Lãnh đạo đối lập người Nga đang ngồi tù, ông Alexei Navalny mới đây đã lên tiếng kêu gọi cử tri Pháp ủng hộ tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và cáo buộc ứng viên đối lập Marine Le Pen có mối quan hệ quá gần gũi với chính phủ Nga của Tổng thống Vladimir Putin.

Embed from Getty Images

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng 2 giữa ông Macron và bà Le Pen sẽ diễn ra vào Chủ Nhật (24/4). Nữ chính trị gia theo quan điểm bảo thủ cánh hữu hiện đang bị cáo buộc phụ thuộc vào Điện Kremlin do đảng của bà vào năm 2014 đã nhận khoản vay 9 triệu euro từ Ngân hàng Séc-Nga Trên hết (FCRB) vốn bị cho là do chính phủ Putin chi phối.

Những nghi vấn về mối quan hệ của bà Le Pen với Moscow đã phát sinh trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp từ 5 năm trước, thời điểm mà bà Le Pen đã thua ông Macron. Vấn đề này hiện đã nóng trở lại trong bối cảnh Tổng thống Nga Putin phát động chiến tranh xâm lược Ukraine và cũng cùng lúc với thời điểm diễn ra bầu cử tổng thống Pháp năm 2022.

Cáo buộc của ông Navalny về mối quan hệ gần gũi giữa bà Le Pen và chính phủ Nga do đội ngũ của ông Navalny đăng trên Twitter vài giờ trước cuộc tranh biện tổng thống cuối cùng giữa hai ứng viên Macron và Le Pen.

Tại cuộc tranh biện, ông Macron cũng đã tấn công bà Le Pen bằng việc cáo buộc bà phụ thuộc vào Nga. Đương kim tổng thống Pháp gọi chính phủ Nga là “ngân hàng” của bà Le Pen.

Bà Le Pen đã phản ứng giận dữ với cáo buộc cho rằng bà chịu ơn Điện Kremlin. Chính trị gia cánh hữu này nói bà “hoàn toàn tự do”.

Từ đầu chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp năm nay, bà Le Pen đã bác bỏ các nghi vấn về khoản vay của Đảng Mặt trận Quốc gia (National Front) từ năm 2014, bây giờ đã được đổi tên thành Đảng Vận động Quốc gia (National Rally). Ngân hàng cho vay đó cũng đã giải thể.

Đoạn tweet của đội ngũ của ông Navalny được viết khá dài bằng tiếng Pháp, trong đó chính trị gia đối lập người Nga muốn nói với những người ủng hộ bà Le Pen về tình trạng tham nhũng ở Nga và cách chính phủ Nga đã làm bại hoại các ngân hàng như FCRB.

Ngân hàng này là nơi rửa tiền nổi tiếng được thành lập theo chủ trương của Putin… Đây là bán ảnh hưởng chính trị cho Putin”, tweet của ông Navalny viết.

Bà Le Pen giải thích rằng đảng của bà đã tìm đến FCRB sau khi các ngân hàng Pháp và châu Âu từ chối cho đảng này vay tiền.

Tại cuộc họp báo trước thời điểm đội ngũ của ông Navalny đăng tweet cáo buộc, bà Le Pen đã tiếp tục bảo vệ bản thân trước những nghi ngờ về việc bà chịu ơn Điện Kremlin. Đầu tháng này, bà Le Pen cũng đã nói với báo giới rằng bà không tin FCRB hoạt động theo lệnh của các lãnh đạo chính quyền Nga.

Bà Le Pen nói thêm rằng đảng của bà vẫn đang trả khoản vay đó, nhưng không nêu rõ hiện giờ chủ nợ là bên nào vì FCRB đã giải thể.

Bà Le Pen nói khoản vay đó không phải là thương vụ mờ ám. “Khoản vay này không có được tỷ lệ lãi suất thấp. Hợp đồng vay được ký với mức lãi suất 6%”, bà Le Pen nói.

Tất nhiên, tôi sẵn sàng đàm phán với bất cứ ngân hàng nào từ Mỹ, từ Nam Mỹ muốn mua lại khoản nợ này”, bà Le Pen nói.

Nếu một ngân hàng của Pháp muốn mua khoản nợ này, tất nhiên ngân hàng đó cũng có các điều kiện tương tự, những điều khoản rất có lợi cho ngân hàng”, bà Le Pen nói thêm.

Luật của Pháp hiện nay cấm các ngân hàng từ các nước bên ngoài Liên minh châu Âu cho các chính trị gia vay tiền. Đảng Vận động Quốc gia của bà Le Pen bây giờ đang phải nhận khoản vay từ một ngân hàng tại Hungary. Tổng thống Hungary Viktor Orban, một chính trị gia cánh hữu bảo thủ, là đồng minh của bà Le Pen.

Ông Navalny tháng trước đã bị tòa án Nga kết án 9 năm tù về tội gian lận tài chính và xem thường tòa án. Chính trị gia này trong nhiều năm qua là đối thủ chính trị lớn nhất của ông Putin. Phương Tây cáo buộc ông Putin đàn áp đối lập, loại bỏ các đối thủ chính trị để duy trì quyền lực lâu dài tại Nga.

Gia đình bà Le Pen có truyền thống gần gũi với chính phủ Nga. Ông Jean-Marie Le Pen, thân phụ của bà Le Pen và cũng là người đồng sáng lập Đảng Mặt trận Quốc gia, là người khởi đầu mối quan hệ của gia đình Le Pen với Nga.

Cháu họ cùa bà Marine Le Pen, bà Marion Marechal – cũng là một chính trị gia cánh hữu – đã tới thăm Nga. Bản thân bà Marine Le Pen cũng tới Nga nhiều lần, nhưng mới chỉ gặp ông Putin một lần.