Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Mỹ đã tăng lên 8,6% vào tháng Năm, vượt qua cả mức ước tính thị trường là 8,3%.

shutterstock 189201107
Lạm phát tại Mỹ tăng lên 8,6%, mức cao nhất trong 40 năm (Nguồn: Xtock/ Shutterstock)

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động (BLS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1% so với tháng trước. Các tác nhân chính của lạm phát như giá lương thực, năng lượng và nhà ở không có dấu hiệu chậm lại.

Tỷ lệ lạm phát cốt lõi (core inflation rate), không bao gồm ngành thực phẩm và năng lượng (vì giá các mặt hàng trong 2 ngành này dao động quá cao), đã tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự đoán của các nhà kinh tế là 5,9%. Mức lạm phát cơ bản cũng tăng 0,6% so với tháng trước.

Tất cả các chỉ số lạm phát đều tăng cao trong tháng Năm, với giá lương thực tăng 10,1% và giá năng lượng tăng 34,6%.

Dầu nhiên liệu tăng 106,7%, xăng tăng 48,7% và chi phí điện tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng Năm, giá thịt vẫn đắt đỏ với các mức tăng: thịt bò 10,2%), thịt lợn (+13,3%), giăm bông (+11,1%) và thịt gà (+17,4%).

Giá trứng tăng 32,2%, trong khi giá sữa tăng 15,9%. Giá trái cây và rau quả tăng 8,2%. Giá cà phê đã tăng với tốc độ đáng kể là 15,3%.

Chi phí tạm trú tăng 5,5%. Giá vé máy bay tăng 37,8% do giá nhiên liệu tăng và nhu cầu đi lại cao.

Giá xe cộ sản xuất mới tăng 12,6%, trong khi giá xe hơi và xe tải đã qua sử dụng tăng 16,1%. Giá cả quần áo tăng 5%.

Dữ liệu lạm phát đã tác động xấu đến thị trường tài chính Mỹ. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm gần 700 điểm và chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm hơn 3%. S&P 500 giảm khoảng 2,7%.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng hơn 17 điểm cơ bản lên 3%, đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2008.

Điều này “báo hiệu các nhà đầu tư hiện dự đoán rằng Fed (Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ) sẽ phải tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 200 điểm cơ bản trong 12 tháng tới”, ông Ed Yardeni, chủ tịch của Yardeni Research nhận định trong một email gửi khách hàng.

Ông phân tích thêm: “Lợi suất kỳ hạn 10 năm vẫn ở mức 3,10%, cho thấy rằng đường cong lợi suất đang báo hiệu một sự suy giảm kinh tế đáng kể, điều này sẽ làm giảm lạm phát”.

Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường giá trị của đồng USD so với rổ tiền tệ, đã tăng 0,8% lên 104,02, từ mức mở cửa là 103,34.

Lạm phát sẽ leo thang đến đâu?

Một trong những chủ đề nóng những tuần gần đây là liệu lạm phát có đạt đỉnh hay không.

Trong vài tháng qua, giá cả một số ngành của thị trường Hoa Kỳ đã giảm bớt, đặc biệt là giá ô tô đã qua sử dụng. Tuy nhiên, theo báo cáo CPI tháng Năm, nhiều hàng hóa và dịch vụ đã tiếp tục tăng giá, đặc biệt là mặt hàng năng lượng.

Sự tăng vọt liên tục của một loạt các mặt hàng năng lượng, bao gồm giá dầu thô, khí đốt tự nhiên, xăng và dầu diesel, có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao hơn trong những tháng tới.

Ông Mohamed El-Erian, một nhà kinh tế và cố vấn kinh tế hàng đầu tại Allianz, tỏ ra hoài nghi trước những tuyên bố rằng lạm phát đã đạt đến đỉnh điểm.

Ông nhắc lại lập trường này vào ngày 10/6, lưu ý rằng mức lạm phát vào tháng Sáu có thể tệ hơn báo cáo trong tháng Năm.

Ông cũng phân tích rằng phản ứng của thị trường trái phiếu đối với dữ liệu lạm phát Hoa Kỳ cho thấy phản ứng mang tính quá đà của Fed và một sự suy thoái kinh tế lớn hơn.

Trong tháng trước, giá dầu thô Tây Texas Intermediate (WTI) và Brent đã tăng khoảng 10%. Khí đốt tự nhiên tăng 16%. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ô tô Hoa Kỳ (AAA), mức giá trung bình trên toàn quốc cho một gallon xăng là gần  5 USD, trong khi dầu diesel đang ở mức 6 USD.

Bà Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cấp cao tại Ngân hàng Swissquote cho biết: “Để lạm phát hạ nhiệt trong dài hạn, giá năng lượng cần giảm xuống.”

Nhà kinh tế trưởng và chiến lược gia của Euro Pacific Capital, ông Peter Schiff, đã bác bỏ các tiêu đề cho rằng Hoa Kỳ đang ở mức lạm phát cao nhất. Ông trả lời với tờ Fox Business rằng “lạm phát sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều”.

