáp của Vua Charles tại Madame Tussauds ở London;
  • Bôi khoai tây nghiền lên bức tranh của Claude Monet tại Bảo tàng Barberini ở Potsdam, Đức;
  • Dán tay vào bức tranh “Primavera” của Sandro Botticelli tại bảo tàng Uffizi ở Florence, Ý;
  • Dán tay vào khung bức tranh “Thảm sát ở Hàn Quốc” của Pablo Picasso ở Úc;
  • Dán tay vào khung tranh “Bữa tối cuối cùng”;
  • Đổ nước đen vào đài phun nước gần 400 tuổi ở Rome, Ý…
230427 climate 02
Bức tranh “Mùa xuân” cực kỳ nổi tiếng của danh họa Sandro Botticelli thế kỷ 15 cũng không thoát khỏi bàn tay của các nhà hoạt động môi trường. (Ảnh cắt từ video)

Tờ báo The Washington Post cho biết các bảo tàng trên thế giới đã lên tiếng kêu gọi các nhà hoạt động hãy chấm dứt lối hành xử nhắm vào các tác phẩm nghệ thuật. Những khách tham quan phòng trưng bày cũng tỏ ra phản cảm.

“Nó không tốt vì nó hủy hoại tài sản,” một cô gái 14 tuổi nói với tờ báo. Cháu là người New York, và đang cùng các bạn cùng tuổi tới phòng triển lãm ở thủ đô và chứng kiến sự việc này. Mặc dù cháu cho rằng mong muốn đưa ra thông điệp cảnh báo là việc làm không sai.

Một phụ nữ 66 tuổi lần đầu tiên tới đây cũng nói với tờ The Washington Post rằng bà bị sốc. Bà tin rằng vấn đề môi trường là có thật, nhưng bà không tán thành cách làm này, “Tôi cho rằng mọi người có những quyền hợp pháp… Nhưng thành thật mà nói, tôi thấy [cách làm này] gây sốc và xúc phạm.”

Một tài khoản Twitter chỉ ra rằng nhiều cảnh báo của những nhà hoạt động môi trường đã không đúng với thực tế khách quan

Nhật Tân