Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak đã đạt được một thỏa thuận kinh tế mới nhằm tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia và giải quyết những thách thức của một “thế giới đang thay đổi nhanh chóng”.

Embed from Getty Images

“Hôm nay tại Washington, chúng tôi đã có những cuộc thảo luận quan trọng và tích cực để làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế song phương và mở rộng hợp tác của chúng tôi nhằm định hình những thách thức và tương lai cho phần còn lại của thế kỷ này,” ông Biden cho biết vào ngày 8/6 trong cuộc họp báo chung với ông Sunak tại Nhà trắng.

Ca ngợi mối quan hệ đặc biệt giữa Hoa Kỳ và Vương quốc Anh như một nguồn sức mạnh, ông Biden cho biết thỏa thuận mới — được gọi là Tuyên bố Đại Tây Dương — sẽ “trang bị cho mối quan hệ đối tác kinh tế của chúng ta trong thế kỷ 21.”

“Nó vạch ra cách chúng ta có thể tăng cường hợp tác để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch phải diễn ra và đang diễn ra, dẫn dắt sự phát triển của các công nghệ mới nổi vốn sẽ định hình rất nhiều tương lai của chúng ta và bảo vệ các công nghệ quan trọng đối với an ninh quốc gia của chúng ta,” ông nói.

Theo Tổng thống Biden, một khía cạnh quan trọng của kế hoạch đó là tăng cường chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng để giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác đối với các nguyên liệu thiết yếu cho nền kinh tế và quốc phòng Hoa Kỳ.

Ông Sunak cũng đề cập đến mối đe dọa đó và cho biết: “Các quốc gia như Trung Quốc và Nga sẵn sàng thao túng và khai thác sự cởi mở của chúng ta, đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng ta, sử dụng công nghệ cho mục đích độc tài hoặc rút các nguồn tài nguyên quan trọng như năng lượng. Họ sẽ không thành công. Hôm nay, chúng ta đã đồng ý [với] Tuyên bố Đại Tây Dương, một quan hệ đối tác kinh tế mới cho một thời đại mới chưa từng được thống nhất trước đây.”

Các hành động chính mà hai nước sẽ thực hiện để củng cố quan hệ đối tác sẽ bao gồm hợp tác về các công nghệ mới nổi, kiểm soát đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu sang các quốc gia có liên quan, hợp tác để chống lại các lệnh trừng phạt và khủng hoảng chuỗi cung ứng, cũng như hợp tác về trí tuệ nhân tạo và dữ liệu.

Họ cũng sẽ làm việc cùng nhau để thiết lập một thỏa thuận khoáng sản quan trọng nhằm giúp xây dựng “nền kinh tế năng lượng sạch của tương lai” đồng thời củng cố liên minh của họ về quốc phòng, an ninh y tế và không gian.

Lãnh đạo tiếp theo của NATO?

Câu hỏi ai sẽ nắm quyền lãnh đạo NATO năm nay cũng nằm trong chương trình nghị sự của cuộc gặp giữa hai ông Biden và Sunak.

Ông Sunak đã nói trước chuyến đi tới Washington rằng ông muốn Hoa Kỳ và các đồng minh NATO khác ủng hộ Bộ trưởng quốc phòng Anh Ben Wallace là nhà lãnh đạo tiếp theo của liên minh.

Trong cuộc họp báo chung, ông Biden đã trả lời “có thể” khi một nhà báo Anh đặt câu hỏi liệu đã đến lúc có một Tổng thư ký NATO của Anh hay chưa.

“Chúng ta sẽ phải đạt được sự đồng thuận trong NATO để thấy điều đó xảy ra. Họ có một ứng cử viên là một cá nhân rất có trình độ. Chúng tôi sẽ có rất nhiều cuộc thảo luận giữa chúng tôi và NATO để xác định kết quả của việc đó sẽ như thế nào,” ông Biden nói.

Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, ông Sunak được cho là sẽ vận động ông Biden ủng hộ đề cử đối với ông Wallace.

Ông Wallace, cựu đại úy Quân đội Anh, được nhiều người coi là ứng cử viên hàng đầu để kế nhiệm Jens Stoltenberg làm tổng thư ký NATO vào tháng 10.

Các ứng cử viên khả dĩ khác bao gồm Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen.

Lê Vy (theo The Epoch Times)