“Cuộc lạm phát này chỉ mới bắt đầu. Ý tôi là, chúng ta đã chứng kiến lạm phát đối với các tài sản tài chính trong một thời gian dài, tuy nhiên bây giờ cuối cùng nó đã chuyển sang hàng tiêu dùng và còn một chặng đường dài phía trước”, ông nhận định.

Các nhà hoạch định chính sách khác của Hoa Kỳ đang chờ đợi thêm dữ liệu để xác định xem liệu nền kinh tế đã chứng kiến ​​điều tồi tệ nhất của việc giá cả leo thang hay liệu áp lực lạm phát sẽ giảm bớt.

Bà Loretta Mester, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland, trả lời tờ CNBC vào tuần trước rằng bà không nhận thấy đủ dấu hiệu chứng tỏ lạm phát đã lên đến đỉnh điểm.

“Tôi không muốn tuyên bố chiến thắng về lạm phát trước khi tôi thấy bằng chứng thực sự thuyết phục rằng các hành động của chúng ta đang bắt đầu có hiệu quả”, bà Mester chia sẻ.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ tổ chức cuộc họp chính sách tháng Sáu kéo dài 2 ngày vào ngày 14-15/6. Theo công cụ FedWatch của CME Group, nhiều người dự kiến ​​rằng ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ kích hoạt việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản.

Trong phiên điều trần của Ủy ban Tài chính Thượng viện hôm 8/6, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen thừa nhận rằng Hoa Kỳ sẽ phải chịu đựng “mức lạm phát không thể chấp nhận được” trong một thời gian, mặc dù bà “rất hy vọng rằng nó sẽ giảm xuống ngay bây giờ.”

Trong một lời khai riêng biệt trước phiên điều trần của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ, bà Yellen thừa nhận rằng, có lẽ bà “nên sử dụng một thuật ngữ chính xác hơn là tạm thời” khi thảo luận về lạm phát.

“Không còn nơi nào để trốn”

Theo ước tính gần đây của Moody’s Analytics, các hộ gia đình ở Mỹ đang phải trả thêm 311 USD mỗi tháng cho hàng hóa và dịch vụ.

Tháng trước, một cuộc khảo sát của CNBC + Acorns Invest in You, do Momentive thực hiện, cho thấy rằng nhiều người tiêu dùng hiện đang cắt giảm việc ăn uống ở ngoài, giảm lái xe, hủy các chuyến đi và các thuê bao đăng ký hàng tháng.

Ông Greg McBride, Phó chủ tịch cấp cao kiêm giám đốc phân tích tài chính tại Bankrate, cho biết vì lạm phát mang tính chất diện rộng và các điều kiện kinh tế sau đại dịch đã khiến người tiêu dùng “không còn nơi nào để trốn”.

Ông McBride trả lời tờ Epoch Times: “Mức tăng lớn nhất đến từ các danh mục là nhu cầu thiết yếu tuyệt đối – nhà ở, thực phẩm và năng lượng. Đây là lý do tại sao chúng tôi bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu giằng co giữa những người tiêu dùng hoặc đang quay trở lại mức chi tiêu theo ý thích hoặc tìm cách tiết kiệm càng nhiều càng tốt.”

Ông William Stack, cố vấn tài chính tại Stack Financial Services, khẳng định chiến lược tốt nhất mà người tiêu dùng và các nhà đầu tư có thể áp dụng, đặc biệt trong môi trường lạm phát đình trệ, là chuyển sang vàng và bạc.

Theo ông Stack, những kim loại quý này là các tài sản hoạt động tốt nhất trong bối cảnh lạm phát đình trệ.

Mặc dù giá bạc đã giảm khoảng 7% tính đến thời điểm hiện tại, giá vàng vẫn giữ ổn định với mức tăng gần 1%. Cả hai mặt hàng kim loại đều có kết quả tốt hơn các chỉ số chuẩn hàng đầu của Hoa Kỳ.

“Trước đây, vàng và bạc vẫn có dấu hiệu tốt tốt ngay cả trong những năm ngay sau thời kỳ lạm phát đình trệ, tăng giá 5–8 lần trong khoảng thời gian 3-5 năm”, ông Stack trả lời tờ Epoch Times.

“Các điều kiện có vẻ giống nhau về nhiều mặt và khắc nghiệt hơn tại một số phương diện. Chúng tôi khuyến nghị khách hàng và người về hưu nên tự bảo vệ mình bằng cách sở hữu các tài khoản được liên kết với vốn cổ phần có bảo hiểm để bảo vệ tiền vốn của họ khỏi sự sụt giảm thị trường, đồng thời tăng mức thu nhập tiềm năng để theo kịp với lạm phát, và tiết kiệm một phần (10-20%) khoản tiền của họ bằng kim loại quý.”

Theo Khảo sát kỳ vọng của người tiêu dùng hàng tháng do Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (FRBNY) thực hiện, kỳ vọng lạm phát trung bình trong một năm đã giảm từ 6,6% trong tháng Ba xuống còn 6,3% vào tháng Tư.

Vy An (Theo The Epoch Times)